Bớt lo nợ xấu?

ThS. TRẦN THỊ LƯU TÂM

(Tài chính) Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng con đường xử lý nợ xấu của Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kết quả khả quan…

Có thể nói, chưa có năm nào xử lý nợ xấu lại được bàn đến nhiều như năm 2013. Câu chuyện này đã “hâm nóng” cả hai kỳ họp Quốc hội, dù chưa thỏa mãn với những câu trả lời chất vấn, lý giải nhưng cử tri cũng phần nào yên tâm hơn với những kết quả đạt được và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan hữu quan.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình: NHNN không đơn độc trong xử lý nợ xấu mà đã có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) với các nhóm giải pháp tổng thể cần triển khai đến năm 2015, bao gồm: Nhóm giải pháp đối với TCTD; nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Trước đó, NHNN cũng đã chỉ đạo toàn Ngành triển khai quyết liệt các giải pháp tự xử lý nợ xấu như: Cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, tập trung trích lập dự phòng rủi ro... Đến nay, tổng số nợ các TCTD đã cơ cấu nợ cho các khách hàng vay là trên 300.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có tới 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại thì đã thành nợ xấu.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sửa đổi bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách an toàn hoạt động của các TCTD, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo các TCTD tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Dự kiến, đến hết năm 2013 sẽ mua được từ 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu, qua đó góp phần hỗ trợ, khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Có thể nói, những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại những kết quả khả quan và rất quan trọng, là bước đầu để xử lý tổng thể nợ xấu, làm cho các doanh nghiệp (DN) tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp.

Yên tâm sau năm 2015?

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng con đường xử lý nợ xấu của Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan. Bởi xử lý nợ xấu ở Việt Nam hiện chủ yếu thông qua hình thức bán nợ cho VAMC và bán nợ cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để xử lý các khoản nợ tồn đọng của DN. Trong khi đó, VAMC vừa mới ra đời, còn DATC dù đã ra đời từ hơn 10 năm nay là đơn vị chủ lực trong xử lý nợ xấu của các DNNN nhưng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính và mô hình hoạt động…

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu tại DN, cần xét nâng cấp quy mô hoạt động, quy mô vốn và mô hình hoạt động của DATC theo hướng chuyển đổi mô hình và nâng cấp DATC thành Tổng công ty xử lý nợ quốc gia. Bổ sung vốn điều lệ, cho phép DATC phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh để mua nợ của các TCTD. Thành lập một số công ty cổ phần có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng do DATC nắm giữ cổ phần từ 36%-49% nhằm xã hội hóa, thu hút sự tham gia góp vốn vào hoạt động xử lý nợ xấu của các thành phần kinh tế.

Việc mua bán, sáp nhập ngân hàng là điều tốt nhưng bản thân những người mua sau khi ôm một đống nợ xấu ấy có đủ khả năng để giải quyết được vấn đề không mới là điều đáng bàn. Đặc biệt, làm sao để kiểm tra, kiểm soát hết con số thực nợ xấu của NHTM, khi có thể dùng 3.000-5.000 tỷ đồng để mua một ngân hàng, trong khi nợ xấu lên tới mấy chục ngàn tỷ đồng.

TS. Bùi Kiến Thành,
Chuyên gia kinh tế

Bên cạnh đó, theo lộ trình của NHNN, từ ngày 01/6/2014, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ xấu theo những chuẩn mực mới tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN với hàng loạt quy định chặt chẽ hơn và tiệm cận với quốc tế, nhiều khoản tín dụng của DN, cá nhân sẽ bị liệt vào các nhóm nợ xấu hơn trước đây. Mặc dù vậy, ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng, nên lùi thời điểm thực hiện Thông tư trên tới năm 2015, vì nợ xấu bày ra hết lúc này cũng không xử lý được.

Bên cạnh các giải pháp trên, theo cam kết của Thống đốc NHNN, trong thời gian tới NHNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng của các TCTD, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của TCTD. Với những kết quả và động thái trên cùng các nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì đến năm 2015 mới yên tâm.

Có thể nói, để xảy ra nợ xấu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngân hàng nhưng các ngân hàng không thể tự tạo ra nợ xấu. Nợ xấu là do các con nợ đến vay vốn nhưng đến hạn không trả được nợ. Do đó, xử lý nợ xấu lúc này không chỉ là trách nhiệm đơn lẻ của các ngân hàng, DN mà cần có sự tham gia của Nhà nước với mục tiêu phải đạt được trong việc xử lý nợ xấu là tạo điều kiện để ngân hàng thiết lập quan hệ tín dụng mới, giúp DN còn khả năng hoạt động vay vốn, đồng thời thanh lọc những DN, ngân hàng yếu kém trong sản xuất kinh doanh.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013