"Chạy đua" tăng tín dụng

Hải Hà - thoibaokinhdoanh.vn

(Taichinh) - Chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng bất ngờ tăng cao ngay trong quý I/2015, từ 7% đến 11%, thậm chí có nơi tăng đột biến tới 26,5%. Tín dụng tăng nhanh đã cải thiện tích cực tình trạng nợ xấu và lợi nhuận, thoát khỏi ám ảnh cho vay "ế ẩm" cứ vào đầu năm.

Chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng bất ngờ tăng cao. Nguồn: internet
Chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng bất ngờ tăng cao. Nguồn: internet

Theo tổng hợp của phóng viên, tính đến ngày 17/5, đã có 8 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Cụ thể là, Vietcombank, Vietinbank, ACB, Techcombank, SHB, Eximbank, Sacombank, TPbank.

Các ngân hàng này đều báo lãi với các chỉ tiêu tài chính đang bám sát kế hoạch đề ra. Quý I/2015 đã có nhiều yếu tố thuận lợi về kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất phục hồi, lãi suất giảm sâu, tỷ giá ổn định… nên nhiều ngân hàng cải thiện rõ rệt hoạt động tín dụng.

Cải thiện lợi nhuận

Nhóm các "ông lớn" ngân hàng có sự đột biến ở nhiều chỉ tiêu kinh doanh gồm: tài sản, huy động vốn, lợi nhuận… Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tạm dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong quý I với 1.564 tỷ đồng, tăng 7%.

Kết quả này có được là do ngân hàng tăng mạnh tín dụng, lên tới 26,5% so với cuối năm 2014, đạt 551.000 tỷ đồng. Song, nợ xấu lại tăng tới 68,5%, lên 8.265 tỷ đồng, chiếm 1,5% dư nợ (cao hơn năm 2014 chỉ có 4.904 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,9%).

Quý I/2015, tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại tăng "khiêm tốn" hơn ở mức 2,3%, dư nợ cho vay đạt 330.782 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank lại tăng từ 2,31% lên mức 2,67% dư nợ, tương ứng gần 8.832 tỷ đồng, cao hơn số nợ xấu của Vietinbank.

Trong số này, riêng nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng tới 34%, lên 4.770 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank bị giảm 3%, chỉ đạt 1.456 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm tương ứng còn 1.132 tỷ đồng.

Ở khối các ngân hàng TMCP lớn, tín dụng các tháng đầu năm được duy trì ở mức vừa phải hoặc thấp. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa cho hay, tín dụng đến hết quý I/2015 đã tăng mạnh tới 10,5%, lên mức 88.720 tỷ đồng.Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,58%. Nợ xấu cao đã ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 314 tỷ đồng (giảm tới 38%).

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chỉ tăng tín dụng ở mức 2,5%, đạt 119.200 tỷ đồng trong quý I/2015. Nhưng ACB đã kéo giảm nợ xấu từ 2,18% (năm 2014) xuống mức 2,1% và vẫn tăng mạnh trích dự phòng rủi ro lên 247 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 359 tỷ đồng và giảm chỉ còn 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hai ngân hàng là Eximbank và Sacombank cùng đặt chỉ tiêu tín dụng tăng 11% trong năm 2015, nhưng hết quý I, tín dụng Eximbank bị giảm 5,6% (nhưng lợi nhuận đột biến đạt 500 tỷ đồng). Còn tín dụng của Sacombank mới tăng 3%. Ngân hàng SHB cũng mới tăng 7,6% dư nợ cho vay trong quý I…

Đầu tư mạnh vào trái phiếu

Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 12-14% so với năm trước. Tùy theo đề xuất và đánh giá khả năng của từng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cụ thể.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Vietinbank, kế hoạch tăng tín dụng của năm 2015 chỉ 13-15%, ở mức phù hợp với tỷ lệ bình quân toàn ngành ngân hàng.

Nhưng ban lãnh đạo Vietinbank kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn, dự kiến trên 18%. Thực tế, với mức tăng tín dụng 26,5% của quý I vừa qua thì những quý tiếp theo, ngân hàng sẽ có biến động lớn về tín dụng để phù hợp với kế hoạch đề ra.

Được biết, Vietinbank đã và đang tài trợ vốn cho nhiều dự án hạ tầng giao thông, dự án ngành điện, xăng dầu, năng lượng… với quy mô cấp tín dụng vài chục nghìn tỷ đồng. Những khoản vay lớn, kỳ hạn trung và dài hạn này sẽ giúp ngân hàng duy trì ổn định tín dụng lâu dài.

Các khoản cho vay lớn của Vietinbank còn được phản ánh dưới hình thức đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp… Năm 2014, tổng dư nợ trái phiếu Chỉnh phủ của Vietinbank đạt 89.494 tỷ đồng, tăng 7.430 tỷ đồng so với năm trước.

Vietcombank cũng là ngân hàng lớn "chịu chơi" trái phiếu với tổng quy mô lên tới 42.787 tỷ đồng (năm 2014). Đầu tháng 5 vừa qua, Vietcombank đã mạnh tay đầu tư mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ USD (tương ứng khoảng 21.600 tỷ đồng). Lãi suất trái phiếu xoay quanh mức 4,8%/năm, kỳ hạn 5-10 năm.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành hé lộ một khoản đầu tư trị giá trên 20.000 tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn và an toàn. Ngay sau đó, khoản 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ được tiết lộ, giải tỏa băn khoăn của cổ đông, nhà đầu tư.

Chỉ riêng việc mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ đã giúp ngân hàng tăng tín dụng thêm 9,3%. Đồng thời, đóng góp đáng kể cho lợi nhuận vì lãi suất 4,8% (bằng USD) là mức cho vay khá cao.

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, trong 3 năm qua, các ngân hàng đều tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ vì tính ổn định, an toàn, lãi suất hấp dẫn hơn cho vay doanh nghiệp.

Không chỉ giải phóng lượng vốn huy động dư thừa, không cho vay được, thì các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ đã đem lại lợi nhuận đáng kể. Dù chưa có công bố chính thức, nhưng con số lợi nhuận ước tính ở một vài ngân hàng cũng cỡ trên 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ.