Cần quyết liệt hơn nữa trong kiềm chế lạm phát

Theo Chinhphu.vn

Sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 11, những diễn biến trên thị trường vàng, ngoại tệ đã có tín hiệu khả quan bước đầu, song việc kiềm chế lạm phát chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, nhận rõ hơn nguyên nhân để có giải pháp thích ứng trong kiềm chế lạm phát là điều cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng 2,2% so với tháng 2. Đây cũng là mức tăng cao so với nhiều tháng liên tiếp trước đó.

Sau 3 tháng (tức là tháng 3/2011 so với tháng 12/2010), CPI đã tăng trên 6,1%. Như vậy, CPI đã tiệm cận mức 7% của cả năm được Quốc hội đề ra.

Nhìn nhận nguyên nhân

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đó là lạm phát trên thế giới bắt đầu từ nhu cầu cơ bản là lương thực, thực phẩm, đã lan sang các lĩnh vực khác. Giá USD trên thế giới giảm, thể hiện ở chỉ số đo sức mạnh của đồng USD (USD-index hiện chỉ còn dưới 75,4%), làm cho giá hàng hóa thế giới tính bằng USD cao lên.

Trong điều kiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa so với GDP) lên tới 154,4%, mức cao thứ 5 thế giới (chỉ sau Hongkong, Singapore, Malaysia, Bỉ), nhập siêu lớn cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu còn khá cao. Tình hình đó làm xuất hiện nhập khẩu lạm phát. Khi lạm phát trong nước cao, lạm phát trên thế giới tăng, nhập siêu lớn, tỷ giá VND/USD tăng lên sẽ làm cho lạm phát trong nước bị khuyếch đại.

Mặc dù việc tăng tỷ giá VND/USD ngày 11/2/2011 để vừa giảm thiểu chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do với thị trường chính thức nhằm ổn định tỷ giá, vừa để kiềm chế nhập siêu, nhưng tốc độ tăng khá cao và cùng vào một lúc với lạm phát trên thế giới tăng, nên đã có hiệu ứng phụ làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND bị tăng kép (vừa do giá thế giới tính bằng USD tăng lên, vừa do tỷ giá VND/USD tăng).

Có nguyên nhân do việc phải thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá xăng dầu, giá điện, tác động trực tiếp do việc tăng giá của những mặt hàng này và do tác động gián tiếp đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ khác. Việc thực hiện lộ trình này là do nền kinh tế Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên không tránh khỏi hiệu ứng phụ đối với lạm phát.

Có nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết cổ truyền của dân tộc khá cao (nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân so với cùng kỳ năm trước, đều tăng với tốc độ 2 chữ số, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế); nhu cầu tiêu dùng trong tháng 3 vẫn tiếp tục với tốc độ cao.

Có nguyên nhân do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, như rét đậm, rét hại kéo dài hiếm thấy, dịch bệnh, gia súc, gia cầm diễn ra ở nhiều nơi và tiếp tục rình rập mở rộng ra nhiều vùng miền khác.

Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành đúng lúc, với chủ trương nhất quán, đồng bộ, quyết liệt và đã có tác động tích cực bước đầu, nhất là trong việc triển khai nhanh, đã thu được kết quả trên thị trường vàng và thị trường ngoại hối.

Nhưng do lạm phát có những yếu tố tiềm ẩn, sâu xa vốn có và có những yếu tố tác động mới, khá lớn, khó lường, nên tốc độ tăng CPI vẫn còn rất cao.

Việc tăng giá xăng dầu, tăng giá điện vừa qua mới chỉ tác động tới nửa tháng 3 (do chu kỳ tính CPI tháng 3 được tính trong thời gian từ 16/2 - 15/3) nên yếu tố này có thể tác động lớn hơn đến tốc độ tăng CPI của tháng 4 trở đi. Thêm nữa, từ tháng 5, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu đối với khu vực hành chính sự nghiệp và điều chỉnh lương đối với những người thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nên có thể xuất hiện tình trạng “té nước theo giá”, “tát nước theo lương” như đã từng xảy ra...

Đề xuất giải pháp

Vì vậy, một mặt cần tiếp tục thực hiện nhất quán, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mà Nghị quyết 11 đã đề ra, chúng ta có thể còn phải thực hiện các giải pháp mạnh như đã thực hiện trong năm 2008: vào năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên khá cao (Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 6 tính từ tháng 11/2010 đến nay, hiện ở mức 20%); phát hành trái phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước lên đến 23.000 tỷ đồng…

Vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước năm 2009 chiếm trên 40%, năm 2010 chiếm trên 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm nay cần được giảm xuống thấp hơn nữa,…

Trong các giải pháp đã đề ra, có thể tăng liều lượng thực hiện, như giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán xuống thấp hơn nữa.

Các cấp, các ngành, cần có sự phối hợp đồng bộ, kiểm tra, thanh tra, xử lý mạnh tay hơn đối với các hiện tượng lợi dụng tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Kiên quyết hơn nữa trong việc kiềm chế nhập siêu, bởi nhập siêu tháng 2 đã vượt mốc 1 tỷ USD, cao hơn nhập siêu của tháng 1, tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của những mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu hoặc cần hạn chế nhập khẩu vẫn còn cao thông qua các biện pháp cung ứng ngoại tệ, thuế nhập khẩu, các biện pháp kỹ thuật,… và làm tốt hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…