"Canh đón" nhóm ngành cổ phiếu nào dịp cuối năm?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 7 tháng với nhiều biến động, ảnh hưởng đến kết quả giao dịch cũng như tâm lý của không ít nhà đầu tư. Để chuẩn bị cho những tháng cuối năm, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu của các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng.

 Thị trường đã có sự hồi phục nhưng vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền khiến các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn. Nguồn: Internet
Thị trường đã có sự hồi phục nhưng vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền khiến các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn. Nguồn: Internet

Sau quãng thời gian "đen tối" của quý II, thị trường đã có sự hồi phục nhưng vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền khiến các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn.

Dựa trên các yếu tố vĩ mô và nội tại từ phía doanh nghiệp, cùng lộ trình thoái vốn nhà nước và niêm yết…, CTCK BIDV (BSC) đưa ra đánh giá khả quan đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… nhất là nhóm ngân hàng.

Kỳ vọng nhóm ngân hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tất cả 17 cổ phiếu ngân hàng được niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Kết thúc quý II/2018, tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng đạt 20.420 tỷ đồng, tăng 49,52% so với cùng kỳ năm 2017, thậm chí một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng 3 con số.

BSC đặt niềm tin vào nhóm ngân hàng bởi kết quả kinh doanh lõi được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi. Đây là "mảnh đất" nhiều tiềm năng của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được khai phá hết.

Ngoài những khoản thu nhập đến từ tăng trưởng tín dụng, chính sách về xử lý nợ xấu được hoàn thiện giúp việc xử lý tài sản đảm bảo thuận lợi hơn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm nay.

Việc lợi nhuận tăng tưởng mạnh kéo theo tỷ số sinh lời cũng "tươi sáng", hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu lũy kế 4 quý liên tiếp của nhiều ngân hàng đã vượt 20% – một tỷ lệ cao so với những nhóm ngành khác.

Ngoài ra, công tác xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém được đẩy mạnh, khiến hoạt động của ngành ngân hàng lành mạnh hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn của thế giới.

Nhiều ngân hàng được kỳ vọng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro thấp hơn trong năm 2018 và ghi nhận hoàn nhập dự phòng hoặc thu nhập khác từ xử lý nợ xấu như VCB, ACB, MBB, TCB.

Việc tăng vốn theo yêu cầu của Basel II cũng sẽ làm tăng quy mô, trọng số của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ chỉ số thị trường.

Nổi bật là VPBank thông qua kế hoạch tăng vốn tới 70% lên mức 25.200 tỷ đồng; MB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng; OCB tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng; SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ đồng…

Đáng chú ý, theo báo cáo mới nhất của Moodys về tình hình hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam, kỳ vọng chỉ số lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

Hơn nữa, sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu "vua" sẽ càng tăng lên khi thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đều đã giảm 40-50% so với mức đỉnh đầu tháng 4/2018 và đưa mức định giá về vùng thấp nhất trong một vài năm trở lại đây.

Tiềm năng nhóm dầu khí

Ngoài nhóm ngành ngân hàng, dầu khí cũng là một trong những nhóm cổ phiếu được BSC đánh giá khả quan, do giá dầu đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Tính đến ngày 30/6/2018, giá dầu Brent Biển Bắc là 77,1 USD/ thùng, tăng 60,8% so cùng thời điểm năm 2017, giá dầu thô WTI là 73,97 USD/thùng, tăng 63,07%. Ghi nhận tại ngày 8/8, giá dầu thô WTI và dầu Brent có tỷ lệ tăng lần lượt là 14,66% và 12,05% trong 6 tháng gần đây.

Theo dự báo mới đây của bộ phận phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects, trong quý IV, giá dầu thế giới có khả năng vượt ngưỡng 80 USD/thùng, thậm chí là vượt 90 USD/thùng. Yếu tố quyết định sẽ là sản lượng dầu của Iran sụt giảm bao nhiêu.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu nhóm ngành dầu khí đã tăng trưởng khoảng 34% so với cùng kỳ, trong đó phải kể đến sự tăng mạnh của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Petrolimex (PLX), PV Oil, PV Drilling (PVD), PV Coating (PVB),…

Từ việc kỳ vọng vào giá dầu thế giới cùng với đà tăng trưởng trong kinh doanh đã khiến cổ phiếu nhóm ngành dầu khí bứt tốc trong thời gian ngắn.

Tiêu biểu là cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã tăng gần 28% trong vòng 1 tháng qua. Niềm tin của nhà đầu tư vào sóng cổ phiếu dầu khí đã đẩy khối lượng khớp lệnh bình quân của BSR lên hơn 2 triệu cổ phiếu/phiên trong 10 phiên giao dịch gần nhất.

Cổ phiếu OIL của PV Oil cũng bứt phá hơn 16% chỉ trong một tháng, với nhiều phiên giao dịch đạt khối lượng hàng triệu cổ phiếu. Ngoài ra, những cổ phiếu khác như: PVD, PVS… cũng có đà tăng trưởng ấn tượng chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo BSC, một số doanh nghiệp dầu khí khác lại chịu ảnh hưởng từ việc dự án mới chậm được triển khai, bởi vậy so với thế giới, ngành dầu khí Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, các công ty chứng khoán cũng nhận định kỳ vọng cho những nhóm ngành khác như: Bất động sản, công nghệ, ngành điện…

Theo nhận định mới đây của CTCK MB (MBS), thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang tăng lên không chỉ về điểm số, thanh khoản mà còn có xu hướng đi ngược các thị trường trong khu vực.

Thị trường đang đi đến giai đoạn cuối của mùa báo cáo bán niên, câu chuyện tăng trưởng của nhóm vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ được duy trì và là động lực hỗ trợ thị trường, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, với đặc thù kinh doanh có độ nhạy cảm cao trước các biến động kinh tế, cùng bài toán nợ xấu vẫn còn nhiều thách thức, cổ phiếu ngân hàng dù hấp dẫn, song vẫn chưa hẳn đã là một sự lựa chọn tối ưu cho mọi nhà đầu tư, nhất là với những người tìm kiếm sự ổn định.