Cải tiến cơ chế phát hành trái phiếu Chính phủ

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước (KBNN), kể từ năm 2000 đến nay, cơ chế phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) liên tục được cải tiến nhằm tăng cường khả năng huy động vốn trong nước cho ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư phát triển kinh tế; đặc biệt là sự phát triển của thị trường chứng khoán trong nước, hướng dần đến các thông lệ trên thế giới.

 Cải tiến cơ chế phát hành trái phiếu Chính phủ
Lãnh đạo KBNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chứng kiến phiên giao dịch TPCP đầu năm 2013. Nguồn: baohaiquan.vn

Theo đó, thị trường TPCP đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Quy mô phát hành TPCP năm 2013 so với năm 2010 gấp 2,5 lần, so với năm 2000 gấp 17 lần và so với năm 1991 gấp 830 lần. Tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP trong 23 năm qua đạt gần 800.000 tỷ đồng; đóng góp tích cực vào việc cân đối ngân sách, thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước trong từng thời kỳ và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại từ những ngày mới thành lập, hệ thống KBNN đã tích cực tham gia vào việc thực thi chính sách tài chính tiền tệ, huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong nền kinh tế cho NSNN, góp phần kiểm soát lạm phát thông qua việc phát hành tín phiếu KBNN. Kể từ đó, huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển trở thành một trong những chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN.

Tín phiếu Kho bạc lần đầu tiên được phát hành thí điểm tại TP. Hải Phòng theo phương thức bán lẻ trực tiếp cho dân cư từ giữa năm 1991. Từ kết quả khả quan (6 tháng thu được 240 tỷ đồng) sang đầu năm 1992 KBNN đã mở rộng địa bàn phát hành tín phiếu Kho bạc ra các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và mở rộng phát hành tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cũng trong năm 1992, KBNN được Bộ Tài chính giao cho việc phát hành trái phiếu huy động vốn cho công trình dây tải điện bắc nam 500KV.

Đến năm 1994, KBNN đã phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu công trình địa phương để đầu tư xây dựng thuộc công trình kết cấu hạ tầng. Đây là giai đoạn thử nghiệm việc sử dụng công cụ TPCP để huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn này do hành lang pháp lý cho công tác phát hành TPCP chưa đầy đủ, hiệu lực pháp lý chưa cao; các hình thức và phương thức phát hành còn đơn giản. Kết quả phát hành giai đoạn 1991-1994 chỉ đạt 10.395 tỷ đồng.

Để tạo hành lang pháp lý cho công tác huy động vốn, ngày 26/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/NĐ-CP về quy chế phát hành TPCP. Theo đó, cơ chế phát hành trái phiếu đã được cải tiến. Bên cạnh việc phát hành trực tiếp qua hệ thống KBNN còn mở ra kênh đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước đã đánh dấu một bước tiến mới về phương thức và kỹ thuật phát hành TPCP.

Đồng thời, với cơ chế khuyến khích việc phát hành trái phiếu công trình địa phương và Trung ương, KBNN đã phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng các đề án và tổ chức huy động vốn để đầu tư một số công trình quan trọng nằm trong kế hoạch đầu tư của Nhà nước nhưng chưa kịp bố trí vốn như: Thuỷ điện Yaly, Xi măng Phúc Sơn - Hải Dương, các công trình hạ tầng ở Hà Nội, Khánh Hoà, Tiền Giang...

Đến năm 2013, nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP của hệ thống KBNN là hết sức nặng nề, tổng kế hoạch huy động của năm là 170.000 tỷ đồng. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao trong điều kiện NSNN năm 2013 gặp nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm KBNN đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao như: Công khai kế hoạch phát hành cả năm và hàng quý để các nhà đầu tư chủ động tham gia thị trường; điều hành lãi suất phát hành trái phiếu trong phạm vi khung lãi suất của Bộ quy định; thường xuyên có sự trao đổi với các thành viên thị trường để nắm bắt nhu cầu đầu tư vào TPCP; tiếp tục thực hiện việc phát hành trái phiếu theo "lô lớn" và hoán đổi trái phiếu để tăng thanh khoản cho TPCP trên thị trường thứ cấp…

Kết quả tính đến ngày 19/9/2013, tổng huy động vốn đạt được 124.331,6 tỷ đồng, bằng 73,1% kế hoạch được giao TPCP qua hình thức đấu thầu. Ngoài nhiệm vụ phát hành, KBNN đã thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu đầy đủ, đúng hạn cho các nhà đầu tư với số tiền là 64.987,1 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Minh Hằng, từ nay đến cuối năm 2013, KBNN sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cho NSNN. Theo đó, sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, thường xuyên liên hệ chặt chẽ, trao đổi, nắm bắt thông tin từ các nhà đầu tư để có giải pháp điều hành tạo sự ổn định cho thị trường TPCP; theo dõi sát sao tình hình tồn quỹ NSNN, tồn ngân KBNN để chủ động điều hành công tác huy động vốn đảm bảo linh hoạt, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu chi tiêu của NSNN. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động 193.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính giao trong năm 2013. Tiếp tục triển khai việc tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP theo kế hoạch Bộ duyệt trong năm 2013 để góp phần nâng cao tính thanh khoản cho thị trường. Triển khai chính thức hệ thống DMFAS và chương trình giao diện DMFAS - TABMIS trong quản lý dữ liệu nợ trong nước tại KBNN; nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đối với chương trình quản lý trái phiếu bán lẻ qua hệ thống KBNN…

Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Tài chính ban hành đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường TPCP phát triển trong nước và ra thị trường vốn quốc tế. Theo đó, sẽ đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư trái phiếu thông qua việc khuyến khích bảo hiểm xã hội đầu tư trực tiếp vào thị trường TPCP sơ cấp và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp; hình thành và phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu; khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi tăng tỷ trọng mua tín phiếu, TPCP… Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu.

Thị trường trái phiếu đã có bước tiến rất lớn

Sự phát triển của thị trường TPCP của Việt Nam không chỉ ở giá trị huy động vốn cho nền kinh tế mà còn ở quy mô, thể chế và phương thức vận hành. Và sự phát triển của thị trường trái phiếu có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu, mà đóng góp cho sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, hệ thống KBNN đã huy động được hơn 141.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao. Kết quả này đã đánh dấu một bước chuyển mới, với tỷ lệ huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi KBNN triển khai nghiệp vụ phát hành TPCP. Để thúc đẩy thị trường phát triển, hiện Bộ Tài chính đang triển khai mạnh mẽ Đề án “Tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP” nhằm giảm bớt mã trái phiếu giao dịch trên thị trường; tăng quy mô niêm yết các mã trái phiếu; tăng khả năng thanh khoản cho TPCP trên thị trường nhằm từng bước hình thành các tổ chức tạo lập thị trường hỗ trợ cho thanh khoản thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà