Chống nhập siêu: Khó đạt mục tiêu

Theo SGTT

Bốn tháng gần đây, Việt Nam đã nhập siêu 6,7 tỉ USD trong khi từ đầu năm đến nay con số này là 8,8 tỉ USD. Điều này cho thấy tình hình thực sự đáng lo ngại.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xuất, nhập khẩu năm 2009 được nêu trong nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ ngày 8.6.2009, ngành công thương có trách nhiệm đảm bảo sao cho tỷ lệ nhập siêu không được quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cho đến hết tháng 10 thì khả năng không thực hiện được yêu cầu này đã quá rõ ràng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 10.2009, tổng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 46,3 tỉ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2008 còn nhập khẩu, tuy giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng đã đạt 55,1 tỉ USD. Như vậy là nhập siêu tới 8,8 tỉ USD, tương đương 19% kim ngạch xuất khẩu.

Theo đánh giá của chính bộ Công thương, có khả năng hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao là tăng 3%, thậm chí còn có thể giảm 10%. Mặc dù có vài dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống nhưng trong hai tháng tới, giá trị xuất khẩu khó tăng mạnh do lượng đơn hàng, số lượng hàng hoá sản xuất để xuất khẩu không còn nhiều, giá cả tại các thị trường chưa hồi phục đáng kể... Theo tính toán của một chuyên gia ngành công thương, trong hai tháng tới, nếu tận dụng hết các nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu, kể cả cho xuất khẩu khoáng sản thô thì kim ngạch xuất khẩu một tháng tối đa cũng chỉ đạt khoảng 5 tỉ USD. Cho nên, không hy vọng gì việc đẩy mạnh xuất khẩu có thể giúp làm giảm nhập siêu.

Đáng lo ngại hơn là kim ngạch nhập khẩu đang tăng nhanh do sự gia tăng về khối lượng nhiều mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng như: ôtô, điện thoại di động, hàng rau quả, hàng hoá phục vụ tết… Riêng trong tháng 10, nhập siêu đã lên tới 1,9 tỉ USD, tăng tới 15% so với cùng kỳ năm 2008. Đáng lưu ý là chỉ trong bốn tháng gần đây, con số nhập siêu là 6,7 tỉ USD. Nó cho thấy tình hình thực sự đáng lo ngại.

Một nguồn tin từ bộ Công thương cho biết, lãnh đạo bộ này đã tỏ ra rất lo lắng vì nhập siêu cả năm có khả năng vọt lên con số 11 – 12 tỉ USD và như vậy, bộ này lại tiếp tục không làm tròn nhiệm vụ như chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, nhập siêu tăng vào thời điểm này càng làm gia tăng sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán và gây sức ép lên tỷ giá hối đoái.

Do đó, trong mấy tuần gần đây, Bộ Công thương đã cùng lúc tiến hành nhiều biện pháp để cố gắng chống gia tăng nhập siêu. Mới đây, bộ này đã có buổi họp khẩn với đại diện các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư để đề nghị thực hiện một loạt biện pháp như: yêu cầu kiểm tra trước khi thông quan đối với ôtô mới nhập khẩu nguyên chiếc từ 15 chỗ ngồi trở xuống, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu tuyệt đối áp dụng đối với một số loại xe ôtô cũ dưới chín chỗ ngồi; không cho phép đưa hàng tiêu dùng (trong đó có ôtô chín chỗ ngồi trở xuống) vào gửi kho ngoại quan, kể cả các kho tại cảng biển, cửa khẩu, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ này còn đề nghị các bộ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giá tính thuế nhập khẩu đối với tất cả các hàng tiêu dùng, tương tự như biện pháp kiểm soát giá tính thuế đối với ôtô nguyên chiếc nhập khẩu.

Song song đó, Bộ Công thương còn có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị áp dụng các biện pháp cụ thể như đề nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hạn chế cho vay tiêu dùng, hạn chế khả năng mua ngoại tệ để nhập khẩu ôtô cũ dưới chín chỗ ngồi, điện thoại di động và một số hàng hoá tiêu dùng khác… Bộ Công thương cũng đề nghị với bộ Khoa học và công nghệ triển khai các quy định về chứng nhận hợp chuẩn, kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường… Bản thân bộ Công thương cũng mới ra thông tư quy định về hàm lượng chất formaldehyde trong quần áo, vải vóc nhập khẩu…

Nhưng cho dù tích cực đến đâu đi nữa và dù có nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành khác, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20% theo yêu cầu của Chính phủ là rất khó đạt được. Một khó khăn mới nảy sinh là, dưới sức ép của thị trường, ngày 12.11 thống đốc ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu vàng. Nếu vàng được nhập về nhiều, khả năng nhập siêu trong tháng 11 lại tăng vọt.

Nguyên nhân căn bản dẫn đến nhập siêu lớn không phải là ở nhóm hàng hoá tiêu dùng (chỉ vài tỉ USD/năm) mà thực chất ở cơ cấu sản xuất trong nước, cơ cấu hàng nhập khẩu… vốn rất bất hợp lý lâu nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Lấy ví dụ như nhóm mặt hàng cơ khí, giá trị nhập khẩu các mặt hàng này (trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được) đã tăng quá nhanh, bất hợp lý trong mấy năm gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, năm 2006, giá trị nhập khẩu hàng cơ khí mới ở mức 9,6 tỉ USD (tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp/nhập khẩu là 58,23%) nhưng năm 2007 đã lên tới con số 14,78 tỉ USD, năm 2008 lên tới 18,96 tỉ USD và 10 tháng đầu năm nay đạt 13,49 tỉ USD. Nếu có thể đẩy mạnh sản xuất cơ khí trong nước thay thế được khoảng 50% hàng nhập khẩu hiện nay thì nhập siêu đã được đẩy lùi.

Một vấn đề lớn khác nữa là thiếu giải pháp hiệu quả để giảm nhập siêu quá lớn từ một số thị trường không phải là thị trường công nghệ nguồn, đặc biệt là Trung Quốc và các nước ASEAN. Do đó, những biện pháp mà Bộ Công thương đang vội vã triển khai để hạn chế nhập khẩu chỉ là các biện pháp tình thế trước mắt, ít có hiệu quả. Những giải pháp chiến lược, dài hơi cho vấn đề nhập siêu đến nay vẫn chưa thấy.