Các ngân hàng xoay xở tăng vốn

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Việc tăng vốn của ngành ngân hàng lại được bàn luận sôi nổi trong những ngày qua, sau khi 2 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn và BIDV đang đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn ngay trong năm nay, đều thông qua con đường phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Việc tăng vốn điều lệ đã trở thành bài toán khó đối với nhiều ngân hàng trong những năm gần đây.
Việc tăng vốn điều lệ đã trở thành bài toán khó đối với nhiều ngân hàng trong những năm gần đây.

Từ vướng mắc của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước

Theo đó, Vietcombank sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 36.000 tỷ đồng lên hơn 39.500 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 10% từ mức hiện nay, trong khi BIDV tăng mạnh hơn với mức tăng gần 28%, lên 43.600 tỷ đồng, dự kiến vượt qua Vietinbank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống. Thông tin cho thấy cả hai ngân hàng này có thể sẽ bán vốn cho cổ đông nước ngoài để có thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn đặt ra.

Việc tăng vốn điều lệ đã trở thành bài toán khó đối với nhiều ngân hàng trong những năm gần đây, bất chấp thị trường chứng khoán phục hồi, hay công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu đạt nhiều kết quả tích cực trong 2 năm trở lại đây.

Đặc biệt, đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chính sách giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho việc tăng vốn đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ Bộ Tài chính, trong khi ngân sách có hạn nên cổ đông lớn là Nhà nước cũng không thể góp thêm vốn.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần nhất cho thấy, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tính đến tháng 5/2018 là gần 147.800 tỷ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 118 tỷ đồng so với tháng 1/2017, trong khi ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng thêm gần 16.400 tỷ đồng, đóng góp chính vào mức tăng 19.800 tỷ đồng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Do không thể tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng thương mại nhà nước đã buộc phải tìm cách tăng vốn tự có cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn để phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo hệ số CAR (hệ số an toàn vốn).

Theo đó, vốn tự có của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (đã loại 3 ngân hàng bị mua 0 đồng do có vốn tự có âm) tính đến cùng thời điểm là gần 252.500 tỷ, tăng gần 19.200 tỷ đồng so với tháng 1/2017. Dù vậy, hệ số CAR của nhóm này vẫn đang thấp nhất và cận kề mức quy định 9%, khi chỉ đạt 9,39% vào cuối tháng 5 vừa rồi.

Đến khó khăn của nhà băng nhỏ

Tuy nhiên, việc tăng vốn khó khăn không chỉ diễn ra ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, mà cả những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ. Cần biết rằng con số 16.500 tỷ đồng tăng thêm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã nói ở trên chủ yếu là sự tăng thêm ở các ngân hàng có quy mô lớn, đã niêm yết trên sàn chứng khoán nên có điều kiện phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như đến từ một số ngân hàng tăng vốn khủng khi lên sàn trong thời gian gần đây, như Techcombank, HDBank hay VPBank. Còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần chưa lên sàn và quy mô nhỏ thì kế hoạch tăng thêm vốn cứ "lỡ làng" hết năm này qua năm khác. 

Thống kê cho thấy hiện còn đến 8 ngân hàng vẫn có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng (không tính PGBank vừa được sáp nhập vào HDBank), cụ thể 2 ngân hàng đang có vốn điều lệ bằng với mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng là Bản Việt và  Kiên Long, 3 ngân hàng có vốn cao hơn chút ít là Ngân hàng Quốc dân (3.010 tỷ đồng), Nam Á (3.021 tỷ đồng), Sài Gòn Công Thương (3.080 tỷ đồng), và 3 ngân hàng có vốn khá hơn gồm Bảo Việt (3.150 tỷ đồng), Việt Nam Thương tín (3.249 tỷ đồng), Việt Á (3.500 tỷ đồng).

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần nhất cho thấy, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tính đến tháng 5/2018 là gần 147.800 tỷ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 118 tỷ đồng so với tháng 1/2017, trong khi ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã kịp tăng thêm gần 16.400 tỷ đồng, đóng góp chính vào mức tăng 19.800 tỷ đồng của toàn hệ thống.

Chính vì vậy, các ngân hàng này cũng chịu không ít áp lực và cần phải đẩy nhanh lộ trình tăng vốn, nếu như không muốn bị thâu tóm hoặc sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn, theo như định hướng của cơ quan quản lý nhằm nâng cao nội lực tài chính của các thành viên trong hệ thống ngân hàng. 

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần gợi ý đến khả năng cả nước chỉ cần 15 - 17 ngân hàng có quy mô tương đối lớn và sức mạnh tài chính vững chắc là đủ.

Ngày 28/9 vừa qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank), thuộc nhóm 8 ngân hàng trên thông báo bổ sung, sửa đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2018.

Theo đó, Vietbank sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 3.249 tỷ đồng lên hơn 4.256 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 91 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và hơn 9,7 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Những giải pháp tăng vốn

Có thể thấy việc các ngân hàng tập trung giải quyết việc tăng vốn chưa bao giờ trở nên cấp thiết như thế, khi mà các tiêu chuẩn an toàn vốn theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, sau giai đoạn trì trệ thì kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản, khi mà theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã giao trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ đến năm 2020, nhằm đáp ứng vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2 theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ thì muốn tăng vốn thuận lợi hơn buộc phải cải thiện kinh doanh, niêm yết lên sàn chứng khoán để thu hút vốn của nhà đầu tư, tận dụng thời điểm thị trường đang có nhiều thuận lợi như hiện nay.

Khi đó sẽ có nhiều điều kiện để sử dụng các giải pháp tăng vốn linh hoạt như phát hành thêm cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cũng như tìm kiếm thêm các cổ đông chiến lược nhờ sự minh bạch hơn trong hoạt động khi đã lên sàn.

Một số thông tin chia sẻ từ ban điều hành của các ngân hàng cho thấy, Vietbank đã chốt danh sách cổ đông để lên sàn UPCoM trong năm nay, đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn HoSE. Ngân hàng Nam Á được cổ đông thông qua đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM sau 3 năm lỡ hẹn. Ban lãnh đạo Ngân hàng Việt Á dự kiến lên sàn chứng khoán trong năm nay, nếu kịp, trong khi Kiên Long đã niêm yết trên sàn UPCoM từ tháng 6/2017.