Cấp thiết phân tán rủi ro cho thị trường chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán vừa qua, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đang thúc đẩy Uỷ ban chứng khoán khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh, giúp phòng ngừa và phân tán rủi ro cho thị trường.

Cấp thiết phân tán rủi ro cho thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thêm chức năng mới cho thị trường chứng khoán

“Việc hoàn thiện khung pháp lý cho triển khai TTCK phái sinh theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ giúp hoàn thiện cấu trúc, bổ sung chức năng cho TTCK. Đó là ngoài chức năng huy động nguồn vốn trung và dài hạn, phân phối nguồn vốn theo tín hiệu thị trường, sẽ có thêm chức năng mới là phòng ngừa và phân tán rủi ro...”, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, đồng thời nhìn nhận, qua hơn 14 năm phát triển, đến nay, TTCK Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, TTCK còn chưa thật sự bền vững, thường xuyên biến động, một phần do tác động của tâm lý NĐT. Những biến động của TTCK bị khuếch đại bởi tâm lý NĐT trở thành các đợt nóng, lạnh bất thường trên TTCK, phần nào gây ảnh hưởng tới chức năng huy động vốn cho nền kinh tế...

Để hạn chế tâm lý bất ổn, giúp NĐT yên tâm, giúp các tổ chức hoạt động trên TTCK có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro, theo lãnh đạo UBCK, đã tới thời điểm cần cho phép xây dựng và vận hành TTCK phái sinh - thị trường của các sản phẩm phòng ngừa rủi ro.

Các chứng khoán phái sinh do đặc tính cho phép các bên thực hiện giao dịch tài sản trong tương lai, với một mức giá đã xác định từ trước, giúp NĐT yên tâm về mức giá giao dịch đối với tài sản mà họ đang nắm giữ. Vì vậy, việc phát triển TTCK phái sinh là nhu cầu thiết yếu, giúp đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK, mở ra một lớp sản phẩm chứng khoán mới để phòng ngừa rủi ro.

Việc có thêm các công cụ giúp NĐT phòng ngừa rủi ro khi giá chứng khoán biến động, sẽ củng cố lòng tin cho thị trường, giúp NĐT yên tâm hơn khi đầu tư vào TTCK. Điều này giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư trên thị trường, từ đó hỗ trợ DN thuận lợi khi phát hành chứng khoán, huy động vốn cho đầu tư... 

Giảm thiểu “tác dụng phụ”

Các chứng khoán, sản phẩm phái sinh, tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu NĐT không quản lý tốt các hoạt động đầu tư của họ dẫn tới phản ứng dây chuyền.

“Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, vấn đề quản trị rủi ro được các thị trường quan tâm hàng đầu. Các quốc gia nhận diện vấn đề rủi ro nằm ở chế độ thanh quyết toán và giao dịch các sản phẩm phái sinh OTC. Vì vậy, trong suốt 4 năm qua, các quốc gia phát triển đã hoàn thiện quy định pháp lý và cơ cấu tổ chức theo hướng từng bước đưa vào quản lý thị trường phái sinh OTC...”, ông Long nói và cho biết thêm, đến nay, Mỹ đã ban hành và áp dụng đạo luật Dodd-Frank; châu Âu ban hành Quy định về cấu trúc thị trường (European Market Infrastructure Regulation), nhằm đưa vào quản lý các sản phẩm phái sinh OTC, có hiệu lực kể từ 15/8/2014; các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đã và đang tái cấu trúc thị trường phái sinh với trọng tâm là tăng cường cơ chế phòng ngừa rủi ro: từng bước chuẩn hóa các sản phẩm phái sinh OTC để đưa vào niêm yết; bắt buộc báo cáo các giao dịch sản phẩm phái sinh OTC qua đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), khuyến nghị các sản phẩm phái sinh OTC giao dịch qua CCP...

Là thị trường đi sau, nên theo lãnh đạo UBCK, việc hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK phái sinh tại Việt Nam dựa vào kinh nghiệm phát triển và các bài học quốc tế về: lộ trình phát triển sản phẩm; cấu trúc sản phẩm; cơ cấu tổ chức, vận hành thị trường… Cũng cần bắt nhịp kịp với xu hướng quốc tế trong thể chế hóa hoạt động quản lý, đặc biệt các sản phẩm phái sinh OTC, nhằm không lặp lại những bài học thất bại trong quản lý TTCK phái sinh đã từng xảy ra ở các quốc gia, hạn chế việc tự phát hình thành thị trường và giao dịch các sản phẩm phái sinh OTC theo thỏa thuận dân sự, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật chuyên ngành.

Liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển sản phẩm, ông Long cho biết, trước mắt sẽ tập trung đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Các chứng khoán phái sinh phức tạp hơn, sẽ được đưa vào niêm yết, giao dịch sau khi NĐT đã nắm được cách thức sử dụng các chứng khoán phái sinh…