Cạnh tranh giảm lãi suất huy động, ngân hàng nhỏ “lép vế”

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việc các ngân hàng thương mại quốc doanh vừa mạnh tay cắt giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5%/năm là tín hiệu tích cực, giúp kéo giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, một số ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay gay gắt hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ ngày 26/9, các ngân hàng quốc doanh đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm là từ 0,3-0,5%/năm. Hiện, lãi suất niêm yết phổ biến ở mức 4,2-5,5%/năm, tuỳ từng kỳ hạn gửi, từng ngân hàng cụ thể.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi là giải pháp góp phần tiết giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lãi suất giảm “ngoài dự tính”

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 2 tháng qua, các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh có động thái giảm lãi suất huy động vốn. Trước đó, cuối tháng 7/2016, ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bất ngờ giảm lãi suất huy động hầu hết các kỳ hạn trung và dài hạn.

Cụ thể, lãi suất huy động cá nhân ở kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,8%/năm, kỳ hạn 364 ngày giảm từ 6,8%/năm xuống 6,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn gửi từ 13-18 tháng giảm 0,1%, xuống còn 6,8%/năm. BIDV giữ nguyên lãi suất ở các kỳ hạn còn lại.

Việc giảm lãi suất của BIDV đã “đi ngược dòng” với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác ở thời điểm ấy đang tăng lãi suất huy động như VietABank, SCB, VPBank, Maritime Bank… Các nhà băng tăng lãi suất nhằm đẩy mạnh huy động vốn, đảm bảo cân đối thanh khoản chuẩn bị nguồn vốn cho mùa kinh doanh cuối năm.

Còn ở thời điểm này, hoạt động huy động vốn đang rất “nóng” với những cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi diễn ra căng thẳng vì ngân hàng cần hút vốn trong ngắn hạn, chạy đua hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, các ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm đã và đang tạo thêm sức ép khó khăn cho việc huy động vốn của các ngân hàng

Anh Minh Hoàng, cán bộ quan hệ khách hàng của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, mấy tháng nay, nhóm của anh đang phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chào mời, thuyết phục khách hàng gửi tiền. Mỗi nhân viên đều bị áp định mức khoán về số tiền huy động vốn và cả bộ phận cũng chịu chỉ tiêu.

“Thực tế, các ngân hàng nhỏ luôn đưa ra chính sách lãi suất huy động cao hơn các nhà băng lớn như Vietcombank, Vietcombank, BIDV… thì mới thu hút được khách hàng, nhất là những khách hàng có món tiền gửi lớn, khách hàng VIP. Bây giờ các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động, chúng tôi có lợi thế huy động dễ hơn. Nhưng lãi suất cho vay sẽ kém cạnh tranh so với bên họ”- anh Minh chia sẻ.

Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ khó có thể so bì với các “ông lớn” về nguồn vốn dồi dào, thanh khoản dư thừa, hệ thống khách hàng rộng lớn, uy tín thương hiệu… Nếu ngân hàng nhỏ cũng giảm lãi suất tiền gửi ngang bằng thì khó lòng giữ chân được khách hàng.

Và thua thiệt…

Lãi suất huy động vốn gần đây đã giảm đáng kể (khoảng 0,5-0,7%/năm) là do nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Cụ thể, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái “dư thừa”, nguồn vốn đổ vào kênh trái phiếu Chính phủ giảm dần do đã gần đạt kế hoạch (đạt 98,96% kế hoạch). Vốn huy động ngắn hạn cũng dồi dào hơn trước khiến cho lãi suất cần thiết phải “hạ nhiệt” để giảm áp lực chi phí cho chính các ngân hàng.

Thời điểm này, các ngân hàng còn thu hút được lượng kiều hối tăng đột biến khiến thanh khoản dồi dào hơn. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về thành phố này ước đạt 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 4,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm, TP. Hồ Chí Minh đón nhận khoảng 5,7-5,8 tỷ USD kiều hối, tăng 5,6%.

Đáng mừng hơn, kiều hối chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư chứ không dồn vào chi tiêu, đầu cơ bất động sản, chứng khoán như trước đây. Nhờ đó sẽ bổ sung cho nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng, giúp ứng phó với nhu cầu tín dụng thường gia tăng đột biến dịp cuối năm.

Mặt bằng lãi suất huy động ngắn hạn ở khối ngân hàng quốc doanh giảm mạnh sẽ gây sức ép tới lãi suất của cả hệ thống. Nhất là các ngân hàng nhỏ hay ngân hàng cần duy trì lượng vốn huy động sẽ khó giảm lãi suất tiền gửi, kéo theo lãi suất cho vay ra trở nên “đắt đỏ”.

Chẳng hạn, ngân hàng nhỏ huy động vốn kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, lãi suất cho vay ra phổ biến là 8,5%-10%/năm. Tức biên lợi nhuận chỉ cỡ khoảng 2-3,5%. Nếu ngân hàng phải cắt giảm 0,3-0,5% lãi suất như các ông lớn khác thì sẽ tự “cấu” vào lợi nhuận.

Trên thực tế, trong những khoản tín dụng lớn cấp cho doanh nghiệp, ngân hàng nhỏ đang thua thiệt vì luôn phải “chiều lòng” khách hàng bằng mức lãi suất ưu đãi rẻ hơn thị trường, ưu ái thời gian trả nợ, miễn các khoản lãi phát sinh… Chưa kể, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, chi phí xử lý nợ xấu có xu hướng tăng cao khi các ngân hàng phải tuân thủ quy định khắt khe hơn về phân loại, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Vì thế, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng vẫn có xu hướng tăng đều đặn trên sổ sách, còn thực tế, nếu bóc tách những khoản “lãi dự thu” và trích đầy đủ dự phòng từ cho vay, hẳn nhiều ngân hàng nhỏ sẽ bị giảm đáng kể lợi nhuận.