Cho phép "mua đứt" ngân hàng yếu?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho rằng để thu hút các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, Chính phủ nên cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng lên 49%. Đối với các ngân hàng yếu trong hệ thống, cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 100%.

Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng sẽ khuyến khích đầu tư lớn của khối ngoại. Nguồn: internet
Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng sẽ khuyến khích đầu tư lớn của khối ngoại. Nguồn: internet

Theo ông Dominic Scriven, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chịu sức ép lớn về nợ xấu, đòi hỏi một lượng tiền lớn để tái cấu trúc. Theo ước tính sơ bộ của Nhóm Công tác thị trường vốn, giả sử tỷ lệ nợ xấu là 8,6%, thì hệ thống ngân hàng cần thêm một khoản tiền tương đương 121.000 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD), để đem hệ số an toàn vốn tối thiểu về mức hiện tại là 13,8%.

"Vòng xoáy" nợ xấu

Ông Dominic dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến ngày 31/7/2013, tổng vốn vay toàn hệ thống là 3.256.000 tỷ đồng, vốn tự có là 443.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 4,6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 13,8%.

Nếu Thông tư 02/2013 của NHNN về phân loại nợ xấu áp dụng ngay (hiện được hoãn thời gian thực hiện đến quý III/2014), tỷ lệ nợ xấu báo cáo có thể tăng cao. Cuối năm 2012, Thống đốc NHNN đề cập đến con số 8,6% nợ xấu, trong khi tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới Fitch ước tính gấp 3 - 4 lần con số chính thức 4,6% của NHNN.

Thực tế, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn và thị trường bất động sản ảm đạm, bảng cân đối của các ngân hàng được nhắc tới với nhiều lo lắng khi phân loại nợ chưa theo kịp chuẩn mức quốc tế, dẫn đến khó tính toán chính xác con số nợ xấu hiện nay.

"Nếu theo chuẩn quốc tế, nợ xấu sẽ còn cao hơn và việc Nhà nước còn nắm nhiều cổ phần trong ngân hàng cũng gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của khu vực này", ông Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng WB, nhận định.

Bên cạnh đó, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa mới đi vào hoạt động phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ việc mua nợ xấu. "Việc dùng VAMC là hợp lý, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý hết nợ xấu và điều này chắc chắn sẽ làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng một khoản thời gian dài. Chưa kể đến rủi ro nếu kinh tế không kịp phục hồi thì VAMC sẽ rất khó khăn trong tương lai với những khoản nợ xấu không thể bán được", ông Dominic nhận định.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng, cho biết tốc độ nợ xấu 9 tháng đã chậm lại so với cùng kỳ 2012. Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng chiếm khoảng trên 142.000 tỷ đồng, tương ứng chiếm khoảng 4,62% tổng dư nợ. Tốc độ tăng nợ xấu bình quân đầu 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng của năm 2012. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Tính đến cuối tháng 9/2013, số dư dự phòng rủi ro là 77.400 tỷ đồng, tăng 21,6% so với thời điểm cuối năm 2012. Tổng số nợ xấu đã được xử lý đạt hơn 101.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc còn cho biết ngành ngân hàng đang chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 02 vào tháng 6/2014. "Để các tổ chức tín dụng (TCTD) có đủ điều kiện thực hiện Thông tư 02, vừa rồi, NHNN đã có Chỉ thị 04, yêu cầu các TCTD báo cáo phương án triển khai khi Thông tư 02 có hiệu lực", Phó Thống đốc cho biết.

Riêng với giải pháp xử lý nợ xấu bằng VAMC, tính tới ngày 21/11, công ty đã mua được 18.398 tỷ đồng nợ xấu với giá mua là 14.398 tỷ đồng, dự kiến sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ngân hàng yếu sẽ "rộng cửa hơn"

Với nỗi lo nợ xấu và nhiều yếu kém của hệ thống ngân hàng trong nước, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ và NHNN cần phải tăng cường công khai minh bạch thông tin, trong đó có nợ xấu, tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, phải cho phép tư nhân tham gia sở hữu nhiều hơn trong các ngân hàng.

"Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng sẽ khuyến khích đầu tư lớn của khối ngoại, đặc biệt là những định chế tài chính quốc tế. Các tổ chức tài chính quốc tế này với kinh nghiệm và nguồn lực của họ (về con người, về quy trình quản trị rủi ro, về phát triển sản phẩm, về tiếp cận thị trường vốn quốc tế) sẽ là nhân tố phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam", ông Dominic phân tích.

Ông Dominic dẫn dụ rằng kinh nghiệm của các nước châu Á đã trải qua giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đều cho thấy hệ thống ngân hàng phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa với sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại. Tại Hàn Quốc, giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức 26% vào tháng 11/1997 tăng lên 55% vào tháng 12 cùng năm, ngay tâm điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và lên 100% 5 tháng sau đó. Tại Indonesia, tỷ lệ sở hữu ngân hàng của NĐT nước ngoài được tăng lên 99% từ 85% tháng 3/1999. Kết quả là hệ thống ngân hàng của các nước này mạnh lên rất nhiều.

Ông Dominic còn chỉ ra yếu điểm của ngân hàng Việt Nam, đó là hiện có nhiều ngân hàng với quy mô tương đối nhỏ và mô hình hoạt động không khác biệt nhau. "Số ngân hàng nội địa hiện nay của Việt Nam là 40, cộng thêm 59 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho nền kinh tế có GDP 116 tỷ USD (2012) và dân số 90 triệu người. Trong khi đó, số ngân hàng ở Thái Lan chỉ là 14 ngân hàng thương mại địa phương, GDP là 366 tỷ USD với dân số 68 triệu người", ông Dominic so sánh.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng. "Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một NĐT ngoại tối đa 20% là mức ưu đãi hơn so với các NĐT trong nước (tối đa chỉ 15%). Ngoài ra, NHNN đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69, cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng yếu kém cao hơn mức thông thường tùy theo quyết định của Thủ tướng", ông Hưng cho biết.