Bùng nổ ngân hàng số

Theo Cát Tường/thuongtruong.com.vn

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã thúc đẩy các ngân hàng (NH) Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ NH số, nhằm đáp ứng những nhu cầu khách hàng mà NH truyền thống chưa làm được. Tuy nhiên, việc phát triển NH số đang đứng trước nhiều thách thức cần được quan tâm xử lý để bắt kịp xu thế của NH toàn cầu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ NH số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ NH số.
Ngân hàng số đã vào guồng
Những năm trước, với một tài khoản internet banking, người dùng chỉ được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như xem số dư tài khoản và các giao dịch trong quá khứ, địa điểm mạng ATM/chi nhánh, nhận thông báo...
Tuy nhiên, khi cuộc CMCN 4.0 bắt đầu lan tỏa, cùng với sự xuất hiện và thành công của các công ty công nghệ tài chính (fintech), các NH đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ phục vụ theo kiểu truyền thống sang phục vụ bằng công nghệ, thể hiện bằng việc áp dụng NH số ngày càng rộng rãi.
Năm 2015, VIB cho ra đời ứng dụng NH di động MyVIB dành cho điện thoại thông minh trên các hệ điều hành IOs, Andorid và Windows phone. Vietcombank cũng giới thiệu không gian giao dịch công nghệ số lần đầu tiên tại Việt Nam (Digital Lab), nơi khách hàng có thể trải nghiệm một khu vực giao dịch tự phục vụ ngay chính bên trong NH.
Thay vì phải xếp hàng chờ đợi tại quầy, khách hàng có thể khởi tạo các giao dịch nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, đăng ký dịch vụ NH điện tử, mở tài khoản hay trải nghiệm các tiện ích khác bằng công nghệ. 
Không chịu ngồi yên, VPBank đã ra mắt NH số Timo không có chi nhánh, phòng giao dịch… như mô hình NH truyền thống. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện một số giao dịch Timo Hangout tại các quán cà phê cùng các giao dịch viên của Timo. BIDV cũng xây dựng BIDV E-Zone, một khu vực trải nghiệm NH số để khách hàng thực hiện giao dịch như nộp tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, đăng ký mở tài khoản và nhiều tính năng khác của BIDV E-banking.
Năm 2017, TPBank có một bước tiến mới khi áp dụng mô hình giao dịch NH tự động (LiveBank) đầu tiên tại Việt Nam, cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên NH.
Đến năm 2018, dịch vụ NH số thật sự trở thành cuộc đua của các NH khi hàng loạt kế hoạch, dự án đầu tư phát triển lĩnh vực này được công bố. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết một trong các trọng tâm đầu tư của NH này là dịch vụ NH số. Các kênh NH số của VPBank sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra 1 triệu khách hàng mới cho NH này.

Vừa qua NHNN đã chủ động đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển NH số, cho phép triển khai khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với các doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực NH, và sớm trình Thủ tướng Chính phủ khuôn khổ này trong thời gian tới.
Ông NGUYỄN KIM ANH,
Phó Thống đốc NHNN
Còn ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB chia sẻ, dù NH số đứng vị trí thứ 6 trong 8 mục tiêu kinh doanh của khối NH bán lẻ VIB đặt ra, song đây lại là một trong những vấn đề hàng đầu, là nền tảng giảm thiểu chi phí hoạt động cho VIB. 
Trong khi đó, OCB rầm rộ ra mắt ứng dụng OCB Omni áp dụng nền tảng Omni - Chanel vào các hoạt động NH, đánh dấu bước ngoặt mới trở thành NH hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam. Hiện OCB đang hoàn chỉnh chiến lược NH số với lộ trình chuyển đổi toàn diện mô hình, sản phẩm đến tư duy kinh doanh trên nền tảng công nghệ hiện đại, trong đó OCB Omni là yếu tố quan trọng của chiến lược này. Một NH khác là VietBank cũng công bố khoản đầu tư đến 14 triệu USD vào hệ thống lõi NH.
Cụ thể, VietBank đã làm việc với Finastra, một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới để xây dựng hệ thống Core Banking mới với đầy đủ các chức năng, dự kiến đầu năm 2019 đi vào vận hành, tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm mới.
Thói quen đã chuyển dịch
Trong một báo cáo mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhận định, ngành tài chính đang đối mặt với những thay đổi lớn do các thành tựu công nghệ mang lại.
Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa NH và người dùng, tự động hóa các dịch vụ tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân, tạo nên sự cạnh tranh lớn đối với khối NH. Nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang ở những bước đầu phát triển dịch vụ tài chính trên di động và thị trường còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. 
Nắm bắt được xu thế này, nhiều NHTM đã tập trung đầu tư công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0. Đã có 93% NH phản hồi khảo sát của Vietnam Report, cho biết hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (internet banking, mobile banking…); 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của NH và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin. 
Với sự thay đổi của các NH, hiện không chỉ người trẻ mà những người ở lứa tuổi trung niên cũng đang dần chuyển đổi thói quen sử dụng các dịch vụ NH số thay cho dịch vụ NH truyền thống. Nguyên nhân đến từ những tiện ích vượt trội dịch vụ này mang lại. Chẳng hạn tại LiveBank của TPBank, khách hàng có thể giao dịch 24/7, giao dịch nộp tiền chuyển khoản bằng thẻ, chứng minh nhân dân hay hộ chiếu tại máy. Khi có nhu cầu mở tài khoản, LiveBank tự động phát hành thẻ ATM ngay lập tức. Trong khi với NH truyền thống, khách hàng phải đến quầy giao dịch, lấy số thứ tự, chờ đến lượt giao dịch và khi mở thẻ ATM phải chờ 1 tuần mới được nhận thẻ.
Hay với NH số Timo, muốn mở thẻ chỉ cần đăng ký trực tuyến, nhân viên sẽ hẹn khách hàng đến làm thủ tục, ký tên và chỉ 15 phút, khách hàng sẽ nhận được thẻ. Sau đó, khách hàng tải ứng dụng Timo về điện thoại và các giao dịch đều được thực hiện trên ứng dụng. Có rất nhiều khách hàng phản hồi, sau khi sử dụng dịch vụ NH số, họ không còn muốn đến giao dịch tại quầy trừ những trường hợp quá cần thiết. 
Báo cáo về Dịch vụ NH - Hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam của IDG Việt Nam, cho biết năm 2017 có đến 81% người dùng được khảo sát đã sử dụng các giải pháp NH so với tỷ lệ 21% khảo sát năm 2015. Như tại VPBank việc đầu tư NH số đã được triển khai 2 năm nay. Năm 2017 VPBank đã huy động được 10.000 tỷ đồng từ NH số, chiếm 9% tổng huy động NH.
Dịch vụ NH số cũng đóng góp tới hơn 40% số tài khoản mới mở, tỷ trọng các giao dịch qua ATM và CDM (NH tự động có khả năng nhận và rút tiền) cũng tăng lên, trong khi các giao dịch tại quầy đã giảm xuống còn 17-18%. Ngoài ra, hơn 42.000 khoản vay của VPBank đã được thực hiện qua kênh NH số, trong đó 30.000 giao dịch thực hiện qua thẻ tín dụng. Theo kế hoạch, 5 năm tới mô hình truyền thống ở VPBank sẽ giảm xuống dưới mức 50%. 
Một thống kê được VIB công bố cho biết, hiện 80% giao dịch không dùng tiền mặt của NH đang diễn ra trên ứng dụng MyVIB và internet banking, chỉ còn 20% giao dịch là thực hiện tại quầy. Lượng khách hàng thường xuyên sử dụng MyVIB trong năm 2017 tăng 87% so với năm 2016.
Đồng thời, 20% khách hàng cá nhân mới cũng sử dụng dịch vụ mở tài khoản trực tuyến ngay trên trang website. Còn tại Vietcombank, trước khi ra mắt Digital Lab chỉ có 25% khách hàng sử dụng internet banking, nhưng hiện nay kênh NH điện tử kỳ vọng được đẩy lên với khoảng 50% sử dụng.

Giải quyết những thách thức
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ số sẽ là động lực quan trọng tham gia giải quyết cả 5 vấn đề từ phát triển kênh cung ứng dịch vụ đến sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại; cung cấp thông tin, hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người dân thông qua các phương tiện số và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý giám sát.
Tuy nhiên, hiện nay quy định cho những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu… vẫn chưa được cơ quan quản lý ban hành để tạo sự an tâm cho các NH, tổ chức trung gian thanh toán đầu tư vào hạ tầng, giải pháp và nguồn nhân lực.
Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối NH bán lẻ SCB, chia sẻ những thách thức khi phát triển NH số tại Việt Nam. Thứ nhất, giáo dục thị trường về việc sử dụng dịch vụ, tức làm cho khách hàng quen với dịch vụ mới. Bởi hiện nay dù ai cũng sử dụng điện thoại thông minh nhưng rất ít người sử dụng NH số.
Thứ hai, để phát triển NH số phải đầu tư chi phí rất lớn nên bài toán đặt ra là phải mang lại hiệu quả. Trong giai đoạn 1, đầu tư NH số chỉ mang lại dịch vụ cho khách hàng, nhưng giai đoạn 2 NH số sẽ trở thành kênh bán cho những người tương tác nhiều trên nền tảng công nghệ.
Thứ ba, về hành lang pháp lý NHNN vẫn chưa thông qua luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử.
Còn theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ VIB, để NH triển khai thành công các ứng dụng công nghệ 4.0, yêu cầu về trình độ, năng lực và sự am hiểu về công nghệ của đội ngũ nhân viên rất cần thiết. Đây cũng là một trong những thách thức của ngành NH trước cuộc CMCN 4.0.
Đồng thời, sự xuất hiện của công nghệ mới cũng sẽ kèm theo các lỗ hổng về công nghệ, từ đó dễ bị các tội phạm công nghệ cao lợi dụng, như ăn cắp dữ liệu khách hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán gian lận. Do đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển sản phẩm/dịch vụ, để hạn chế tối đa rủi ro, NH cần tập trung đầu tư bảo mật thông tin, từ quy trình đến công nghệ và con người.