Các “ông lớn” ngân hàng tiên phong, lãi suất có giảm sâu?

Theo dantri.com.vn

4 ngân hàng thương mại đã đi tiên phong trong việc giảm lãi suất huy động VND từ đầu tuần này, nhưng khảo sát mặt bằng chung trên thị trường, lãi suất vẫn gần như giữ nguyên. Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất có giảm hay không còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

4 ngân hàng lớn tiên phong giảm lãi suất

Bắt đầu từ sáng 26/9, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là: Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank chính thức giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được ngân hàng này công bố ở mức 0,3%/năm, kỳ hạn từ 1 -2 tháng ở mức 4,3%/năm, giảm lần lượt 0,2-0,5%/năm so với trước.

Kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, giảm 0,3%/năm so với khung lãi suất trước, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Đây cũng là biểu lãi suất hiện đang được niêm yết tại ngân hàng BIDV và Vietinbank. Riêng lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được VietinBank công bố ở mức 0,5%/năm, nhỉnh hơn một chút so với hai ông lớn còn lại. Tại Agribank, lãi suất cũng có dấu hiệu giảm nhẹ so với trước.

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Một số chuyên gia cũng kỳ vọng, việc một số ngân hàng lớn tiên phong cắt giảm lãi suất huy động VND sẽ tạo tiền đề để hệ thống ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.

Có tạo thành xu hướng?

Trong một bản tin do Công ty Chứng khoán Bảo Việt vừa công bố cho hay, lãi suất liên ngân hàng tuần qua mặc dù diễn biến giảm sâu chạm mức 0,25%/năm (ở cả ba loại kỳ hạn) trong ngày Thứ 3 nhưng sau đó đã nhích dần lên. Tuy nhiên, xét mức lãi suất trung bình các loại kỳ hạn vẫn tiếp tục giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,06% về mức 0,49%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần giảm mạnh hơn lần lượt 0,12% và 0,22% về mức 0,54% và 0,67%/năm. Với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng rất thấp trong lịch sử nhiều năm qua (cả ba loại kỳ hạn theo dõi đều dưới mức 1%/năm trong năm tuần liên tiếp vừa qua), song song với diễn biến lãi suất tín phiếu phát hành bởi NHNN giữ ở mức thấp quanh 0,5%/năm các tuần gần đây cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn lớn.

Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, trạng thái dư thừa của hệ thống xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, NHNN tiếp tục mua dự trữ ngoại hối trong những tuần qua nhờ các điều kiện thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ từ thị trường lớn và tỷ giá diễn biến ổn định.

Thứ hai, tỷ lệ huy động có phần tăng mạnh hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (tín dụng sau khi tăng trưởng mạnh trong tháng 6 (8,16%), lại có phần giảm tốc trong 2 tháng qua (chỉ đạt 9,09% tính đến 23/8) và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái) khiến sức hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa không bắt kịp tốc độ tăng cung tiền đồng của hệ thống.

"Chúng tôi dự báo trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ tăng nhẹ trở lại trong các tháng cuối năm khi tăng trưởng tín dụng bước vào giai đoạn cao điểm, nhu cầu về thanh toán của các doanh nghiệp tăng cao và sức ép về khả năng tăng lãi suất của FED ngày một lớn", Chứng khoán Bảo Việt nhấn mạnh.

Sau khi 4 ngân hàng thương mại Nhà nước công bố giảm lãi suất huy động, khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ gần như giữ nguyên. Thậm chí, một vài ngân hàng còn triển khai chương trình khuyến mãi tặng quà thêm cho khách hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, việc 4 "ông lớn" trong ngành ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào do đang dư thừa vốn, thanh khoản tốt. Do đó, họ có thể thỏa thuận với khách hàng để giảm lãi suất huy động trong một thời gian, nhằm thực hiện yêu cầu, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Còn việc tiên phong này có tạo ra được xu hướng chung trên thị trường hay không còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng.

“Quyết định tăng hay giảm lãi suất hiện nay là bình thường, tùy theo tình hình thanh khoản của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào thừa tiền thì giảm lãi suất, thiếu tiền thì lại tăng”, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho hay.