Chờ cơ hội sau Tết Nguyên đán?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trước Tết Nguyên đán luôn là thời kỳ cao điểm của nhu cầu tiền đồng, nhưng sau Tết, những khoản tiền đồng dư thừa có thể được quay lại sàn chứng khoán. Khi dòng tiền đã quay lại dồi dào hơn thì khả năng tăng điểm của thị trường là rất cao.

Kết quả kinh doanh quý IV/2018 đã không còn là chất xúc tác lôi kéo nhà đầu tư. Nguồn: Internet
Kết quả kinh doanh quý IV/2018 đã không còn là chất xúc tác lôi kéo nhà đầu tư. Nguồn: Internet

Tính đến thời điểm hiện tại, trong những phiên giao dịch của tuần cuối cùng năm Mậu Tuất, thị trường chứng khoán (TTCK) có thể được xem là tích cực nếu chỉ nhìn vào chỉ số Vn-Index bên cạnh những thông tin tích cực từ thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, TTCK Việt Nam không còn ảnh hưởng từ thị trường quốc tế bởi tính đặc thù riêng về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Không thể nhìn vào quá khứ

Trong nhiều năm qua, cơ hội tăng của TTCK thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là khá cao với chỉ số Vn-Index tăng trung bình 2,23% trước Tết và tăng 1,32% sau Tết.

Tại tuần cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, chỉ số Vn-Index đã tăng hơn 80 điểm, tuần sau Tết tăng hơn 40 điểm. Trước đó, tuần trước nghỉ tết Đinh Dậu 2017, chỉ số Vn-Index cũng tăng hơn 11 điểm.

Thế nhưng, tuần giao dịch trước kỳ nghỉ tết năm nay lại khá "ảm đạm" với thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thị trường còn giao dịch trong sắc đỏ trong suốt thời gian đầu tháng 1.

Tuần giao dịch gần đây nhất (21-25/1) diễn ra khá giằng co trong biên độ hẹp 900 – 910 điểm. Dòng tiền suy yếu, cũng như tâm lý nghỉ Tết cận kề khiến thị trường trở nên kém sôi động. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số Vn-Index dừng tại 908,88 điểm, tăng 0,73% so với tuần trước đó.

Giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE đạt 2.023 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 3,4% so với tuần trước nhưng đây là mức chấp nhận được khi Tết đang đến gần bởi sự chưa vào cuộc của các dòng tiền lớn.

Diễn biến "u ám" này của Vn-Index diễn ra trong bối cảnh TTCK quốc tế có đà phục hồi tốt. Cụ thể, chỉ số Vn-Index chỉ tăng từ đầu tháng 1 tới nay nhưng chỉ số S&P 500 (Mỹ) đã tăng 6,3%.

Kể từ đáy gần nhất, S&P 500 cũng đã tăng 13,6%, Vn-Index mới tăng 3,6%. Do đó, rất khó có thể nhìn vào quá khứ để ước đoán hiện tại của thị trường.

Hơn nữa, dù quy luật của thị trường là tăng điểm sau Tết nhưng vẫn có sự lạc nhịp như chỉ số Vn-Index năm 2019 đã giảm 7,12% trong tuần giao dịch sau Tết; năm 2013 giảm 3,31%…

Kết quả kinh doanh quý IV/2018 đã không còn là chất xúc tác lôi kéo nhà đầu tư, cho thấy không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng đang giảm giao dịch đáng kể và có xu hướng đứng ngoài thị trường.

Điểm sáng duy nhất tính tới hiện tại là kịch bản tích cực của thị trường quốc tế dù không khiến chứng khoán Việt bùng nổ nhưng cũng đã hạn chế được tâm lý lo lắng, nhà đầu tư cũng đã chịu đựng được những khoản lỗ trong năm 2018 thì sự sợ hãi, áp lực cắt lỗ có thể được hạn chế.

Trái ngược với tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, giới phân tích vẫn cho rằng Vn-Index sẽ có triển vọng sáng sau Tết Kỷ Hợi ngay trước mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay.

Nhận định chung từ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán (CTCK) là thị trường đang được định giá ở mức hấp dẫn sau khi Vn-Index đã giảm giá 25% từ mức đỉnh đạt được trong tháng 4/2018, chỉ số P/E bình quân thị trường đang đạt khoảng 11 lần.

Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, Tổng Giám đốc VinaCapital, định giá hấp dẫn nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp vẫn tăng trưởng.

thi-truong-chung-khoan-sau-tet-5034-9407

Tâm lý hứng khởi sau Tết Nguyên đán có thể khiến thị trường tăng điểm nhưng vẫn có thể có sự lạc nhịp

Sự lạc quan của chuyên gia

Trong bản tin mới đây, CTCK VPBank (VPBS) nhận xét, sự quan tâm của các dòng tiền lớn hiện tại không nằm ở kết quả kinh doanh quý IV/2018 nữa mà đang thiên về những câu chuyện triển vọng của năm 2019.

Bên cạnh những nhóm midcap có thể hưởng lợi từ nhu cầu nội địa tăng trưởng hay tăng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại thì chuyển động hút ròng mạnh vốn của quỹ ETF nội trong thời gian gần đây sẽ mở ra cơ hội ở các mã trong rổ VN30 về trung hạn.

Trong khi đó, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng dấu hiệu "tạo đáy" của hai chỉ số vẫn đang được củng cố, chỉ số Vn- Index hiện đang giao dịch tích lũy trên mức trung bình 20 ngày (một mức hỗ trợ khá tin cậy cho một xu hướng tăng). Đồng thời tín hiệu phân kỳ giá lên (giá giảm dần, chỉ báo động lượng tăng dần) vẫn đang hiện hữu, tích cực.

Ngoài ra, yếu tố chiết khấu tương lai cũng như kỳ vọng luôn đi trước hiện thực, do đó thị trường vẫn có cơ hội tăng trưởng nếu có chất xúc tác mới đủ mạnh.

Nếu xét đến bối cảnh thị trường hiện tại, nhiều khả năng thị trường sẽ duy trì được đà tăng điểm khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, bởi giao dịch khối ngoại hiện đang sôi động, một nhân tố quan trọng trong việc quyết định xu hướng tăng điểm của thị trường.

Hơn nữa, đầu xuân năm mới cũng là khoảng thời gian tươi vui khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên hưng phấn hơn. Bên cạnh đó là những nhận định tích cực về triển vọng nền kinh tế cũng như mục tiêu kinh doanh, quyết tâm của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo một chuyên gia chứng khoán, hiện tại, chỉ số Vn-Index đang giữ vững được mốc hơn 900 điểm, dẫu có tin xấu trong thời gian tới thì việc P/E của thị trường hiện đã hấp dẫn, nếu có giảm điểm thì càng khiến thị trường trở nên rẻ sẽ khiến dòng tiền chảy vào nhiều hơn.

Cũng theo VPBS, nhiều cổ phiếu đã có thể mua khi xét định giá P/E 2018 và càng rẻ hơn khi định giá P/E theo kế hoạch 2019.

Dù có cái nhìn lạc quan về thị trường sau Tết nhưng các nhà phân tích vẫn đưa ra các khuyến nghị bởi rủi ro luôn rình rập. Theo CTCK KIS Việt Nam, nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc giảm dần tỷ trọng danh mục trong trường hợp tín hiệu xấu xuất hiện.