Bội thực tín dụng ưu đãi

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Chưa khi nào các ngân hàng lại đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như hiện nay.

Bội thực tín dụng ưu đãi
Các ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn: internet

Những tưởng đây là liệu pháp tốt. Nhưng ưu đãi càng nhiều, rủi ro càng lớn, mối lo ngại của các ngân hàng càng tăng lên còn tín dụng thì lại càng ì ạch.

Tín dụng ép uổng

Ngày 25/8, Nghị định số 67/2014/NĐ – CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Đây là chương trình tín dụng lớn thứ 5 mà các ngân hàng thương mại (NHTM) đang triển khai dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mỗi chương trình có một mục tiêu khác nhau, song có một điểm chung và cũng là điểm đáng chú ý nhất trong cả 5 chương trình lớn này là sự đóng góp, tham gia của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Chung sức đồng lòng là điều đáng quý, nên làm. Song chính từ những yêu cầu của ngân hàng về sự “chung tay” này lại cho thấy một sự thật hiển nhiên: ngân hàng ngày càng sợ rủi ro. Vì thế quả bóng trách nhiệm nhiều khi bị đá qua, đẩy lại, khiến cho tín dụng chính sách càng trở nên ì ạch.

Thứ nhất, với gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở – gói 30 ngàn tỷ đồng, được triển khai từ 1/6/2013. Thời hạn cho vay tối đa lên đến 15 năm. Cùng với lãi suất ưu đãi, khách hàng – vốn là người thu nhập thấp (tức là độ rủi ro không trả được nợ vay cao) có thể dùng chính căn nhà sẽ mua làm tài sản thế chấp. Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT về vấn đề này được ban hành với sự liên đới của 4 cơ quan: NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ gói tín dụng này phải nằm trong danh sách của Bộ Xây dựng chuyển sang NHNN.

Thực tế là Bộ Xây dựng đã chuyển 81 dự án sang NHNN và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó 17 dự án đã được giải ngân. Dư nợ giải ngân theo tiến độ đạt 2.613,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,57% tổng giá trị gói tín dụng này (30.000 tỷ đồng). Con số này một lần nữa cho thấy: các ngân hàng chẳng mặn mà gì với chương trình này.

Thứ hai, chương trình cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn… NHNN cũng yêu cầu các địa phương trình danh sách doanh nghiệp để xem xét. Khi đã rà soát xong, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng. Hơn 30 địa phương trình danh sách doanh nghiệp lên thì mới có 11 doanh nghiệp thuộc 6 địa phương được nhận hỗ trợ từ chương trình này.

Thứ ba, chương trình liên kết 4 nhà: ngân hàng – chủ đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Chương trình này, như đã từng đề cập, ngân hàng cũng yêu cầu có sự “bảo lãnh“ từ các bộ, ngành mới giải ngân và ngân hàng cũng luôn “nắm đằng chuôi” khi cho vay. Song, sau những lùm xùm từ Ngân hàng Xây dựng – đơn vị từng tự nhận vị trí “chủ xị” chương trình này – chắc chắn cả người vay lẫn ngân hàng sẽ e ngại khi tham gia chuỗi liên kết này.

Thứ tư, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tất cả các hợp đồng đã ký kết đều có sự tham gia của địa phương. Các ngân hàng tham gia chương trình này thừa nhận: chính nhờ sự vào cuộc (và cũng là sự “bảo lãnh”) của chính quyền, cơ quan ở các địa phương nên ngân hàng mới mạnh dạn cho vay vốn.

thứ năm, chương trình cho vay theo Nghị định 67. Theo Thông tư 22/2014/TT- NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 thì một trong những yêu cầu của NHNN là chủ tàu muốn vay vốn hỗ trợ phải có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Thậm chí NHNN còn yêu cầu chủ tàu mua đầy đủ bảo hiểm (bảo hiểm mọi rủi ro). Có vẻ như những yêu cầu này chưa đủ, nên BIDV còn đề xuất cho phép các NHTM được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn. Hơn nữa chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng còn được đề nghị phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để đảm bảo việc thu hồi vốn của chương trình…

Chớ vội mừng

Ưu đãi lớn nhất trong các chương trình tín dụng trên là lãi suất cho vay thấp nên lợi nhuận mà các ngân hàng thu được không cao, không tạo thành động lực cho ngân hàng mà còn là áp lực. Vì thế, cùng với những ưu đãi, ngân hàng luôn có những yêu cầu, ràng buộc khắt khe hơn đối với người vay vốn nhằm hạn chế rủi ro. Chính vì thế khách hàng cũng không dễ gì đáp ứng được các yêu cầu đó để thụ hưởng ưu đãi. Về phía các ngân hàng, điều họ lo lắng nhất hiện nay là nợ xấu chứ không phải là tăng trưởng tín dụng thấp.

Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160,94 ngàn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013. Nợ xấu có nguy cơ tiếp tục tăng, không chỉ vì các ngân hàng thương mại áp dụng quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, mà còn vì kinh tế tiếp tục trì trệ thì doanh nghiệp vẫn gặp khó khiến khả năng không trả được nợ vay ngân hàng càng tăng. Vì vậy nếu cứ buộc ngân hàng thương mại phải triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như trên, cho dù có sự “bảo lãnh” của NHNN hay các bộ, ngành thì rốt cuộc họ vẫn là những người chịu rủi ro đầu tiên.

Triển khai cùng lúc nhiều chương trình đồng nghĩa với việc ngân hàng thương mại phải chia sẻ, thậm chí dàn trải các nguồn lực. Điều này dẫn tới hiệu quả không cao, quản lý cũng không hề dễ dàng, dễ dẫn đến những hậu quả không tốt về sau. Lý do là ưu đãi đồng nghĩa với sự xuất hiện của cơ chế xin – cho, điều đã từng xảy ra với các chương trình tín dụng ưu đãi lớn trước đây. Hơn nữa, những chương trình trên ít nhiều đều có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mà nguồn lực này thì không phải vô tận và ngân sách nhà nước vẫn đang bội chi do kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn…