Cho vay tiêu dùng: “Mảnh đất” đầy tiềm năng

H.Trang

Cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mang lại nhiều lợi ích

Cho vay tiêu dùng là một hình thức rất phổ biến trên thế giới với nhiềuhình thức khác nhau. Đây là hoạt động cung cấp các khoản vay bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, cho vay tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp khó tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng, giúp họ tiếp cận nhanh chóng nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, cho vay tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu vay đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thứ, từ đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Ngoài ra, cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện nhiều các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính với rất nhiều dịch vụ đa dạng. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với thời điểm 31/12/2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá sẽ còn phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức hơn nữa và hứa hẹn là thị trường giàu tiềm năng và hiệu quả nếu được khai thác đúng hướng. Việt Nam với điều kiện là quốc gia có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, cộng thêm nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định là những yếu tố làm tăng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng để cải thiện cuộc sống. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Định hướng phát triển

Để thúc đẩy sự phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết cần có một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động này theo hướng đảm bảo sự hài hòa giữa bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng. Theo đó, nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng; đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, cần có sự giám sát thị trường này một cách chặt chẽ, đưa ra các chế tài đối với các bên trong khuôn khổ pháp luật để tránh bị lạm dụng và không tạo ra những hệ lụy. Minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là lãi suất, cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và bất công trong việc tính toán lãi vay.

Cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng phải chú trọng tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Các tổ chức tín dụng cần tư vấn kỹ lưỡng cho người vay tiêu dùng cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ để đảm bảo sự thống nhất và quyền lợi cho hai bên.

Ngoài ra, bản thân người đi vay cũng phải là những người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn loại hình dịch vụ cho vay tiêu dùng. Đặc biệt là cần tìm hiểu đầy đủ thông tin và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chọn lựa những loại hình cho vay tiêu dùng chính thống, nhằm tự bảo vệ quyền lợi của mình.