Chi tiêu công với mục tiêu giảm nghèo

PGS., TS. Lê Chi Mai - Học viện CTHCQG

TCTC Online - Chương trình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam bắt đầu được triển khai thực hiện từ đầu thập kỷ 90, với các mục tiêu tăng thu nhập cho người nghèo, cải thiện mức sống và gia tăng phúc lợi xã hội thông qua các dịch vụ công thiết yếu và trao quyền nhiều hơn cho người nghèo. Chi tiêu công là một công cụ quan trọng của Chính phủ nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc thực hiện những mục tiêu trên...

1. Vai trò của chi tiêu công trong giảm nghèo ở Việt Nam

Đói nghèo không chỉ là thách thức đối với các nước nghèo và các nước đang phát triển, mà luôn là mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Nghèo đói là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người. Những nhu cầu này phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế-xã hội, phong tục tập quán của từng vùng được xã hội thừa nhận1. Chuẩn nghèo tuyệt đối do Ngân hàng Thế giới xác định là 1 USD và 2 USD/người/ngày tính theo sức mua ngang giá (PPP) năm 1993. Trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ người đang phải sống trong cảnh nghèo khổ với mức thu nhập dưới 1 USD/ngày. Song nếu xét theo chuẩn nghèo tương đối - thể hiện ở tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình của cộng đồng tại địa phương tại một thời kỳ nhất định - thì ngay cả ở các nước phát triển cũng có người nghèo. Chẳng hạn, các nước EU xác định người nghèo là người có mức thu nhập ít hơn 60% mức thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia đó.

Ở Việt Nam, tuy mức chênh lệch giàu nghèo không lớn, song quá trình phân hoá diễn ra khá rõ nét. Năm 2006 thu nhập của 20% người giàu nhất gấp 8,37 lần so với thu nhập của 20% người nghèo nhất,trong khi đó tỷ lệ này là 6,99 lần vào năm 1995. Sự chênh lệch giàu nghèo còn được phản ánh trong việc hưởng thụ các hàng hoá và dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ công – là những dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của tất cả mọi người, trong đó có người nghèo. Chi tiêu của nhóm 20% người giàu nhất cho chăm sóc sức khoẻ năm 2006 gấp 3,9 lần chi tiêu của nhóm người nghèo cho dịch vụ này, đối với giáo dục, tỷ lệ này là 5,75 lần2.

Chương trình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam bắt đầu được triển khai thực hiện từ đầu thập kỷ 90 và đến năm 2002, Chính phủ đã đưa ra Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo. Trong những năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trong xoá đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo ngưỡng nghèo mới năm 2009 là 12,3% so với mức 34,4% năm 1995 và 18,10% năm 2004.

Chi tiêu công là một công cụ quan trọng của Chính phủ nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Chi tiêu công dưới các hình thức như chi đầu tư, chi thường xuyên tự thân nó đã hướng đến thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập cho dân cư, trong đó có người nghèo. Hơn thế nữa, trong bố trí các loại chi nói trên, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Các định mức phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư cho các địa phương đều tính đến yếu tố nghèo. Tiêu chí phân bổ chi đầu tư cho các địa phương có tính đến tỷ lệ hộ nghèo, với mức 1 điểm cho 10% tỷ lệ hộ nghèo3. Định mức phân bổ chi thường xuyên cũng ưu tiên cho các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu và vùng cao. Chẳng hạn, mức chi cho giáo dục trên 1 người dân ở vùng sâu cao hơn ở vùng đô thị là 1,5 lần, tương tự, mức chi cho y tế chênh lệch giữa hai vùng này gấp 1,7 lần. Đồng thời, định mức chi cho các dịch vụ công thiết yếu này đối với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng núi cao-hải đảo giai đoạn 2007 -2010 tăng so với giai đoạn 2004-2006 với tốc độ cao hơn so với định mức chi cho vùng đô thị và đồng bằng. Chẳng hạn, định mức chi cho y tế miền núi cao, hải đảo giai đoạn 2007-2010 tăng 2,8 lần so với thời kỳ 2004-2006, trong khi đó tỷ lệ này đối với vùng đồng bằng là 2,2 lần4.

Bên cạnh các nội dung chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, trong chi tiêu công có một nội dung chi riêng biệt tập trung vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo – đó là chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình mục tiêu quốc gia này bao gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Chương trình 143), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30A/2008, các chương trình trong lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục, vệ sinh môi trường… Chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho các chương trình này đã tăng lên nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2009 đã tăng gấp 9 lần so với năm 1998. Hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho hàng trăm xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và hải đảo, năm 2006 và 2007 mỗi năm xây dựng 347 công trình, năm 2008 là 550 công trình. Các chương trình nói trên đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là tăng sự hưởng thụ dịch vụ công của người nghèo như cải thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo, vùng núi, vùng sâu, tăng cường các dịch vụ giáo dục, y tế cho người nghèo, cải thiện môi trường sống và sinh hoạt cho người nghèo… Nhờ đó, khả năng tiếp cận của người nghèo đối với một số dịch vụ công đã gần tương đương với nhóm người giàu, chẳng hạn số người ở nhóm giàu nhất được sử dụng điện lưới là 96,7%, trong khi số người nghèo nhất được sử dụng nguồn điện này là 90,7%5.

Chi tiêu công nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo còn được thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với người nghèo. Từ đầu những năm 1990, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm viện phí và học phí cho người nghèo. Số người nghèo nhất được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác đã tăng từ 20,5% năm 1998 lên 59,5% tổng số người thuộc nhóm này vào năm 20066. Năm 1999, Chính phủ đã thiết lập Chương trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho 4 triệu người nghèo nhất Việt Nam. Tính đến năm 2006, tổng số đối tượng được cấp thẻ BHYT đã lên đến 15,2 triệu người. Mệnh giá các thẻ BHYT cũng tăng liên tục: năm 2002 là 50.000 đồng/người/năm; năm 2005 – 60.000 đồng, năm 2007 – 80.000 đồng, năm 2008 – 130.000 đồng và hiện được nâng lên tương tương 3% mức lương tối thiểu chung7.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công nói trên, thực tế cho thấy sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn đang ngày càng lớn. Trong việc bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước có các chính sách thực hiện công bằng khá tốt, song vẫn còn không ít vấn đề đặt ra.

Chi tiêu công cho y tế ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi của Nhà nước, trong khi tỷ lệ này ở các nước cùng nhóm thu nhập (PPP bình quân đầu người ở mức 3.300 USD) là 9%. Trên thực tế, tỷ lệ chi tiêu từ tiền túi của người dân trong tổng chi tiêu cho y tế chiếm tới trên 70% là một tỷ rất cao. Kết quả phân tích điều tra y tế quốc gia 2002 cho thấy, nếu người nghèo phải nằm viện mà không được Nhà nước hỗ trợ thì trung bình mỗi đợt ốm phải chi một số tiền tương đương 17 tháng chi tiêu phi lương thực, thực phẩm của hộ gia đình8 . Tình hình phân cấp ngân sách trong chi cho y tế cũng chưa bảo đảm hướng đến đối tượng người nghèo. Tỷ lệ NSNN cấp cho y tế tại tuyến trung ương là 36,8%, tuyến tỉnh là 44,7%, tuyến huyện là 16,2% và tuyến xã là 2,3%. Điều đáng lưu ý nữa là tỷ lệ chi từ NSNN cho đầu tư phát triển hầu hết tập trung tại tuyến trung ương và tuyến tỉnh (chiếm đến 97%), như vậy mạng lưới y tế cơ sở hầu như không có kinh phí cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Điều đó dẫn đến thực trạng nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất và trang thiết bị của y tế cấp huyện và cấp xã. Trong khi đó người nghèo thường sử dụng các dịch vụ y tế chủ yếu ở các trung tâm y tế xã và huyện9.

Chi cho giáo dục của nhóm người giàu nhất năm 2006 gấp 5,75 lần mức chi của nhón nghèo nhất, trong đó ở cấp tiểu học là 5,12 lần, đối với giáo dục trung học cơ sở là 3,55 lần10. Trong khi đó, chi tiêu ngân sách cho việc cung ứng dịch vụ công vẫn có xu hướng đem lại lợi ích nhiều hơn cho người giàu. Càng lên các bậc học cao hơn thì chi tiêu của ngân sách phân bổ cho giáo dục càng đem lại lợi ích lớn hơn cho người giàu, chẳng hạn 26% trong tổng lợi ích do giáo dục phổ thông trung học đem lại là dành cho 20% người giàu nhất, trong khi chỉ có 9% trong tổng lợi ích là đến với nhóm người nghèo nhất11.

Hệ thống giao thông liên thôn ở các vùng nghèo còn rất hạn chế, đặc biệt ở Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên. Ở những vùng này, số xã có đường liên thôn được nhựa hoá, bê tông hoá trên 50% chỉ chiếm dưới 20%, riêng Tây Bắc là 7,1% 12. Tỷ lệ dân số được dùng nước sạch ở thành thị là 80%, ở nông thôn là 38,9%, số dân ở nhóm nghèo nhất được dùng nước sạch là 32,4%13 .

Không phải toàn bộ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo đến được với người nghèo, một số khoản chi có hiệu quả không cao. Nguồn vốn bị phân tán, không tập trung để giải quyết dứt điểm mục tiêu đặt ra. Chi phí quản lý các chương trình này còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kinh phí của chương trình. Một số công trình đầu tư có hiệu quả sử dụng kém, tình trạng rò rỉ nguồn lực từ trung ưong xuống địa phương, các sai phạm trong quản lý tài chính còn khá phổ biến.

2. Các giải pháp cải cách chi tiêu công hướng tới mục tiêu giảm nghèo

Để phát huy tốt hơn tác động của chi tiêu công tới mục tiêu giảm nghèo, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần cải cách chi tiêu công theo các hướng sau đây:

Thứ nhất, cải cách cơ cấu chi tiêu công theo hướng tập trung ngày càng nhiều hơn vào những loại dịch vụ công thiết yếu nhất của xã hội nhằm tạo cơ hội lớn hơn cho người nghèo trong hưởng thụ các dịch vụ này. Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đều khuyến cáo rằng Chính phủ nên hỗ trợ ngân sách ở mức tối đa cho việc cung cấp các dịch vụ giáo dục tiểu học và chăm sóc sức khoẻ ban đầu - là những dịch vụ thiết yếu cho tất cả mọi người - để tăng cơ hội hưởng thụ của người nghèo. Ở Việt Nam, mục tiêu chi ngân sách cho giáo dục và y tế cũng được coi trọng, chẳng hạn Chính phủ dự kiến duy trì ngân sách chi cho giáo dục ở mức 20% tổng chi ngân sách và tăng tỷ trọng chi cho y tế trong tổng chi NSNN từ 5% hiện nay lên 12% vào năm 2015. Điều này là cần thiết để bảo đảm có đủ kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chẳng hạn, theo chủ trương của Chính phủ về việc trợ cấp tài chính cho khám chữa bệnh đối với người nghèo và hỗ trợ một phần cho người cận nghèo, ước tính, diện bao phủ của chính sách BHYT miễn phí cho người nghèo năm 2008 là khoảng 27 triệu người, nếu tính cả số người cận nghèo dự kiến được trợ cấp 50% mệnh giá BHYT thì số người được nhận trợ cấp lên đến 41 triệu người. Để trợ cấp được toàn bộ số đối tượng nói trên, dự kiến NSNN phải chi 6,6 ngàn tỷ đồng/năm14, gấp hơn 2 lần số chi thực tế từ NSNN thông qua BHYT hiện nay.

Thứ hai, tăng cường phân cấp ngân sách cho các cấp chính quyền địa phương để nâng cao khả năng đáp ứng các dịch vụ công cho dân cư địa phương, đặc biệt là người nghèo. Thực tế cho thấy nguồn lực tài chính cho hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương sẽ phục vụ chủ yếu cho việc cung ứng các dịch vụ công, trong khi cấp trung ương tập trung nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách và các chức năng quản lý nhà nước. Do đó, việc tăng cường phân cấp ngân sách cho cấp dưới sẽ tạo điều kiện cho các cấp này thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công tốt hơn. Các dịch vụ công do cấp chính quyền càng gần dân cung ứng thì càng có điều kiện sát hợp hơn với nhu cầu của người dân, đồng thời do cấp chính quyền này nắm vững hơn về dân cư trên địa bàn nên sẽ tăng khả năng phục vụ đúng các đối tượng mà nhà nước quan tâm, đặc biệt là người nghèo.  

Chính quyền cấp dưới chỉ có thể chủ động cung ứng dịch vụ công cần thiết ở địa phương khi có nguồn thu xác định, đầy đủ và ổn định, đồng thời được giao các nhiệm vụ chi rõ ràng và phù hợp. Mặc dù cơ chế phân cấp hiện nay thực hiện theo mô hình tập trung quyền lực ở trung ương và bảo đảm sự điều hoà của trung ương cho các tỉnh, song việc tập trung quá mức các nguồn thu ở trung ương sẽ dẫn đến chỗ hình thành một cơ chế chuyển giao phức tạp và dễ bị yếu tố chủ quan làm cho sai lệch. Cần bảo đảm để địa phương có đủ nguồn để trang trải khoảng 2/3 nhiệm vụ chi tiêu của địa phương, còn 1/3 còn lại là dựa vào sự điều tiết và chuyển giao của trung ương.

Cần thống nhất về nguyên tắc trong phương thức phân bổ ngân sách ở các tỉnh. Luật ngân sách nhà nước năm 2002 đã trao cho các tỉnh thẩm quyền tương đối rộng trong phân bổ ngân sách cho các cấp thấp hơn. Điều đó cho thấy, khi tính công bằng trong phân bổ ngân sách giữa các tỉnh được cải thiện, cũng chưa bảo đảm rằng sẽ khắc phục được tình trạng phân bổ không đồng đều giữa các cấp tỉnh, huyện và xã nếu cấp tỉnh không chú trọng đến tính công bằng trong phân bổ nguồn lực. Vì vậy, ngay tại từng tỉnh cũng cần có cơ chế phân cấp hợp lý giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, sao cho các cấp cơ sở có điều kiện đáp ứng tốt nhất dịch vụ công cho các đối tượng dân cư trên địa bàn và chú trọng đến người nghèo.

Thứ ba, cải tiến cách thức phân bổ ngân sách để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giữa các khu vực về các dịch vụ công thiết yếu. Cùng với việc phân cấp nhiều hơn cho địa phương, cần đề phòng xu hướng do phân cấp mà làm sâu sắc thêm bất bình đẳng giữa các khu vực. Theo đó, khu vực nào có tiềm năng lớn hơn sẽ có điều kiện chi tiêu nhiều hơn, trong khi đó những vùng nghèo khó do thiếu kinh phí nên thường có xu hướng cắt giảm các chi tiêu về dịch vụ công để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thiết yếu khác của bộ máy.

Vì vậy, cần tính đến mức thu nhập bình quân đầu người của các địa phương trong việc phân bổ NSNN, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Việc phân bổ ngân sách hiện chưa tính đầy đủ đến yếu tố mức thu nhập của dân cư. Chính mức thu nhập của dân cư tác động rõ nét đến quy mô chi tiêu công của tỉnh đó, đặc biệt trong lĩnh vực y tế thì chi y tế từ tiền túi của gia đình (chiếm trên 70% tổng chi cho y tế) mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình đẳng trong lĩnh vực này. Khi kinh phí từ NSNN còn hạn hẹp thì chính sự đóng góp của dân cư sẽ giúp chính quyền nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công ở địa phương mình. Nếu không tính đến yếu tố này thì sự phân bổ ngân sách của Chính phủ mới chỉ mang tính phiến diện và bất bình đẳng về tài chính giữa các địa phương sẽ ngày càng rộng.

Từng bước đổi mới phương thức phân bổ NSNN cho các cơ sở cung ứng dịch vụ công dựa theo các chỉ tiêu đầu vào như hiện nay sang phương thức phân bổ dựa trên kết quả công việc, số lượng và chất lượng dịch vụ công, kèm theo cơ chế giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp, không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo. Xu hướng chung hiện nay là Chính phủ chuyển từ việc hỗ trợ gián tiếp thông qua các cơ sở cung ứng dịch vụ công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng thụ dịch vụ đó. Cách thức này tránh được những rủi ro do cơ sở cung ứng không chi cho đúng đối tượng được ưu đãi và sự lạm dụng nguồn lực để mưu lợi riêng.

Nhà nước cần tiếp tục dành một nguồn kinh phí thoả đáng để hỗ trợ học sinh nghèo thông qua chính sách miễn giảm học phí. Số kinh phí này nên phân bổ cho các địa phương căn cứ vào số lượng học sinh, sinh viên và mức độ khó khăn của từng vùng. Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp quyết định phân bổ quỹ này cho các địa phương cấp dưới trực tiếp. HĐND cấp cơ sở xem xét, quyết định danh sách học sinh, sinh viên trong xã, phường được cấp học bổng dưới hình thức phiếu thanh toán chỉ có giá trị trả học phí. Việc sử dụng quỹ khuyến học ở các cấp phải được công khai hoá cho nhân dân địa phương biết để giám sát và kiểm tra thực hiện.

Để tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận nhiều hơn đến dịch vụ khám chữa bệnh, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ chi phí y tế cho người nghèo và cận nghèo bằng cách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và hỗ trợ một phần cho người cận nghèo, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại cho người nghèo khi họ phải điều trị nội trú tại các bệnh viện. Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế để chia sẻ rủi ro cho các đối tượng thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là người nghèo.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả của các chương trình chi tiêu nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Cần tăng mức cấp vốn từ ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm đói nghèo, bởi vì số kinh phí hiện tại còn nhỏ bé để tạo ra sự thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng, việc làm và bảo đảm các dịch vụ công quan trọng khác.

Việc xây dựng các chương trình trợ cấp cần có sự định hướng vừa theo vùng địa lý, vừa theo loại hàng hoá. Định hướng theo vùng địa lý sẽ bảo đảm chương trình trợ cấp đến với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là nơi có nhiều người nghèo sinh sống. Định hướng theo loại hàng hoá sẽ giúp cho các chương trình trợ cấp đưa được những loại hàng hoá, dịch vụ mà người nghèo sử dụng nhiều hơn các nhóm dân cư khác đến được với họ.

Các chương trình cần tập trung hơn nữa vào đối tượng nghèo nhất thông qua việc tăng định mức phân bổ ngân sách cho các vùng nghèo đói và bảo đảm phân bổ đúng cho các đối tượng nghèo. Việc xây dựng năng lực cho các hộ nghèo để họ có thể tham gia vào quá trình thực thi và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia nói trên là một đòi hỏi quan trọng để nâng cao hiệu quả của các chương trình. Ngoài ra, các vấn đề nghiệp vụ trong quản lý tài chính các chương trình phải được quan tâm đầy đủ hơn, chẳng hạn như phải cải tiến quy chế điều hành và các thủ tục quản lý tài chính hợp lý hơn, bảo đảm thời hạn cấp phát kinh phí phù hợp với tiến độ công việc...

 Tóm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của một quốc gia không hẳn tỷ lệ thuận với tốc độ giảm nghèo. Sự giàu có của một quốc gia cũng không loại trừ việc phân hoá giàu nghèo sâu sắc. Do đó, giảm nghèo không chỉ là thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh, mà cần có sự can thiệp của Chính phủ như một tác nhân chủ yếu tác động trực tiếp đến giảm nghèo, trong đó cải cách chi tiêu công của Chính phủ theo hướng tập trung nhiều hơn vào người nghèo là một công cụ hữu hiệu và có tác động trực tiếp tới mục tiêu nói trên.

 

 



1 Báo cáo tại Hội nghị chống nghèo đói do Uỷ ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Thái Lan tháng 9-2003.

2 5 6 10 13 Tổng cục Thống kê: Báo cáo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2006, Hà Nội, 2007, tr. 72, tr.34, tr.53, tr.79-80; tr.314

3 Quyết định 210/2006/QĐ-TTg ngày 12-6-2006 về việc ban hành định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng NSNN giai đoạn 2007-2010.

4 Quyết định 139/2003/QĐ-TTg và Quyết định 151/2006/QĐ-TTg về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên giai đoạn 2004-2006 và giai đoạn 2007-2010.

7 9 14 Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2008 – Tài chính y tế ở Việt Nam, 2008, tr. 93; tr.34, tr.92.

8 Bộ Y tế: Báo cáo y tế Việt Nam 2006: Công bằng, hiệu quả, phát triển trong tình hình mới, NXB Y học, HN 2007,

11 Việt Nam quản lý chi tiêu công để tăng trưởng và giảm nghèo, tập 2, tr.14.

12 Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, tr.70.