Chính phủ muốn thị trường chứng khoán sớm trở thành kênh dẫn vốn dài hạn

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

“Chúng ta bàn việc phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) trong xu thế thị trường đang tăng điểm. Tôi hy vọng hoạt động điều hành của Bộ Tài chính, của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục giúp TTCK tăng trưởng, nhưng tăng trưởng một cách bền vững”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành Chứng khoán ngày 27/4/2016. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành Chứng khoán ngày 27/4/2016. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu như vậy khi ông dành thời gian đến làm việc với ngành chứng khoán, ngày 27/4/2016 vừa qua.

Tăng trưởng phải đi đôi với bền vững

Từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn 2011-2013, tân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thể hiện sự quan tâm và thân thiện với thị trường ngay trong lời phát biểu đầu tiên tại cuộc họp.

“Chúng ta bàn việc phát triển TTCK trong xu thế thị trường đang tăng điểm. Tôi hy vọng hoạt động điều hành của Bộ Tài chính, của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục giúp TTCK tăng trưởng, nhưng tăng trưởng một cách bền vững”, Phó thủ tướng nói.

Các bộ, ngành phải nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về TTCK để hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế, hạ tầng để TTCK trở thành kênh quan trọng trong huy động vốn cho nền kinh tế, san sẻ gánh nặng cho ngành ngân hàng. UBCKNNNN cần thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp đồng bộ, nhằm thu hút sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; cùng với các bộ, ngành xây dựng cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp trong nước; quan tâm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tích cực chuẩn bị để vận hành TTCK phái sinh. Với thị trường cổ phiếu, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cả về số lượng và chất lượng, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào. Đối với các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà chưa niêm yết trên TTCK theo quy định, UBCKNNNN và Bộ Tài chính rà soát lại quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Theo Phó thủ tướng, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội 2016-2020 đều đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, tái cấu trúc thị trường tài chính, ngân hàng để tạo động lực phát triển mới.

Liên quan đến thị trường tài chính, Phó Thủ tướng chia sẻ, mục tiêu đặt ra là phải phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thúc TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, giảm áp lực vốn ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động dài hạn như hiện nay.

Báo cáo với Phó thủ tướng, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, so với năm 2011, chỉ số chứng khoán (VN-Index) đã tăng 65%, quy mô và cấu trúc thị trường ngày càng hoàn thiện. TTCK thu hút khoảng 1.000 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE, HNX và sàn UPCoM, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 35% GDP tính đến cuối năm 2015. Quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 24% GDP, tính chung vốn hóa toàn TTCK Việt Nam hiện khoảng 59% GDP.

5 năm qua, TTCK đã huy động được trên 1,2 triệu tỷ đồng vốn cho nền kinh tế, gấp 4 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh các con số, tính công khai, minh bạch, quản trị công ty được tăng cường theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế.

UBCKNN đã trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), các Sở GDCK đã ký kết hợp tác với nhiều Sở GDCK lớn trên thế giới. Quy mô huy động vốn ngoại vào TTCK Việt Nam, theo con số mới nhất Chủ tịch UBCKNN đưa ra là gần 15 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011.

Bên cạnh việc vận hành TTCK quy mô vốn hóa 59% GDP, Chủ tịch UBCKNN cũng chia sẻ về những nỗ lực cải tiến của ngành, được nhà đầu tư ghi nhận.

Cụ thể, thị trường Việt Nam đã giảm thời gian thanh toán từ T+3 xuống còn T+2, trong khi thông lệ thanh toán trên thị trường quốc tế hiện vẫn là T+3.

Một cải tiến rất lớn khác là quy định nới room, được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế cổ phần tại các DN không thuộc phạm vi phải hạn chế đầu tư. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBCKNN, thực tiễn triển khai Nghị định 60 phát sinh điểm vướng mắc liên quan đến tỷ lệ 51% vốn ngoại, quy định tại Luật Đầu tư.

Cụ thể, DN có sở hữu nước ngoài trên 51%, theo Luật Đầu tư, thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài. Về điểm này, UBCKNN đang dự thảo văn bản cấp Nghị định để trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ tháo gỡ vướng mắc. Chủ tịch UBCKNN hy vọng, đến năm 2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán mới, tạo nền tảng pháp lý rộng mở cho sự phát triển của TTCK, thị trường vốn Việt Nam.

Trên con đường đến mục tiêu 2020

Khởi đầu từ con số 0 vào năm 1996, khi UBCKNN chính thức được thành lập, sau gần 20 năm, TTCK Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế, không chỉ ở khía cạnh tạo nên một kênh huy động vốn, kênh đầu tư mới, mà còn ở nỗ lực khởi tạo văn hóa minh bạch, từ DN niêm yết, đến DN đại chúng và nay là DN nhà nước.

Cũng thông qua TTCK, hàng nghìn DNNN đã cổ phần hóa bằng cách đấu giá, đại chúng hóa sở hữu và đưa cổ phiếu bước lên sàn. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu Chiến lược đến 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, còn nhiều chỉ tiêu phải cố gắng mới có thể tạo nên một thị trường vững chắc và đủ sức hội nhập.

Năm mục tiêu định lượng được đưa ra trong Chiến lược phát triển TTCK 2020 do Thủ tướng ban hành gồm: tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 70% GDP; tái cấu trúc Sở GDCK theo hướng cả nước chỉ có 1 Sở và từng bước cổ phần hóa Sở GDCK; hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin cho TTCK để đi vào hoạt động trước năm 2015; xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai (năm 2015) với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, tiếp cận các thông lệ quốc tế; phát triển TTCK phái sinh từ đơn giản đến phức tạp.

Cùng với đó, nhiều mục tiêu quan trọng khác cũng được đặt ra cho TTCK đến năm 2020 như từng bước kết nối Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vào khu vực ASEAN; phát triển thị trường trái phiếu công ty; áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị công ty và xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nhỏ...

Nhìn vào những mục tiêu trên, có thể thấy, TTCK Việt Nam hiện nay mới đi được nửa chặng đường. Làm thế nào để đạt các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, hướng đến đích 2020 là chủ điểm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra trong cuộc làm việc với UBCKNN cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và nhiều chủ thể tham gia TTCK Việt Nam. Theo ông Vương Đình Huệ, điều mà Chính phủ cần là hiểu rõ hiện trạng và các giải pháp để giúp TTCK bật lên.

Về quy mô thị trường, ở mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 35% GDP, làm thế nào để đạt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020? Về gắn cổ phần hóa DNNN với việc đưa cổ phiếu của DN lên sàn, thực tế triển khai có vướng mắc gì, cần quy định pháp lý hay chế tài gì để đốc thúc các DN thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn, nghĩa vụ minh bạch?

Liên quan đến thị trường trái phiếu, Phó thủ tướng đặt câu hỏi, thị trường trái phiếu Việt Nam ghi danh mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (31%/năm), nhưng thực tế 80% vốn đầu tư trên thị trường này đến từ các ngân hàng thương mại. Làm thế nào để thị trường trái phiếu có nhiều nhà đầu tư mới, phát triển độc lập và vững vàng hơn?

Cũng câu chuyện về trái phiếu, theo Phó thủ tướng, ở nhiều nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất phát triển, sản phẩm trái phiếu thường được các DN khởi nghiệp phát hành như một cách để tìm vốn cho ý tưởng mới, vậy ở Việt Nam, bao giờ mới có thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Về vốn đầu tư gián tiếp, ở mức 15 tỷ USD vốn gián tiếp, nếu so với vốn ngoại vào Việt Nam qua kênh đầu tư trực tiếp, thì còn khá khiêm tốn, vậy làm thế nào để tăng sức hấp dẫn vốn ngoại vào TTCK, thị trường tài chính Việt Nam?...

Nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra trong cuộc làm việc với lãnh đạo ngành chứng khoán và các bộ ngành liên quan, để cùng tìm giải pháp, thúc đẩy TTCK trong giai đoạn tới theo hướng tăng trưởng bền vững.

Nếu 20 năm đầu, ngành chứng khoán đã xác lập hình hài và vị thế của TTCK Việt Nam, thì chặng đường 5 năm tới, còn rất nhiều việc phải làm, phải “chạy đua với thời gian” để thực hiện các mục tiêu rất cụ thể (xây dựng thị trường phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển sản phẩm mới, tăng quy mô, tăng chất lượng, nâng hạng và hội nhập…).

Phó thủ tướng đốc thúc và đặt niềm tin, TTCK sẽ sớm trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn, trở thành phong vũ biểu của nền kinh tế Việt Nam.