Bùng nổ chờ tăng room

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán đã có phiên bùng nổ mạnh mẽ nhờ tin tốt là phía Văn phòng Chính phủ ủng hộ tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán bật tăng mạnh mẽ... Mặc dù tiến độ mở room chưa có gì rõ ràng, nhưng đây cũng là tin nóng trong bối cảnh thị trường lình xình kéo dài.

Bùng nổ chờ tăng room
Các tổ chức lớn có dấu hiệu rút tiền ở ngân hàng và đẩy mạnh đầu tư. Nguồn: internet

Chứng khoán đã có những diễn biến hết sức tích cực khi dấu hiệu dòng tiền tăng mạnh trở lại. Khối lượng giao dịch (không tính thỏa thuận) trên sàn HoSe đã đạt hơn 60 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch trên 1.100 tỷ đồng, cao nhất trong 1 tháng qua và gấp đôi khối lượng giao dịch trung bình 2 tuần đầu tháng 8. VN-Index cuối phiên tăng 3,23 điểm lên 511 điểm (+0,64%) trong khi HNX-Index tăng hơn 1% lên 62,93 điểm.

Tiền chảy vào chứng khoán

Một điểm tích cực thu hút dòng tiền chảy vào chứng khoán là sức lan tỏa từ cổ phiếu chủ chốt ra khắp thị trường chứ không còn tình trạng tập trung vào một vài bluechips có vốn hóa lớn như trước.

Thị trường đã hướng sự chú ý đến cổ phiếu chứng khoán dẫn đầu là cổ phiếu SSI. SSI đã đột ngột tăng mạnh với lượng mua vào rất lớn tạo phản ứng của dòng tiền với thông tin hỗ trợ mở room. Cổ phiếu này đã tăng giá rất nhanh, vượt qua ngưỡng cản và có phiên giao dịch đột phá trên thị trường. Thanh khoản của SSI tăng mạnh trên 2,57 triệu cổ phiếu đã được giao dịch, tương đương gần 43,5 tỷ đồng. SSI bất ngờ dẫn đầu thị trường về thanh khoản.

Một số cổ phiếu chứng khoán cũng không còn room như TP. Hồ Chí Minh cũng tăng rất mạnh. Hai cổ phiếu chứng khoán là SSI và HCM tăng nhanh đã thu hút dòng tiền đổ vào các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán khác như BVS, SHS, KLS, VND... Hầu hết các cổ phiếu chứng khoán sáng 19/8 đều có biến động mạnh, khiến cả nhóm ngành này bật lên dẫn đầu thị trường.

Các cổ phiếu hết room như REE, FPT cũng biến động tăng rất tốt. Cả 2 cổ phiếu này dù tăng hơi chậm so với thị trường nhưng cũng có màu xanh vào cuối phiên. Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (đối tượng chính tăng room) lại không thực sự ấn tượng, khi họ mua vào ở dưới mức trung bình. Phản ứng rõ nét nhất chỉ là mua vào cổ phiếu SSI với 237.000 đơn vị, nhưng cũng chỉ chiếm hơn 9% thanh khoản của cổ phiếu này.

Vậy nên, vào cuối phiên, độ rộng thị trường bị thu hẹp dần, các chỉ số điều chỉnh về cuối phiên khi áp lực bán gia tăng. Giao dịch vẫn khá sôi động nhưng không còn "bốc" như nửa đầu phiên. Chỉ có các cổ phiếu thực sự được mua mạnh mới duy trì được đà tăng giá cho đến hết phiên sáng. Giá trị khớp lệnh 2 sàn chỉ tăng nhẹ hơn 2% so với phiên trước.

Tăng room tối đa

Một tín hiệu mới cho thấy các tổ chức lớn có dấu hiệu rút tiền ở ngân hàng và đẩy mạnh đầu tư. Lãi suất duy trì ở mức thấp 7 - 8%/năm sẽ tác động tích cực đến thị trường trung và dài hạn. Theo chuyên gia của công ty quản lý quỹ IPAAM, lãi suất duy trì ở mức thấp 7 - 8%/năm sẽ tác động tích cực đến thị trường trung và dài hạn.

Các tổ chức lớn thay vì đi gửi tiền ở ngân hàng hiện có dấu hiệu rút tiền về và đẩy mạnh đầu tư. Bởi hiện tại, PE trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 12 lần, lãi suất gửi ngân hàng 1 năm chỉ ở mức 8%/năm không còn hấp dẫn các tổ chức lớn như trước. Vàng, bất động sản vẫn bất động và hiện chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất thời điểm này.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Vũ Bằng, cho biết phương án nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Văn phòng Chính phủ ủng hộ phương án nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo đề xuất của Bộ Tài chính, UBCKNN.

Một trong các chính sách UBCKNN hướng đến cuối năm 2013 và năm 2014 là đề xuất nới room tối đa đến 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các doanh nghiệp niêm yết (trừ các ngành kinh doanh có điều kiện). Như vậy, để thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn, dự thảo Quyết định sửa đổi đề xuất, ngoài được phép sở hữu tối đa 49% cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết hiện hành, tổ chức đầu tư nước ngoài còn được nắm giữ thêm 10% cổ phần không có quyền biểu quyết.

Trong lĩnh vực chứng khoán, theo cam kết WTO, Dự thảo cũng mở ra cơ hội đa dạng hóa ngưỡng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam, thay vì chỉ được phép sở hữu 49% hoặc 100% như hiện tại.

Ngoài việc nới room, các chính sách khác được UBCKNN hướng tới như tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, đề xuất các ưu đãi thuế với các loại hình đầu tư mới như quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, đẩy mạnh cổ phần hóa, tiếp tục hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ ETF, xây dựng đề án hợp nhất 2 Sở và quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trình Thủ tướng trong quý IV/2013.