Bức tranh kinh tế 2013: Ghi điểm cho cặp đôi vàng - tỷ giá

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Thị trường vàng vào khung và tỷ giá ổn định là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế vĩ mô trong năm qua. Sang năm 2014, chặng đường khá gian nan nhưng cùng với nhận định nền kinh tế đang thoát đáy, ngành ngân hàng cũng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Vấn đề đặt ra là làm sao cho nốt thăng của thị trường vàng, tỷ giá còn ngân mãi?

Bức tranh kinh tế 2013: Ghi điểm cho cặp đôi vàng - tỷ giá
Ổn định thị trường vàng và tỷ giá đồng tiền Việt Nam được coi là một thành công trong năm 2013. Nguồn: internet
Một năm bình yên của tỷ giá

Ngay từ đầu năm 2013, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã khẳng định tỷ giá có thể biến động trong phạm vi 3%. Vào những ngày cuối cùng của năm, nhìn lại chặng đường trường tỷ giá ra sao?
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2014, người dân gửi VNĐ vẫn có lợi.  Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đó cũng là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Ngày 28/6, NHNN đã chủ động điều chỉnh với biên độ 1% và thị trường tự điều chỉnh 1%. Những ngày này, tỷ giá liên ngân hàng 21.095 đồng/1 USD. Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì trong năm 2013, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản ổn định, thị trường tự do gần như không còn hoạt động công khai.

Việc tỷ giá khá ổn định cũng đã giúp các tổ chức kinh tế và cá nhân chủ động lên kế hoạch chiến lược, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh. 

Các chính sách mạnh như giảm trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạn chế cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động bằng ngoại tệ đã khẳng định quyết tâm chuyển từ quan hệ huy động cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ liên tiếp được bung ra đã khiến ngoại tệ ngày càng kém hấp dẫn trong mắt người dân. Tín dụng bằng ngoại tệ sụt giảm mạnh cũng khiến hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận, việc tỷ giá ổn định không tự nhiên mà có, tự thân NHNN đã nhìn thấy sớm và đã gỡ "kíp nổ tỷ giá”, đó là gỡ bỏ vàng ra khỏi hệ thống tổ chức tín dụng. 

Thông điệp cứng rắn cho thị trường vàng

Riêng về thị trường vàng, trong năm 2013 vai trò chủ đạo của NHNN đối với mục tiêu kiểm soát thị trường vàng đã rõ hơn. Tình trạng "vàng hóa” từng bước được đẩy lùi. Đáng chú ý, trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập. Hoạt động đầu cơ, nhập lậu vàng đã được ngăn chặn có hiệu quả, không còn hiện tượng người dân đổ xô mua vàng bằng mọi giá.

Lần đầu tiên, trọn vẹn trong 12 tháng vàng đã mất đi 11 triệu. Kim loại quý đã bớt "lung linh” hơn. Giá vàng thương hiệu quốc gia SJC hiện nay chỉ xoay quanh ngưỡng 35,4 triệu đồng/lượng. Với vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng, sau khi thực hiện 75 phiên đấu thầu, NHNN đã cung ứng ra thị trường 67 tấn vàng, "cơn khát vàng” đã chính thức hạ nhiệt. Ngân hàng không còn đổi vàng ra tiền đồng để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất. Giá vàng giảm, cảnh tranh mua, tranh bán khi giá biến động cũng đã được hạn chế tới mức tối đa.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng. Ba điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý thị trường vàng là NHNN vẫn phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng; các NHTM không được huy động vàng, cho vay vàng; không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt năm 2014, đề nghị NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. 

Nhiều người đã ví von năm 2013 là năm "đại bại” của vàng, là năm "truân chuyên của vàng”. Nói như TS. Nguyễn Minh Phong: Cùng với các yếu tố niềm tin tiền đồng tăng, lạm phát thấp, vàng đã dần mất đi địa vị "vịnh tránh bão”.

Ván bài lại lật ngửa

Bên cạnh những thành công của việc giữ ổn định thị trường vàng và tỷ giá, khách quan thừa nhận, hàng hóa nhập khẩu đang rẻ đi trong khi hàng hóa trong nước đắt lên. Việc "neo” tỷ giá quá lâu trong khi nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tỷ giá không chỉ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thua ở sân khách, mà còn có nguy cơ mất cả sân nhà do giá hàng hóa sản xuất trong nước cao hơn. Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn được neo ở mức cao 4 triệu đồng/lượng.

Những khó khăn của kinh tế vĩ mô được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí sẽ bi quan hơn trong năm 2014. Do vậy, để tỷ giá và vàng tiếp tục ngân lên những nốt nhạc dài là điều không hề dễ. 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ giá và chính sách tỷ giá luôn là vấn đề nóng bỏng vì nó mang tính chất trường tồn tới các biến số kinh tế vĩ mô. Trong tương lai gần, chính sách tỷ giá của Việt Nam khó có thể chuyển sang được cơ chế thả nổi. Chỉ khi nào áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi, Chính phủ mới có thể tập trung và chính sách tiền tệ với công cụ chủ yếu là lãi suất, do vậy chính sách tỷ giá vẫn là một trong số công cụ quan trọng của NHNN Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá một cách linh hoạt vừa đảm bảo cho xuất khẩu, vừa đảm bảo ổn định, hoạt động chung cũng như không gây hiệu ứng tăng lạm phát, nhưng chắc chắn không quá 2%.  Và để thực hiện được điều này liệu có dễ?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: chính sách tỷ giá đã được thắt chặt thận trọng nhưng cần được linh hoạt hơn, còn chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh khẳng định chính sách tỷ giá nên áp dụng một chính sách thả nổi nhưng có kiểm soát. 

Các chuyên gia trong ngành khẳng định, tỷ giá và vàng có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu như 2 mặt hàng nhạy cảm này ổn định sẽ tạo lòng tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp giải thể lên tới gần 61.000 đơn vị.