Chật vật giảm áp lực tăng lãi suất

Theo nhandan.com.vn

Chưa kịp mừng với những quyết định hạ lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại (NHTM) hồi cuối tháng 4, những ngày qua mối lo lắng về tăng lãi suất cho vay quay trở lại khi một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động và một số khoản vay của nhóm đối tượng khách hàng cá nhân nhích tăng theo.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

lãi suất huy động tăng…

Sau một thời gian tạm im ắng, lãi suất huy động lại tăng nhẹ trong những ngày gần đây. Nhìn ngược lại khoảng thời gian từ đầu năm đến nay có thể thấy, thị trường lãi suất đã trải qua nhiều đợt sóng ngắn. Không tăng mạnh bạo trong một thời gian dài, cứ một thời gian lại “gợn sóng” như vậy cũng khiến thị trường có cảm giác lãi suất huy động tại các ngân hàng luôn ở trong thế chực chờ tăng bất cứ lúc nào.

Theo ghi nhận thị trường những ngày gần đây, cùng với việc điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn, nhiều ngân hàng cũng đã gia tăng khuyến mãi nhằm tăng tính hấp dẫn cho lãi suất tiền gửi. Đơn cử, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất huy động các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lần lượt ở mức 5% và 5,5%/năm, tăng 0,1%/năm so với trước đó.

ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng thông báo cộng thêm từ 0,05%/năm đến 0,3%/năm lãi suất gửi tiết kiệm so với lãi suất thông thường cho người gửi tiền. Cụ thể, khi gửi tiết kiệm online tại Viet Capital Bank, khách hàng (KH) được cộng thêm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng.

Đối với các kỳ hạn 3, 4, 5 tháng, KH được ưu đãi thêm 0,05%/năm. Đối với các kỳ hạn 12 tháng, KH được ưu đãi cộng thêm 0,2%/ năm. Đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, KH được cộng đến 0,3%/năm. ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dù có lãi suất tiền gửi tiết kiệm khá cạnh tranh, nhưng từ nay đến hết ngày 13-7, ngân hàng này triển khai thêm chương trình khuyến mãi “Gửi tiền - trúng liền” cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch với tổng giá trị giải thưởng hơn 60 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác lại cộng biên độ từ 0,2 đến 0,3% cho khách hàng có giá trị tiền gửi lớn. Chẳng hạn, ngoài mức lãi suất theo quy định, ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) còn cộng thêm biên độ 0,2% cho khách hàng gửi tiết kiệm có độ tuổi từ 45 trở lên.

Có thể nói, việc điều chỉnh lãi suất huy động xuất phát từ nhu cầu thực tế, khi diễn biến của lạm phát đang có xu hướng tăng cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Theo đó năm 2016, lạm phát được dự báo khoảng 3%, cao hơn nhiều so với mức 0,63% của năm 2015. Vì vậy, để bảo đảm lãi suất thực dương, các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất cho phù hợp.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng khiến ngân hàng tăng lãi suất huy động VNĐ là lãi suất huy động USD hiện ở mức 0%/năm, nếu chênh lệch lãi suất VNĐ và USD giảm xuống dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, cản trở mục tiêu chống đô-la hóa,… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới khi cầu tín dụng vẫn tăng.

Nỗ lực hạ lãi suất cho vay

Sau khi có ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ngân hàngNN), nhiều NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và một số NHTM cổ phần đã ngay lập tức điều chỉnh lãi suất cho vay đối với một số kỳ hạn và đối tượng khách hàng. Nhìn chung, các NHTM kể trên đều đã tuyên bố đưa lãi suất cho vay trung, dài hạn đang từ hơn mức 10%/năm về dưới mức 10%/năm và giảm 0,5%/năm đối với một số khoản vay ngắn hạn.

Những tín hiệu thay đổi dù chưa đủ thời gian ngấm nhưng cũng mở ra hy vọng cho cộng đồng DN về việc sẽ được tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất rẻ hơn, từ đó tiết giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng cùng hy vọng là không ít áp lực. Áp lực đó đến từ những điều chỉnh lãi suất huy động như phản ánh ở trên, rồi đến những thách thức từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Và nhất là diễn biến nhích tăng lãi suất đối với một số khoản vay của nhóm khách hàng cá nhân tại một vài ngân hàng trong những ngày vừa qua. "Nếu việc phát hành trái phiếu Chính phủ không cân nhắc về quy mô huy động với lãi suất huy động, thời hạn huy động thì sẽ tạo ra sức ép làm giảm khả năng NHTM giảm lãi suất. Bởi vì, khi thị trường trái phiếu có nhu cầu cao và lãi suất trái phiếu hấp dẫn sẽ hút một lượng lớn nguồn vốn của hệ thống ngân hàng” - chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết.

Theo nhiều ý kiến, dù các NHTM lớn của Nhà nước đã đi đầu trong việc hạ lãi suất cho vay, nhưng để trở thành một xu hướng chung hay để các NHTM cổ phần nhỏ khác cùng đồng thuận, lại là một bài toán khó. Sở dĩ, những NHTM này giảm được lãi suất là bởi họ đang có thanh khoản tốt, có nguồn vốn huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp rất lớn từ các tổ chức kinh tế và khu vực tư nhân. Các NHTM cổ phần nhỏ không có lợi thế này, cho nên việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay rất khó thực hiện. Song, khó nhưng không phải là không thể thực hiện được.

Hiện nay, các ngân hàng đang trong cuộc đua tìm kiếm thị phần, nên việc tăng giảm lãi suất theo xu hướng thị trường là bắt buộc. Có DN tốt được vay lãi suất thấp thì ắt sẽ có những DN tình hình tài chính kém hơn, nhiều rủi ro hơn sẽ phải vay với lãi suất cao hơn. Hay cho dù chưa thể hạ được lãi suất đầu vào nhưng một số ngân hàng đã thực hiện tiết giảm chi phí, giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay,...

Đó là những biện pháp bù trừ của ngân hàng để bảo đảm hoạt động kinh doanh của mình. Nói cách khác, với sự quyết liệt đi đầu của các NHTM lớn của Nhà nước về việc giảm lãi suất trong những ngày vừa qua cùng quyết tâm của toàn hệ thống ngân hàng, các DN tốt vẫn luôn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn rẻ.

Theo Tổng Giám đốc ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng, ngoài DN trong lĩnh vực ưu tiên, đối tượng khách hàng mục tiêu mà ngân hàng muốn phát triển thị phần là DN được hưởng lợi từ cơ chế mới như TPP, những DN FDI mới liên quan ngành dệt may hoặc những ngành cung cấp sản phẩm cho chuỗi kinh doanh toàn cầu như cung cấp vật tư, thiết bị công cụ. “Các khách hàng trên sẽ được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Còn với các khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản,… chắc chắn ngân hàng không giảm lãi suất” - Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng khẳng định.

Trong bối cảnh hiện nay, để giữ lãi suất cho vay ổn định, các ngân hàng đang tiết giảm chi phí hoạt động. Cụ thể, nếu ngân hàng tăng lãi suất huy động 0,5%, giảm lãi suất cho vay 0,5% thì sẽ cắt giảm chi phí hoạt động từ 1 đến 1,8% để có thể cân bằng.

Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cũng cho biết, tuy không phân biệt DN lớn, nhỏ hay nội, ngoại, nhưng lãi suất cho vay cũng như hạn mức tín dụng sẽ được ngân hàng căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, mức độ xếp hạng tín nhiệm của DN... Theo đó, DN làm ăn hiệu quả sẽ hưởng mức lãi suất tốt.

Với những ngân hàng chưa có điều kiện giảm lãi suất cho vay, một trong những giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn với DN trong vấn đề tiếp cận vốn là cố gắng rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt hồ sơ để làm sao nhu cầu vốn của khách hàng được đáp ứng một cách nhanh chóng, chất lượng tốt nhất. Bởi, đối với DN, ngoài chi phí, cơ hội kinh doanh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Hiện nay, chi phí hoạt động của các NH chủ yếu liên quan chi phí tiền lương, chi phí vận hành. Trong tiến trình các NH đang có hướng mở rộng hoạt động thì tổng tiền lương vẫn tăng, hoặc cũng khó để cắt giảm. Chi phí vận hành cũng như vậy. Ở đây quan trọng nhất là câu chuyện liên quan lợi nhuận. Muốn giảm lãi suất cho vay, NH buộc phải hy sinh một phần lợi nhuận. Tôi hy vọng các NHTM Nhà nước đi đầu trong việc này làm được thì chắc chắn sẽ tạo sức ép buộc các cổ đông của NHTM cổ phần phải theo, nếu không muốn mất thị phần.