Cá nhân thao túng chúng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư sẽ bị phạt nặng thế nào?


Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội vừa thông báo tiến hành khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của một doanh nghiệp khoáng sản. Vậy các cá nhân vi phạm và gây thiệt hại nặng cho nhà đầu tư chứng khoán khác sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện hành?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 22/3/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông báo: Cơ quan này vừa nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu: KSA), xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo đó, qua quá trình điều tra, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 12/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Bà Phạm Thị Hinh sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú: Tổ 20A, phường Định Công, Hoàng Mai, TP. Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM về tội thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ Luật Hình sự.

Đến ngày 21/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bị can Phạm Thị Hinh.

Theo quy định hiện hành, hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử phạt khá nghiêm khắc. Cụ thể, tại Điều 211 Bộ Luật Hình sự, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu  đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cụ thể:

Thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Thứ hai, thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Thứ ba, liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

Thứ tư, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

Thứ năm, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

Thứ sáu, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Cũng theo khoản 2, Điều 211 Bộ Luật Hình sự thì phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Bizlive, liên quan đến vụ việc thao túng chứng khoán đối với cổ phiếu KSA, trước đó, ngày 2/8/2018, KSA cũng đã bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quyết định của HOSE. Nguyên nhân do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và xét thấy phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. HoSE đã đưa cổ phiếu KSA vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/5/2018 do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, và đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó Khoáng sản Bình Thuận vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ về công bố thông tin, và HoSE đã có lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu này. Đến thời điểm bị huỷ niêm yết cổ phiếu KSA đóng cửa mức giá 500 đồng/cổ phiếu. Được biết, sau quyết định khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội sẽ tiếp tục điều tra vụ án.

Năm 2018 được xem là năm kỷ lục về xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, 9 cá nhân bị phạt với mức phạt mỗi vụ là 550 triệu đồng, tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng tiền phạt của cả năm 2018 (20 tỷ đồng).

Tuy cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư mắc sai phạm khi sử dụng nhiều tài khoản để thao túng một vài mã chứng khoán. Thực tế này đặt ra yêu cầu mức xử phạt vi phạm chứng khoán cần mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh việc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư, pháp luật ra thị trường để giúp thị trường lành mạnh hơn, nhà đầu tư chân chính được bảo vệ tốt hơn.