Cảnh báo độc quyền vàng đe dọa dự trữ quốc gia

Theo giaothongvantai.com.vn

(Tài chính) Bản tin Kinh tế vĩ mô số 9 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra mới đây đã bày tỏ quan ngại về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường sẽ gây ảnh hưởng cho dự trữ ngoại hối cùng các hệ lụy khác.

Cảnh báo độc quyền vàng đe dọa dự trữ quốc gia
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thực tế cho thấy, người dân vẫn đang phải chịu thiệt khi mua vàng giá cao do chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa được thu hẹp.
 
Lo thâm hụt ngân sách quốc gia

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc NHNN tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng ngay cả khi thời hạn tất toán cho các ngân hàng thương mại đã qua cũng đặt ra những câu hỏi về nhu cầu thực sự đối với vàng cũng như khả năng duy trì nguồn cung của NHNN trong trung và dài hạn.  

Việc quản lý thị trường vàng vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Mặc dù NHNN liên tục cung cấp khối lượng vàng quy mô lớn thông qua các phiên đấu thầu nhưng chênh lệch giá vàng vẫn duy trì ở mức đáng kể, đặc biệt là chênh lệch vẫn cao dù các ngân hàng thương mại đã tất toán xong trạng thái vàng. Chênh lệch giá này có thể kích hoạt các hoạt động nhập lậu vàng do giới đầu cơ có thể chuyển hóa vàng nhập lậu sang vàng nữ trang. Với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường gây ra mối quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng (do phải sử dụng để nhập khẩu vàng) cùng các hệ lụy. 

Sáng 25/9, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng phiên thứ 61 với 19.800 lượng vàng được mua trên tổng số 20.000 lượng chào thầu. Như vậy, tính từ tháng 3 đến nay, NHNN đã cung ra thị trường được 1.596.500 lượng vàng trên tổng số 1.702.000 lượng chào thầu. Tạm tính giá vàng thế giới ở mức 33 triệu đồng/lượng, thì số tiền dự trữ ngoại hối NHNN phải bỏ ra để nhập khẩu vàng lên tới hơn 56.000 tỷ đồng. TS. Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nếu NHNN cứ tiếp tục lấy nguồn dự trữ quốc gia để nhập khẩu vàng mãi, thì “thị trường vàng như cái thùng không đáy, cứ cung bao nhiêu vàng là hút hết và cuối cùng hút luôn cả dự trữ quốc gia, rất nguy hiểm”.

Không khó để thu hẹp chênh lệch giá

Trong bối cảnh nền kinh tế còn bất ổn, vàng vẫn được coi là kênh tích lũy an toàn để doanh nghiệp hay người dân bảo toàn vốn và cất giữ giá trị, thì người dân vẫn không khỏi băn khoăn khi quyền lợi trực tiếp của họ đang bị ảnh hưởng vì phải mua vàng với giá cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Mặc dù Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã khẳng định: “Toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nay thuộc về ngân sách Nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh”, nhưng người dân vẫn cảm thấy đó là khái niệm xa vời, không phù hợp với lô gic thị trường hiện đại.

Ngay Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, việc các chức năng quản lý, giám sát thị trường vàng và trực tiếp kinh doanh vàng còn chưa được tách bạch, rõ ràng. Về vấn đề này, TS. Kinh tế Ngô Trí Long phân tích, quan điểm chênh lệch giá vàng cao cũng không ảnh hưởng gì tới kinh tế vĩ mô, thậm chí còn lợi cho ngân sách Nhà nước là chưa khách quan.

Bởi, trong cơ chế thị trường, có 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 3 chủ thể này phải được đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước quản lý, thu thuế của doanh nghiệp kinh doanh; doanh nghiệp hưởng lợi nhuận sau khi nộp thuế; còn người tiêu dùng có quyền được mua bán hàng hóa theo giá thị trường. “Hiện NHNN độc quyền đảm nhận cả vai trò người cung duy nhất, người định giá duy nhất, thì quyền lợi của doanh nghiệp và người dân sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Ngô Trí Long nói.

Để kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, theo TS. Ngô Trí Long, NHNN chỉ cần áp dụng giá đấu thầu sát với giá vàng thế giới. Để tránh việc NHNN bán vàng đấu thầu giá thấp, doanh nghiệp mua rồi đẩy giá bán lên cao kiếm lời, thì NHNN có thể đưa vào quy định các đơn vị trúng thầu chỉ được bán vàng trong mức giá cho phép, chỉ được “ăn” chênh lệch ở một tỷ lệ thích hợp. Còn để đảm bảo cân bằng nguồn thu cho dự trữ ngoại hối quốc gia, khi tung ra lượng vàng đấu thầu mỗi phiên, thì ngay lập tức, NHNN có thể mua ngay một lượng từ thị trường thế giới về bù đắp.