Cấm cho, tặng ngoại tệ góp phần hạn chế tình trạng "đô la hóa"

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Việc đề xuất cấm tặng, cho nhau ngoại tệ là để phù hợp với các quyền đã quy định trong Pháp lệnh Ngoại hối, góp phần hạn chế tình trạng "đô la hóa" trong nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Cấm cho, tặng ngoại tệ góp phần hạn chế tình trạng "đô la hóa"
Có tình huống trớ trêu: khi các cá nhân giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp, cơ quan chức năng xử lý thì họ xoay sang lý do là “chúng tôi cho nhau”, “chúng tôi tặng nhau” và lỗ hổng pháp lý lộ ra. Nguồn: internet
Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện các dự thảo quy định về giao dịch hối đoái và nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

Một nội dung đáng chú ý có trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối là việc các cá nhân cho, tặng bằng ngoại tệ.

Cụ thể, dự thảo trên dự tính không cho phép cá nhân cho, tặng ngoại tệ lẫn nhau.

Trả lời về điểm quy định dự kiến trên, một thành viên tham gia soạn thảo dự thảo đưa ra một số lý do đáng chú ý.

Theo thành viên này, trong Pháp lệnh Ngoại hối có quy định việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (Điều 24), nêu rằng: “Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác”.

Trong những quyền này không có việc dùng ngoại tệ để cho, tặng, có hiểu  là không được phép.

Tuy nhiên, nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối sau đó có cho phép cá nhân được dùng ngoại tệ để cho, tặng lẫn nhau. Theo thành viên trên, đây là điểm cần xem xét lại để phù hợp với Pháp lệnh, cũng như để khắc phục những bất cập nảy sinh trên thực tế.

Cụ thể, việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam là có điều kiện, trong đó có quy định về mua - bán. Thời gian qua, khi kiểm tra và xử lý một số giao dịch bất hợp pháp, cơ quan chức năng gặp phải tình huống trớ trêu: khi các cá nhân giao dịch bất hợp pháp, cơ quan chức năng xử lý thì họ xoay sang lý do là “chúng tôi cho nhau”, “chúng tôi tặng nhau” và lỗ hổng pháp lý lộ ra.

Hay ở một tình huống khác, các cá nhân mua một sản phẩm nào đó với nhau, họ thanh toán bằng ngoại tệ. Khi cơ quan chức năng tìm hiểu, họ hoàn toàn có thể giải thích rằng, người này cho ngoại tệ và người kia “đáp lễ” bằng quà tặng là hiện vật…

Trước những tình huống trên, thành viên tham gia soạn thảo dự thảo, “Khái niệm “cho”, “tặng” ở đây là khó xác định trong khi nó dễ làm phát sinh tình trạng sử dụng ngoại tệ trong thanh toán không đúng quy định”.

“Nay việc xem xét quy định không được dùng ngoại tệ để cho, tặng lẫn nhau là để phù hợp với các quyền đã quy định trong Pháp lệnh, cũng như để khắc phục tình huống lách luật nói trên”, thành viên này giải thích thêm.

Ông cũng nêu quan điểm rằng, trên thực tế, để cho hoặc tặng lẫn nhau, người có ngoại tệ hoàn toàn có thể chuyển đổi sang VND.

“Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa và giá trị đối với người được cho, tặng. Ở một góc độ nào đó, khi chuyển đổi như vậy, ngoài tôn trọng quy định pháp lý còn góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia”, ông chia sẻ góc nhìn cá nhân.

Một chuyên gia về pháp chế phân tích, đề xuất bỏ cho, tặng ngoại tệ sẽ không quá ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân bởi Dự thảo chỉ đề xuất bỏ quyền cho, tặng bằng ngoại tệ chứ không cấm người dân cho, tặng lẫn nhau. "Nếu có ngoại tệ muốn cho, tặng, trước đây có thể cho luôn nhưng nay người dân phải qua một giao dịch khác, ví dụ như bán ngoại tệ cho ngân hàng để đổi lấy VND trước khi cho, tặng", vị chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, đề xuất này không ảnh hưởng tới việc nhận kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam. "Quy định này chỉ điều chỉnh quan hệ sở hữu ngoại tệ đối với các cá nhân bên trong lãnh thổ Việt Nam, không ảnh hưởng tới việc nhận kiều hối", ông nói thêm.