Cần chống độc quyền trong quản lý thị trường vàng

Theo Đầu tư CK

Sự độc quyền về sản xuất vàng miếng cũng như việc chỉ cho phép lưu thông thương hiệu vàng miếng SJC là nguyên nhân chính khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tăng cao.


TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên viên ngân hàng cho biết, khoảng cách giữa giá vàng nội địa và thế giới đang bị nới rộng một cách rất vô lý, với giá vàng SJC duy trì mức cao hơn giá thế giới tới 2,5 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn do nhu cầu vàng của các ngân hàng tăng mạnh, do nhiều ngân hàng trước đây đã bán vàng gửi của dân, nay phải mua vàng để cân đối trạng thái hoặc để trả vàng đến hạn.

Cụ thể, hơn 1 năm trước, có 5 ngân hàng (nhóm G5) được phép huy động và bán vàng để bình ổn thị trường, với tỷ lệ 40%/tổng lượng vàng huy động được, tức là, cứ huy động được 1.000 lượng vàng, nhóm G5 được phép bán ra 400 lượng. Thời điểm đó, lãi tiết kiệm VND tới 18 - 20%/năm, cho vay 25 - 26%/năm, nên việc được chuyển vàng thành tiền đồng đi gửi ở tổ chức tín dụng khác hay cho vay thông thường đã đem lại nguồn lợi rất lớn cho nhóm G5.

Để ổn định giá vàng, TS. Lai cho rằng, về mặt quan điểm chính sách, cần có thái độ rõ ràng và công khai các nguyên tắc cơ bản. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng thỏi, đảm bảo chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế. Việc xác định giá trị và giá vàng phải căn cứ vào tuổi vàng. Đồng thời, xóa bỏ mọi kỳ thị với các loại vàng phi dự trữ ngoại hối nhà nước. Như vậy, cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng và tôn trọng quy luật thị trường.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, với ý tưởng vàng ở đây là vàng tiền, nhằm góp phần tăng hiệu lực của chính sách tiền tệ và có thể điều tiết thị trường vàng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thực hiện, chính sách trên đã bộc lộ rõ nhiều bất cập. Lẽ ra, để độc quyền sản xuất vàng miếng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt trong điều tiết và giám sát chặt chẽ, song cả hai yếu tố này đều chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, với tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, cần phải có nguyên tắc liên thông với thị trường vàng quốc tế, nhưng thực tế, giá vàng trong nước luôn rời xa so với giá thế giới. Trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại thời gian qua mất cân đối, ngân hàng tăng mua. Điều đáng nói hơn là, đến thời điểm này, Thông tư hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý thị trường vàng vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cũng khẳng định, thủ phạm khiến giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hiện nay chính là do các ngân hàng thương mại, nhất là nhóm G5, đang tăng mua vàng để bù đáp và cân đối phần thiếu hụt do đã bán khống trước đây.

Đồng thời, theo TS. Phạm Đỗ Chí khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên giữ độc quyền trong điều tiết việc huy động vàng trong dân, chứ không nên độc quyền sản xuất vàng. “Vàng trong dân hiện nay là một tài sản lớn đối với nền kinh tế. Về lâu dài, giá vàng vẫn theo chiều hướng lên. Theo nhiều dự báo, khả năng vàng sẽ vượt mức 2.400 USD/ounce trong 2 năm tới. Vàng luôn là tài sản được đảm bảo, đặc biệt khi đồng tiền mất giá. Vì thế, cần giữ vàng trong danh mục đầu tư”, TS. Phạm Đỗ Chí nói.