Chông chênh với cổ phiếu “mã hồi“

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều cổ phiếu đã quay trở lại sàn chứng khoán và gây chú ý với các nhà đầu tư, sau thời gian bị hủy niêm yết vì nhiều lý do, thua lỗ. Tuy nhiên, với những tồn đọng trong quá khứ, không hẹn thời gian được giải quyết, liệu sự “hồi sinh” ở hiện tại có đáng tin?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gây ồn ào trước khi quay trở lại sàn chứng khoán, các doanh nghiệp như Bông Bạch Tuyết (mã: BBT), hay CTCP Thực phẩm quốc tế (Interfood – mã IFS) – với thương hiệu trà bí đao Wonderfarm – đều phát đi tín hiệu “mã hồi” nhiều kỳ vọng.

Quay trở lại sàn chứng khoán hồi tháng 6/2018, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 2.300 đồng/cp. Ngay sau khi lên sàn, BBT đã có 13 phiên tăng trần liên tiếp, nâng thị giá cổ phiếu lên 16.560 đồng (phiên 29/6).

Trở lại và… tăng trần

Mặc dù đã có nhiều phiên điều chỉnh sau đó, hiện tại cổ phiếu BBT vẫn đang giao dịch tại mức giá 16.500 đồng/cp, tăng gần 7,2 lần so với giá tham chiếu. Thanh khoản cũng không có nhiều đột biến nhưng luôn duy trì tại mức ổn định, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt 31.664 đơn vị.

Trước đó, cổ phiếu BBT đã niêm yết trên HoSE từ tháng 3/2004, đến năm 2009, cổ phiếu này buộc phải hủy niêm yết do không đáp ứng được điều kiện kinh doanh có lãi theo quy định.

Cũng từng là một cổ phiếu bị hủy niêm yết do kinh doanh lỗ vượt vốn điều lệ, cổ phiếu IFS của Interfood cũng quay trở lại sàn chứng khoán hồi tháng 11/2016, với giá 3.000 đồng/cp.

Rất nhanh sau đó, IFS liên tiếp tăng giá, vượt qua mốc mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, do biến động của thị trường, IFS cũng có nhiều phiên điều chỉnh tính tới phiên giao dịch ngày 24/7 còn 9.000 đồng/cp.

Trong những phiên giao dịch gần đây, IFS bỗng gây chú ý khi tăng 33,3%, lên 12.000 đồng/ cp chỉ trong 4 phiên giao dịch. Đà tăng này được lý giải là đến từ thông tin IFS tăng đột biến trong nửa đầu năm 2018.

Không bị hủy niêm yết bắt buộc như hai cái tên nói trên, nhưng cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Minh Phú (vua tôm Minh Phú) lại xin hủy niêm yết tự nguyện vào tháng 3/2015 (với mức giá đóng cửa 122.000 đồng/cp) để tìm đối tác chiến lược.

Sau hai năm, cổ phiếu MPC vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược và “bất đắc dĩ” phải quay trở lại sàn chứng khoán (theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi tháng 10/2017) với giá tham chiếu là 79.000 đồng/cp trên sàn UPCoM.

Sau hơn nửa năm giao dịch, đã có lúc thị giá cổ phiếu MPC chinh phục được mức giá bình quân 101.900 đồng/cp vào đầu năm 2018. Sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, MPC đang giao dịch tại mức giá điều chỉnh 36.100 đồng/cp (phiên 30/7) và chuẩn bị chuyển sàng sang HoSE.

Hiện tại, tình hình kinh doanh có vẻ đã tươi sáng hơn, nhưng Bông Bạch Tuyết vẫn chưa thể xóa hết lỗ lũy kế trước đó. Tính đến thời điểm quay lại sàn chứng khoán, BBT vẫn còn lỗ lũy kế gần 62 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của Bông Bạch Tuyết đạt xấp xỉ 16 tỷ đồng.

Vị thế của BBT trên thị trường ngành bông y tế cũng đã giảm nhiều so với thời kỳ hoàng kim chỉ còn khoảng 20 – 30% thị phần.

Chông chênh niềm tin

Trong một diễn biến gần đây, do không đủ khả năng trả nợ, Bông Bạch Tuyết bị phát mãi tài sản với giá khởi điểm 86,21 tỷ đồng, là toàn bộ quyền sở hữu công trình, nhà xưởng trên đất tại lô B52- 53-54/I đường 2E, KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 25/7 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Bông Bạch Tuyết đã tổ chức bất thành, do cổ đông lớn là Dệt may Gia Định (nắm 30% vốn điều lệ) không tham dự. Điều này có thể thấy những tranh chấp nội bộ trong quá khứ vẫn còn hiện hữu.

Mà chính những tranh chấp này là nguyên nhân lớn khiến BBT phải dừng hoạt động kinh doanh và bị hủy niêm yết bắt buộc trước đó.

Đồng thời, trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017 của Bông Bạch Tuyết, kiểm toán thông báo vẫn chưa được cung cấp các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một số khoản công nợ.

Sau gần một thập kỷ “đắm chìm” trong thua lỗ, Interfoods đã dần “hồi sinh” trong hơn hai năm trở lại đây. Theo kết quả kinh doanh mới nhất, 6 tháng đầu năm 2018, Interfood đạt 112 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 97% cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch cả năm được thông qua.

Nguyên nhân gây ra thua lỗ của IFS trong khoảng thời gian trước đó đến từ sự xuất hiện của Kirin Holdings Singapore Pte. Limited (Kirin) – công ty mẹ nắm 95,66% vốn của IFS.

Thực tế, doanh thu của Interfood trong giai đoạn này liên tục tăng, biên lãi gộp không hề kém so với các doanh nghiệp đồ uống trong ngành, duy trì ở mức trên 20%.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng cao đột biến đã “ngốn” hết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư thời điểm đó đặt câu hỏi liệu có hay không IFS đang chuyển giá.

Báo cáo của Euromonitor cho biết Interfood đang nắm giữ khoảng 3,5% thị phần nước giải khát tại Việt Nam, bị bỏ lại khá xa so với các doanh nghiệp đầu ngành như PepsiCo, Coca-cola hay Tân Hiệp Phát.

Trong nhiều năm trở lại đây, không ít các doanh nghiệp “vang bóng một thời” đã quay trở lại sàn chứng khoán để tìm lại “ánh hào quang” như Kem Thủy Tạ, Giầy Thượng Đình…

Kịch bản quen thuộc là quay lại một cách rầm rộ, thị giá cổ phiếu tăng giá liên tiếp, công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Việc bị hủy niêm yết bắt buộc như BBT, IFS hay “bỗng dưng” muốn hủy niêm yết như MPC đều để lại những “vết đen” trong tâm lý các cổ đông.

Những tồn tại trong quá khứ và tương lai kinh doanh trong dài hạn với thị phần sụt giảm đã khiến các nhà đầu tư không muốn “mạo hiểm”. Sự “hồi sinh” của một vài cổ phiếu trong thời gian qua có thể chỉ là “thời điểm”.