Chính sách tài chính giai đoạn hậu khủng hoảng

TS. Phạm Văn Hà Nhóm Tư vấn chính sách - Bộ Tài chính

TCTC online - Chính sách kích thích kinh tế trong năm 2009 nửa đầu năm 2010 đã thu được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2010 nền kinh tế vẫn còn đối mặt với những nguy cơ: nhu cầu trong nước đối với hàng nội địa tăng chậm, trong khi nhu cầu bên ngoài hạn chế; nhập siêu lớn; thị trường bất động sản, hối đoái vẫn còn diễn biến phức tạp; lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, trọng tâm chính sách tài chính cuối năm 2010 cần hướng tới là: hạn chế thâm hụt ngân sách; kiềm chế tăng giá; hạn chế nhập siêu; giám sát chặt các hệ số an toàn vốn và và ổn định thị trường tài chính…

Nhìn lại tác động của khủng hoảng tới kinh tế Việt Nam

Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính 2008-2009 bắt nguồn từ Mỹ đã nhanh chóng lan rộng khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và GDP thế giới đã sụt giảm 0,6% năm 2009 (IMF 2010). Kinh tế Việt Nam cũng hứng chịu những tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng, đặc biệt tại thời điểm đầu 2009.  Những tác động rõ rệt nhất của cuộc khủng hoảng có thể kể ra là:

Suy giảm tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quí I/2009 chỉ đạt 3,1%, một tốc độ thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây. Tăng trưởng sụt giảm thể hiện ở hầu hết tất cả các ngành kinh tế chủ lực, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện, nước, ga. Đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến đã có tốc độ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 2001.

Sụt giảm tổng cầu

Các số liệu thống kê cho thấy tiêu dùng cuối cùng và đầu tư bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ năm 2008 (so với năm 2007) và sụt giảm rất mạnh trong quí I/2009. Đầu tư nước ngoài giảm mạnh khiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 9% về danh nghĩa trong quí I/2009 - một tốc độ tăng trưởng âm nếu loại trừ yếu tố lạm phát.

Xuất nhập khẩu sụt giảm

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cho đến tháng 9/2009 đã sụt giảm 14% và kết thúc năm vẫn sụt giảm xấp xỉ 10%. Về nhập khẩu, quí I/2009, kim ngạch nhập khẩu giảm tới 45%. Với xấp xỉ 90% hàng hóa nhập khẩu là nguyên vật liệu và máy móc dùng trong sản xuất, hiện tượng xuất khẩu giảm là một cảnh báo rất rõ ràng về sự sụt giảm của sản xuất trong nước trong quí tiếp theo.

Thu hẹp tín dụng

Tác động tâm lý rất mạnh từ cuộc khủng hoảng cộng với sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn tới các ngân hàng. Trong quí I/2009, phản ứng chung của hệ thống ngân hàng là rất dè dặt cho vay. Nếu như tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng ở mức xấp xỉ năm 2008 thì vốn huy động vay cho vay nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng đều tăng trưởng khá thấp, đặc biệt là cho vay nền kinh tế chỉ tăng 2,7% trong quí I, chỉ đạt xấp xỉ 1/10 tốc độ tăng trưởng của cả năm 2008. Rõ ràng đây là những dấu hiệu đầu tiên của thu hẹp tín dụng, một hiện tượng đang làm điêu đứng nền kinh tế thế giới vào thời điểm đó.

Tâm lý thị trường bất ổn

Cuộc khủng hoảng nổ ra đã làm chỉ số VN-Index vốn đã giảm trước đó tiếp tục giảm thêm 50%,  xuống mức thấp nhất là 235 điểm vào cuối tháng 2. Tâm lý lo ngại cũng bao trùm các thị trường tài chính khác. Thị trường bất động sản tuy không giảm mạnh như thị trường chứng khoán nhưng giao dịch gần như đóng băng. Trong khi đó, thị trường ngoại tệ nhanh chóng trở nên căng thẳng khi cả ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn tích trữ USD. Tỷ giá giao dịch nhanh chóng kịch trần cho phép và mặc dù NHNN đã sử dụng các biện pháp như điều chỉnh tỷ giá (tháng 12/2009) và nới rộng biên độ giao dịch (tháng 3/2009) tỷ giá vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chính sách đối phó với khủng hoảng

Ý thức được tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành những chính sách kích thích kinh tế qui mô  lớn. Các chính sách được ban hành khá đồng bộ và có chú trọng sự phối hợp chính sách giữa các Bộ, ban, ngành.

Khuôn khổ chính sách của Chính phủ

Cuối năm 2008, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu lan rộng và tình hình kinh tế trong nước đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/2008/NQ-CP, đề ra các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, gồm: (i) Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu (đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ khai phá thị trường, hỗ trợ chi nghiên cứu, phát triển...); (ii) Kích cầu đầu tư và tiêu dùng (tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, ổn định giá cả đầu vào); (iii) Chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng; (iv) Bảo đảm an sinh xã hội.

Sang đến quí I/2009, khi các dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã trở nên rõ ràng, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành hai gói kích thích kinh tế qui mô lớn: Gói kích cầu đầu tiên trị giá khoảng 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất; Gói kích cầu thứ hai trị giá 8 tỷ USD, gồm các nội dung: tăng chi đầu tư; tăng chi an sinh xã hội, giảm thuế.

Bước sang năm 2010, nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục và tăng trưởng ngày càng vững chắc hơn, Chính phủ đã chủ động rút bớt các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời ban hành Nghị quyết 18/2010/NQ-CP điều chỉnh các ưu tiên chính sách phù hợp với tình hình mới: (i) Kiềm chế lạm phát; (ii) Thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; (iii) Bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; (iv) Bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; (v) Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; (vi) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền.

Chính sách tài chính

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, năm 2009 Bộ Tài chính đã nhanh chóng thực thi các giải pháp hỗ trợ kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ước tính ban đầu của Bộ Tài chính và Ủy ban kinh tế của Quốc hội, tổng cộng các giải pháp kích thích kinh tế thực hiện cả năm khoảng 100.600 tỷ đồng (UBKT-QH 2009), tập trung vào 3 trụ cột chính:

- Chương trình cắt giảm thuế:Bộ Tài chính đã nhanh chóng hướng dẫn thi hành các ưu đãi trong lĩnh vực thuế, phí và thủ tục: Giảm thuế VAT cho một loạt các mặt hàng; Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quí IV/2008 và cả năm 2009; Miễn trừ thuế thu nhập cá nhân trong nửa đầu năm 2009. Trên thực tế đã có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế. Tổng số thuế miễn, giảm, giãn khoảng 20.000 tỷ đồng (Bộ Tài chính 2009).

- Bổ sung vốn đầu tư phát triển: Theo ước tính của Bộ Tài chính (2009), các giải pháp bổ sung vốn đầu tư phát triển năm 2009 bao gồm: Ứng trước 31.393 tỷ đồng vốn ngân sách; Bổ sung vốn trái phiếu chính phủ 20 nghìn tỷ, đến hết năm đạt khoảng 65-70%; Chuyển vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2008 đạt 29.673 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo đối với 62 huyện nghèo (giao thông, thủy lợi, cây, con giống…); Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn; Hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển.

- Chi an sinh xã hội: Đã ứng chi để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên nhằm bảo đảm an sinh xã hội phát sinh ngoài dự toán khoảng 7.000 tỷ đồng (UBKT-QH 2010). Các giải pháp hỗ trợ tập trung vào các hộ nghèo, ngư dân, những người thất nghiệp.

Sang đến năm 2010, khi nền kinh tế đã có những bước hồi phụ tương đối rõ nét, chính sách của Bộ Tài chính tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế trong năm 2009 và kéo dài sang năm 2010. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng hết sức chú trọng các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Việc thực hiện các chính sách kích thích kinh tế của Bộ Tài chính còn thể hiện rất rõ trong cán cân ngân sách năm 2009 và 2010. Dưới tác động của gói kích thích kinh tế, thâm hụt ngân sách năm 2009 lên tới 6,9%/GDP. Mức thâm hụt ngân sách 6 tháng đầu năm 2010 cũng đã được kiềm chế ở mức 3,6%/GDP, phù hợp với những diễn biến phục hồi của nền kinh tế.

Phối hợp chính sách

Để kích thích kinh tế, đồng thời với chính sách tài chính, trong năm 2009, chính sách tiền tệ cũng đã rất nhanh chóng được nới lỏng với các giải pháp:

Chính sách hỗ trợ lãi suất: hỗ trợ 4% lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay trung và dài hạn cho các dự án mới, đầu tư cơ sở hạ tầng. Sang năm 2010 diện hỗ trợ lãi suất đã thu hẹp lại còn 5 nhóm ngành và mức hỗ trợ cũng chỉ còn 2%. Trong năm 2009 đã có trên 400 nghìn tỷ VND (22.9 tỷ USD) vốn vay được hưởng hỗ trợ lãi suất. Số tiền hỗ trợ lãi suất ước thực hiện cả năm 2009 khoảng 10.000 tỷ đồng (UBKT-QH 2009)

Hạ lãi suất cơ bản từ 14% tháng 12/2008 xuống còn 7% tháng 1/2009 và hiện nay là 8%.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ 5 xuống 3% đối với những khoản tín dụng dưới 12 tháng)

Một biện pháp cũng rất quan trọng trong bối cảnh tâm lý thị trường đang bất ổn là sự cam kết của Chính phủ trong việc giữ ổn định thị trường. Một loạt các biện pháp đồng bộ đã được đưa ra: NHNN cam kết không phá giá mạnh đồng Việt Nam và sử dụng dự trữ can thiệp vào thị trường. Trong khi đó, chính sách tài chính tập trung vào giữ ổn định giá cả các mặt hàng chiến lược. Tăng cường thanh tra kiểm soát ngăn giá tăng bất hợp lý. Chính sách nới lỏng khá kiên quyết và có phối hợp đồng bộ giữa NHNN và Bộ Tài chính đã góp phần làm ổn định thị trường, tạo tiền đề cho sự phục hồi khá nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Những kết quả đạt được

Kinh tế tăng trưởng vững chắc hơn theo từng quí

Tác động đầu tiên và rõ rệt nhất của các chính sách kích thích kinh tế thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng cao kể từ quí I/2009 (xem Bảng 1).

Bảng 1: Tăng trưởng GDP các ngành giai đoạn 2009-2010 (%).

 

2009

 

 

 

2010

 

Quí

I

II

III

IV

I

II

TỔNG SỐ

3,1

3,9

4,56

5,32

5,83

6,16

Nông lâm nghiệp và thuỷ sản

0,4

1,25

1,57

1,83

3,45

3,31

CN và xây dựng

1,5

3,48

4,48

5,52

5,65

6,5

- CN khai thác mỏ

4,5

7,3

8,17

7,62

0,52

-6,48

- CN chế biến

-0,3

1,09

1,96

2,76

5,85

7,64

- CN điện, ga, nước

2

5,25

7,07

9,02

10,4

11,94

- Xây dựng

6,9

8,74

9,73

11,36

7,13

9,89

Dịch vụ

5,4

5,5

5,91

6,63

6,64

7,05

  Nguồn: Báo cáo KTXH hàng tháng, TCTK.

 Nhìn vào cơ cấu ngành trong Bảng 2, ta có thể thấy động lực cho sự hồi phục tốc độ tăng trưởng chính là hai ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp điện, ga, nước. Trong khi đó, dù tốc độ hồi phục không cao, nhưng ngành dịch vụ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước và là nền tảng cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.

Khu vực xuất khẩu đang phục hồi

Sang năm 2010, đóng góp cho tăng trưởng của các ngành xuất khẩu (nông nghiệp, công nghiệp chế biến) đã phần nào hồi phục trở lại. 6 tháng đầu năm 2010, tổng cộng hai ngành này đóng góp khoảng 2,5% tăng trưởng GDP, cao hơn nhiều nếu so với mức 1% năm của 2009, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đóng góp tối thiểu 3,2% hàng năm của hai ngành này trong giai đoạn 2006-2008

Tiêu dùng và đầu tư tăng dần theo từng quí

Theo Tổng cục Thống kê (Anh Quân 2009), tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình giảm đến 9,3% trong quí I/2009 nhưng sang đến quí II, III, IV đã tăng trưởng lần lượt là 3,8; 8,4 và 9,3% để kết thúc năm, tiêu dùng cuối cùng của cá nhân vẫn tăng 3,68%.

Diễn biến đầu tư qua từng quí cũng thể hiện rất rõ nét chính sách kích cầu mạnh mẽ của Chính phủ. Tổng đầu tư xã hội đã tăng dần từ mức 37.4% trong quí I/2009 lên đến trên 45,6% trong 6 tháng đầu năm 2010. Điều quan trọng là đầu tư của khu vực Nhà nước đã tăng mạnh trong thời điểm nền kinh tế khó khăn trong năm 2009, là nền tảng căn bản để ổn định đầu tư xã hội giúp nền kinh tế thoát ra khỏi đáy của cuộc khủng hoảng và cuối cùng đã thu hút đầu tư tư các khu vực khác tăng trở lại, nhất là khu vực FDI.

Kinh tế đã thoát ra khỏi thời kỳ thu hẹp trong chu kỳ kinh tế

Những phân tích căn bản nhất về chu kỳ kinh tế cho thấy rất rõ điểm đáy của cuộc khủng hoảng là vào quí I/2009. Sau quí I/2009, nền kinh tế đã trải qua 4 quí liên tiếp tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, vượt tiêu chuẩn tối thiểu (Zang 2002) để khẳng định nền kinh tế chính thức bước ra khỏi giai đoạn thu hẹp của một chu kỳ kinh tế (giai đoạn được đánh dấu màu đen).

Những thách thức trong giai đoạn hiện nay

Dưới tác động của các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã chính thức ra khỏi thời kỳ thu hẹp và đang tăng trưởng ngày càng vững chắc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần lưu ý:

Thứ nhất, nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng sản xuất trong nước tăng trưởng chậm, trong khi nhu cầu bên ngoài khó tăng mạnh.  Số liệu thống kê cho thấy năm 2009, lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê (Anh Quân 2009), thành phần nhập khẩu trong GDP tăng khoảng 6,66% (cao hơn tốc độ tăng trưởng). Sở dĩ nhập khẩu tăng là do nhập khẩu về lượng tăng khi giá giảm nhanh hơn kim ngạch. Như vậy, rõ ràng ta có thể thấy là nhu cầu trong nước đối với hàng hóa sản xuất trong nước tăng trưởng thậm chí còn thấp hơn tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng. Nói một cách khác trong bối cảnh khủng hoảng người dân và doanh nghiệp vẫn ưa dùng hàng ngoại nhập hơn.

Thách thức thứ hai là vấn đề định hướng phát triển: đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất hàng xuất khẩu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Chúng ta vẫn phải phát triển hướng về xuất khẩu nếu chúng ta muốn tăng trưởng nhanh.

Thách thức thứ ba liên quan đến vấn đề nhập siêu. Kể từ năm 2007 khi chúng ta gia nhập WTO, nhập siêu đã tăng rất mạnh về qui mô. Xét về quan điểm dòng vốn, số liệu có được cho thấy các khoản kiều hối (chuyển giao) và FDI đã bù đắp được hoàn toàn khoản thâm hụt cán cân thương mại, có nghĩa là các khoản bù đắp khá bền vững. Tuy nhiên, nếu xét diễn biến năm 2009 thì nhập siêu đang lấn át sản xuất trong nước. Nếu thị hiếu của nhà sản xuất và tiêu dùng vẫn tiếp tục khuynh hướng sính dùng đồ ngoại thì tốc độ hồi phục kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do nhập siêu. Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù vẫn tăng nhưng gia tốc đang giảm dần. Tốc độ 6,5% có thể đạt được trong năm nay, những nếu chúng ta không giải được bài toán nhập siêu thì có vẻ như mục tiêu trở lại quĩ đạo tăng trưởng 7,5% sẽ rất khó khăn.

Thách thức thứ tư liên quan đến những diễn biến được dự báo là sẽ còn hết sức phức tạp trên thị trường tài chính. Đầu tiên là những cơn sốt nóng và đóng băng trên thị trường chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề đáng phải quan tâm hơn cả hiện nay là mức lãi suất thị trường vẫn còn rất cao, cả về giá trị tuyệt đối lẫn so với lạm phát. Hình 6 cho thấy mức thực dương của lãi suất (so với lạm phát) đang ngày càng lớn và đã lớn hơn đáng kể so với giai đoạn 2004-2008. Lãi suất cao sớm muộn cũng sẽ gây thoái lui đầu tư, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Một trong những dấu hiệu đầu tiên là tăng trưởng tín dụng cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng 7 tháng đầu năm 2010 đã thấp hơn tăng trưởng vốn huy động (12,97% so với 16,3%), lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Ngoài ra, thị trường ngoại tệ vẫn căng thẳng vẫn đang là một mối lo thường trực. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại đang rất lớn thì áp lực lên tỷ giá hối đoái không hề nhỏ.

Cuối cùng là thách thức về tính chất bất ổn của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu gần đây đã cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn còn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, mặt khác chúng ta cũng cần phải ý thức được nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước xung quanh, khi  nhiều nước trong vùng đang có những bước phát triển ngoạn mục về tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài chính giai đoạn tới

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần đi vào quí đạo hồi phục thì việc rút bớt các giải pháp kích thích về tài chính cần phải được tính đến. Trong giai đoạn cuối năm 2010, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như sau:

Về chính sách tài chính

Phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu và tiết kiệm chi để hạn chế thâm hụt ngân sách. Điều này ngoài việc hạn chế gánh nặng nợ còn tạo tâm lý tốt cho thị trường.

Vốn kích cầu năm nay nên hướng về các ngành xuất khẩu, dưới hình thức: xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt các công trình có thể đưa vào sử dụng nhanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thu hẹp và không nên kéo dài các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp, như bù lãi suất, miễn giảm thuế…

Tiếp tục chú trọng vấn đề an sinh xã hội.

Tạm thời chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược nhằm ổn định mặt bằng giá chung tạo lập mặt bằng lạm phát thấp

Cần có những chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ xuất khẩu hạn chế nhập siêu: chi hỗ trợ xâm nhập thị trường; đơn giản hóa thủ tục thông quan xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt hàng rào thuế quan trong khuôn khổ cam kết WTO nhằm hạn chế những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ

Tiếp tục cải cách khu vực DNNN. Cuộc khủng hoảng đã và đang làm bộc lộ những yếu kém trong khu vực DNNN. Cần phải tận dụng cơ hội nay để cải cách vì sự ủng hộ cải cách trong lúc này sẽ cao.

Tăng cường tính minh bạch cho thị trường tài chính, cụ thể: cần sớm hoàn thiện thị trường bất động sản chính thức thông qua hệ thống các sàn giao dịch có quản lý; tăng cường thông tin trên thị trường chứng khoán, đảm bảo sự bình đẳng về thông tin giữa các nhà đầu tư…

Tăng cường giám sát tài chính

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động thì hơn bao giờ hết phải tăng cường các giải pháp giám sát tài chính:

Giám sát chặt chẽ các hoạt động trên thị trường tài chính, đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính, quản lý chặt chẽ các công cụ tài chính mới hình thành, rơi vào vùng chồng lấn trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng

Cán cân thanh toán trong những năm qua có những biến động rất lớn, cần phải giám sát chặt chẽ hơn luồng vốn ra vào chủ động ứng phó

Giám sát chặt chẽ thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) hạn chế tình trạng bong bóng giá, đồng thời giám sát chặt chẽ vấn đề cho vay đầu tư bất động sản và chứng khoán

Giám sát chặt chẽ vấn đề giá cả, lãi suất, hạn chế vấn đề tăng giá trục lợi, góp phần ổn định mức giá cả chung

Các giải pháp chính sách tiền tệ phối hợp

Chính sách tiền tệ giai đoạn cuối năm cần phải phối hợp với chính sách tài chính chú trọng tính ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cụ thể:

Cần đảm bảo ổn định, an toàn tài chính trong hệ thống ngân hàng. Quan trọng nhất là phải giám sát chặt chẽ các hệ số an toàn tài chính.

Tiếp tục điều chỉnh tỷ giá theo hướng thị trường, tiến tới thu hẹp biên độ giao dịch, điều chỉnh bằng tỷ giá trung tâm.

Áp dụng một nhóm các biện pháp nhằm hạ lãi suất trong nền kinh tế (giữ ổn định giá cả nhằm hạ tỷ lệ lạm phát, áp dụng các biện pháp thị trường mở, áp dụng các biện pháp hành chính nếu có hiện tượng cấu kết nâng lãi suất hoặc chạy đua lãi suất). Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, phối hợp với NHNN nhằm mục tiêu hạ lãi suất chung.

Gia tăng nhu cầu đối với hàng nội địa

Khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp thì các nước đều chú trọng vấn đề thị trường trong nước. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh nhập siêu đang ở mức cao và tốc độ tăng trưởng đang có phần chững lại thì chính sách chuyển mạch chi tiêu hay đơn giản là chính sách người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam là rất phù hợp. Chính sách này sẽ đồng thời giải quyết hai vấn đề mất cân đối trong nền kinh tế hiện nay, đó là: nhanh chóng giảm nhập siêu (mất cân bằng ngoại) đồng thời gia tăng nhu cầu đối với sản xuất trong nước, đưa mức sản lượng gần với sản lượng tiềm năng (hạn chế mất cân bằng nội). Một điểm lợi nữa của chính sách chuyển mạch chi tiêu trong lúc này là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng vẫn đang thấp, ta có thể gia tăng nhu cầu đối với hàng sản xuất nội địa mà không gây lạm phát, một điều không thể làm được nếu nền kinh tế đã tăng trưởng quá nóng.

Hiện nay Việt Nam xuất khẩu 80% GDP nhưng cũng nhập hơn 90% GDP, rõ ràng là có điều kiện để tăng cường tiêu thụ hàng nội địa trong nước. Do nhận thức rõ về vấn đề này nên chúng ta đã có cuộc vận động người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để thay đổi được hành vi của người sản xuất và tiêu dùng thì vận động thôi có lẽ là chưa đủ mà chúng ta cần phải có một chương trình toàn diện, bao gồm:

Chính sách thuế cần phải được điều chỉnh để hỗ trợ sản xuất trong nước trong khuôn khổ được phép theo cam kết WTO. Hỗ trợ đào tạo dạy nghề, nghiên cứu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước.

Về chính sách tỷ giá, không nên để đồng Việt Nam lên giá quá mạnh. Một khi hàng ngoại giá rẻ thì rất khó để người tiêu dùng có thể tiêu dùng hàng nội.

Tuyên truyền đề cao lòng yêu nước, qua đó thay đổi nhận thức tiêu dùng, đầu tư.

Bảo vệ người tiêu dùng, nhãn mác và quản lý chất lượng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tóm lại, trọng tâm chính sách tài chính cuối năm 2010 cần hướng tới là: Hạn chế thâm hụt ngân sách; Kiềm chế tăng giá; Hạn chế nhập siêu; Giám sát chặt các hệ số an toàn vốn và và ổn định thị trường tài chính; Chính sách tiền tệ cần và đặt trọng tâm vào an toàn hệ thống, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và hạ lãi suất. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay cần chú ý đến các giải pháp khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam


Tài liệu tham khảo

  1. Anh Quân. Đằng sau con số tăng trưởng GDP năm nay.Trực tuyến tại: http://vneconomy.vn/PrintPage.aspx?NewsID=20091231041418269, 2009
  2. Asian Development Bank (ADB). “Key indicators for asia and the pacific 2009”, Online at: www.adb.org/statistics, 2009.
  3. Bộ Tài chính, 2010, “Số liệu công khai ngân sách”, Trực tuyến tại: http://www.mof.gov.vn/Default.aspx? tabid=87, ngày truy cập: 17/1/2010.
  4. Bộ Tài chính. Báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN; triển khai các giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội năm 2009; nhiệm vụ tài chính – ngân sách và giải pháp thực hiện trong năm 2010. Tài liệu phục vụ Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành Tài chính, Hà nội, ngày 30/11/2009, 2009
  5. Cổng thông tin Ngân Hàng Bán Lẻ, Trực tuyến tại: http://www.laisuat.vn/, 2010.
  6. Giang Oanh. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư 3,43 tỷ USD, Trực tuyến tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Can-can-thanh-toan-quoc-te-thang-du-343-ty-USD/20107/33406.vgp.
  7. Mét vuông. Chỉ số giá thị trường bất động sản. Trực tuyến tại: http://www.metvuong.com/, 2009
  8. NHNN. Thông báo tỷ giá. Trực tuyến tại: http://www.sbv.gov.vn/vn/CdeQLNH/tygia.jsp, 2010
  9. Thùy dương. 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách tăng 21,6%, Trực tuyến tại: http://www.vietnamplus.vn/Home/6-thang-dau-nam-tong-thu-ngan-sach-tang-216/20107/51370.vnplus, 2010
  10. Tổng cục Thống kê, 2010, “Niên giám thống kê tóm tắt 2009”, Nhà xuất bản Thống kê.
  11. Tổng cục Thống kê. Báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng. Trực tuyến tại: http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217, 2009
  12. UỶ BAN KINH TẾ QUỐC HỘI. Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, 2009.
  13. VIETCOMBANK. Tỷ giá ngoại tệ. Trực tuyến tại: http://www.vietcombank.com.vn/ExchangeRates/, 2010
  14. WB. Điểm lại – Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, BÁO CÁO CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI  Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Rạch giá, 9-10/6/2010
  15. Zhang, W.  Zhuang, J., 2002, “Leading indicators of business cycles in Malaysia and the Philippines”, Asian Development Bank, Working Paper No 32.