Chiêu trò tăng vốn ảo, nhìn từ vụ KSA và MTM

Theo Bùi Trang-Hà Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Tăng vốn ảo, nói đơn giản là việc vốn điều lệ được ghi nhận tăng lên trên sổ sách nhưng thực tế dòng tiền lại không tăng.

Bất cứ một hành vi nào không trong khuôn khổ pháp luật, khi che giấu nó, luôn để lại dấu vết.
Bất cứ một hành vi nào không trong khuôn khổ pháp luật, khi che giấu nó, luôn để lại dấu vết.

Không những không giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, tăng vốn ảo làm pha loãng giá trị cổ phiếu, gây thiệt hại cho nhiều cổ đông, nhà đầu tư, làm lũng đoạn thị trường. Chỉ có những cổ đông nội bộ, chủ mưu của các phi vụ này là “đút túi” số tiền không nhỏ.    

Có nhiều “chiêu trò” tăng vốn ảo đã được chỉ ra. Chẳng hạn, ông chủ doanh nghiệp sử dụng các công ty sân sau hoặc cá nhân thân quen để mua cổ phần từ đợt tăng vốn, sau đó, tiền thu từ đợt tăng vốn sẽ bị rút ra dưới danh nghĩa các khoản cho cá nhân vay tiền, khoản phải thu lớn, tài sản vô hình.

Tiếp đó, những cổ đông mua cổ phần từ đợt tăng vốn sẽ bán ra với bất kể giá nào để thu tiền về, dần dà giá cổ phiếu xuống. Một đợt bán giấy lấy tiền theo nghĩa đen.

Trên thị trường, từng có nhiều đợt phát hành cổ phiếu hay “sáp nhập cửa sau" bị nhà đầu tư nghi ngờ tăng vốn ảo. Nghi vấn thì nhiều, nhưng làm rõ được thì ít. Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc, nhà đầu tư mới tường tận các thủ đoạn tăng vốn ảo cũng như các bên liên quan. 

Từ vụ việc KSA…

Vụ việc gần đây nhất bị cơ quan điều tra xác định xảy ra ở CTCP Ðầu tư khoáng sản Bình Thuận (KSA). Cơ quan điều tra xác định, tháng 9/2015, KSA phát hành 67.056.416 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 373 tỷ đồng lên 1.044 tỷ đồng. Trong đó, có 56.056.416 cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và 11 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

Trong quá trình chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, chỉ có Phạm Thị Hinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đứng tên mua 1,2 triệu cổ phiếu KSA. Phạm Thị Hinh lập danh sách và làm các thủ tục phân phối số cổ phiếu trên cho 10 cá nhân, công ty là người thân quen.

Ðể có số tiền 560,5 tỷ đồng nộp tiền mua cổ phiếu, Phạm Thị Hinh đã đứng ra vay Ngân hàng SHB  - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt. Trong đó, Hinh trực tiếp đứng tên vay 59,2 tỷ đồng. Số tiền 501,3 tỷ đồng còn lại, Hinh nhờ Nguyễn Thị Bích Hạnh (nhân viên BIDV) làm thủ tục cho 18 cá nhân khác vay tại SHB - Chi nhánh Hà Nội, mục đích vay tiêu dùng. Tài sản đảm bảo là số dư tài khoản của Công ty KSA.

Cơ quan điều tra xác định, việc cho vay của SHB đúng quy định pháp luật, không có hành vi vi phạm pháp luật. Khi đảm bảo cho khoản vay của 18 người nói trên, tài khoản của KSA có đủ 560,5 tỷ đồng. SHB cũng đã thu được nợ gốc và lãi cho khoản vay này.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, việc vay vốn này rõ ràng là bất thường. Ước tính, trung bình 18 cá nhân nói trên mỗi người vay tiêu dùng lên tới 27 tỷ đồng. Một nhóm cá nhân đồng loạt vay tiêu dùng và cùng được KSA đứng ra bảo đảm khoản vay bằng số dư tài khoản. Không cổ đông nào của KSA có thể chấp nhận việc này. Tuy nhiên, cổ đông khó có thể phát hiện sự việc nếu chỉ dựa trên các báo cáo tài chính, thông tin được công bố định kỳ của KSA.

Theo phương án phát hành, nguồn tiền thu được dùng để đầu tư vào các dự án của KSA, cụ thể để trả cho các hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH Ngôi nhà đầu tiên, Công ty TNHH Hạnh Vân, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng kỹ thuật thương mại Phú Hòa, CTCP Ðầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư. Hinh đã chuyển số tiền này cho các công ty trên.

Thực tế, những người đứng đầu các công ty này đều là người quen của Hinh. Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng của các công ty này đều được ký sẵn và do Hinh trực tiếp mở. Việc nộp, rút tiền, ủy nhiệm chi đều do các cá nhân, công ty ký sẵn, viết sẵn đưa cho ngân hàng.

Sau đó, số tiền này được rút ra để thanh toán cho khoản vay ban đầu.

… Tới trường hợp MTM

Một trường hợp khác đã được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sai phạm trong việc tăng vốn. Ðó là CTCP Xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM). MTM khi thành lập chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên Giám đốc CTCP Khoáng sản Nari Hamico) đã chỉ đạo một số cá nhân khác làm giả hồ sơ tăng vốn để đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Các bị cáo làm giả danh sách cổ đông với 103 người, đều là người quen thân của Dĩnh; chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng (phiếu thu tiền mặt và làm giả chứng từ góp vốn qua ngân hàng)...

Theo quy định tại Nghị định 222/2013/NÐ-CP, các doanh nghiệp không được thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn góp vào doanh nghiệp. Vì vậy, tiền mua cổ phần trong đợt tăng vốn phải được thanh toán qua ngân hàng. Nhóm các bị cáo trong vụ án MTM đã nhờ “chạy khoản” tại BIDV Nam Hà Nội và TPBank. Tiền được hạch toán nộp vào tài khoản và sau đó được rút ra ngay.

Nhóm các bị cáo, thậm chí đối phó bằng cách thuê tiền để có tiền mặt đặt tại quầy giao dịch ngân hàng. Sau khi làm động tác kiểm đếm tiền, tiền được mang về ngay. Các nhân viên ngân hàng còn yêu cầu chia thành nhiều chứng từ để ngân hàng thu được nhiều phí giao dịch.

Ðể lập báo cáo tài chính, các bị cáo này làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, phiếu thu, phiếu chi, chứng từ ngân hàng giữa MTM và nhóm công ty của Dĩnh như KTB, Công ty Nari Hamico, CTCP Khoáng sản luyện kim Bắc Kạn... để tạo doanh thu.

Tiếp đó, Nguyễn Văn Dĩnh chuyển các chứng từ, hợp đồng... vào Nghệ An (nơi đăng ký trụ sở chính của MTM) để hạch toán sổ sách, báo cáo tài chính, báo cáo thuế. Công ty MTM đã thuê 2 công ty kiểm toán, gồm Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K; Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế IFC - Chi nhánh Thanh Hóa để kiểm toán báo cáo tài chính.

Khi kiểm toán, các kiểm toán viên chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ ngân hàng do Ngô Văn Hiến cung cấp, không soát xét kỹ hồ sơ, nhưng vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

Ðối với nhà đầu tư, một tài liệu quan trọng khi đánh giá về doanh nghiệp niêm yết là báo cáo tài chính có kiểm toán, có soát xét. Với trường hợp MTM, bà Nguyễn Như Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính Quốc tế IFC đã giới thiệu Công ty MTM thuê IFC - Chi nhánh Thanh Hóa để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014 và báo cáo tài chính soát xét từ 1/1/2015 đến 10/4/2015.

Vì sự giới thiệu này, bà Nguyễn Như Phương được cho 50.000 cổ phiếu. Khi cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM, bà Phương đã bán cổ phiếu, thu được 342 triệu đồng (mức giá khoảng 6.800 đồng/cổ phiếu).

Cơ quan an ninh điều tra xác định, khi giới thiệu đơn vị kiểm toán cho MTM, bà Nguyễn Như Phương không biết thực trạng Công ty nên không có đủ căn cứ xác định có sai phạm.

Một chuyên gia pháp lý trong ngành ngân hàng đã từng đưa ra nhận xét, bất cứ một hành vi nào không trong khuôn khổ pháp luật, khi che giấu nó, luôn để lại dấu vết. Dòng tiền để lại dấu vết, các hành vi để lại dấu vết. Dù áp dụng chiêu trò gì, vẫn còn nhiều bên, nhiều cá nhân liên quan đến đợt tăng vốn.

Dù vậy, mối liên hệ này khiến nhà đầu tư nghi ngờ vai trò, trách nhiệm của kiểm toán viên. Thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã phải trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm các kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế và Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K. Mặc dù, kết quả tố tụng xác định các kiểm toán viên không có sai phạm, nhưng có thể thấy, để một vụ tăng vốn ảo diễn ra trót lọt, nhiều cá nhân, tổ chức đóng vai trò không nhỏ.

Sai phạm thì phải chờ cơ quan có thẩm quyền kết luận, nhưng những dấu vết bất thường luôn có thể nhận diện. Nếu các bên liên quan sẵn lòng từ chối tham gia những giao dịch đáng ngờ, các khoản phí giao dịch, những cổ phiếu tặng cho thì chắc chắn những đợt tăng vốn “ảo” khó thành công.