Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020

PV

TCTC Online - Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 - Là nội dung chính của cuộc Tọa đàm được Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 22/7 vừa qua tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của đông đảo đại biểu, đại diện các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quan…

 

Chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của kiểm toán Nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Cùng với đó, một mục tiêu quan trọng được Quốc hội đặt ra là xây dựng kiểm toán Nhà nước có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Về chất lượng kiểm toán, kiểm toán Nhà nước đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán một cách toàn diện trên ba mặt là năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán, nhằm hướng tới yêu cầu phục vụ tốt công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước.

Để đạt ra các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra, kiểm toán Nhà nước sẽ được phát triển thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các địa phương.

Đối với Quốc hội, trong thời gian tới, kiểm toán Nhà nước cần đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán, đổi mới các nội dung trong báo cáo kiểm toán nhằm cung cấp cho Quốc hội những thông tin xác đáng, trung thực, khách quan, gắn liền với thực tiễn hoạt động, điều hành nền kinh tế của đất nước.

Báo cáo kiểm toán cần có đánh giá khái quát tình hình, làm rõ nét bức tranh tổng thể về ngân sách Nhà nước của niên độ kiểm toán, những kết quả cơ bản đạt được, những tồn tại mang tính phổ biến, những sai phạm có tính nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Quân – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Quá trình 16 năm xây dựng và hoạt động là thời gian khá khiêm tốn so với nhiều cơ quan Kiểm toán Nhà nước khác trên thế giới, nhưng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, được Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Có được thành quả đó là do Kiểm toán Nhà nước luôn coi trọng việc chia sẻ kiến thức và vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thông qua thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã hợp tác hiệu quả với một số SAI trên thế giới thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật do các tổ chức quốc tế tài trợ như: GTZ, ADB, DANIDA, EU, DIFID… Việc triển khai chiến lược quan trọng liên quan đến tương lai của một ngành là công cụ biểu hiện của Nhà nước không thể thiếu sự trợ giúp kỹ thuật của quốc tế.