Chính sách tiền tệ: Nhanh nhạy trước các biến động

N. Ánh

Chính sách tiền tệ trong những năm vừa qua được nhận định đã góp phần không nhỏ vào ổn định kinh tế vĩ mô. Sự linh hoạt trong điều hành chính sách đã mang lại nhiều thành công cho chính sách tiền tệ của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Chính sách tiền tệ trong những năm vừa qua được nhận định đã góp phần không nhỏ vào ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet
Chính sách tiền tệ trong những năm vừa qua được nhận định đã góp phần không nhỏ vào ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet

Giai đoạn 2010-2015 đầy thành công

Trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn. Đặc biệt, năm 2015, tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ và kỳ vọng FED tăng lãi suất đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ bên ngoài, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và khu vực tài chính nói riêng.

Chia sẻ tại Hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 - 2015 và những tác động đối với nền kinh tế”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã về đích 3% với những cách thức linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh của thị trường Việt Nam mà không sử dụng nguồn ngân sách và đang có bước đi tạo ra thị trường mua - bán nợ.Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng hơn 458 nghìn tỉ đồng nợ xấu, trong đó có khoảng 58% xử lý bằng dự phòng rủi ro và thu hồi nợ của các ngân hàng và 42% được xử lý qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Hiện nay, lãi suất đã nhanh chóng hạ nhiệt và hỗ trợ tích cực cho khu vực sản xuất. Lãi suất năm 2011 từ 20 - 25%/năm đến nay giảm xuống vào khoảng 6-9%/năm trong cho vay ngắn hạn; lãi suất trung và dài hạn giảm còn 9-11%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Thực hiện chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý dứt điểm 11 ngân hàng thương mại yếu kém bằng các biện pháp mạnh, trong đó có 3 ngân hàng mua lại với giá 0 đồng, xử lý khoảng 10 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động yếu kém trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, tránh để xảy ra tình trạng đổ vỡ dây chuyền đến hệ thống. Đến nay, không chỉ các ngân hàng yếu kém mà kể cả các ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng đã tiến hành tái cấu trúc và hiện đại hóa. Công cuộc tái cấu trúc này đã tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua đã góp phần làm sáng hơn bức tranh kinh tế vĩ mô của cả nước. Nếu như năm 2011 GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì đến năm 2015, GDP đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp, trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên.

Điều hành linh hoạt trong tình hình mới

Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều chuyên gia dự báo rằng câu chuyện tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục được quan tâm trong năm 2016 khi dòng vốn dịch chuyển đa dạng và phức tạp. Lường trước những diễn biến bất lợi có thể xảy ra, ngành ngân hàng sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt với phương châm hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát; Điều hành công cụ kết hợp giữa tỉ giá và lãi suất theo hướng nắm giữ VND; Tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả… Bên cạnh đó, điều hành chính sách cần đi đôi với thanh tra giám sát nhằm đảm bảo cho thị trường kỉ luật hơn, hiệu quả hơn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính, hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu và 1 Ngân hàng Trung ương hiện đại và độc lập hơn. Theo ông, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng hơn cũng là để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính.

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đánh giá quá trình tái cấu trúc để điểm mặt ngân hàng thương mại có khả năng vượt trội cho phép nới room cá biệt để kêu gọi vốn nhà đầu tư quốc tế, nâng tầm 1 - 2 ngân hàng thương mại đạt trình độ khu vực vào năm 2020.

Bàn về vấn đề nợ xấu, nhiều chuyên gia cho dự báo, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra các chính sách sửa đổi hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lưu động hóa các tài sản đảm bảo tại VAMC trong thời gian tới, cùng với triển vọng tích cực từ thị trường bất động sản sẽ góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình lưu động hóa tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cần một nghị quyết đặc biệt hoặc pháp lệnh của Quốc hội để tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong xử lý nợ xấu để mở đường cho thị trường mua bán nợ phát triển.