Chú trọng chất lượng tín dụng

Theo Duy Minh/baocongthuong.com.vn

Chất lượng tín dụng tiếp tục là vấn đề được Chính phủ và các chuyên gia tài chính khuyến cáo tới Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm 2018. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Chất lượng tín dụng tiếp tục là vấn đề được Chính phủ và các chuyên gia tài chính khuyến cáo tới Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: Internet
Chất lượng tín dụng tiếp tục là vấn đề được Chính phủ và các chuyên gia tài chính khuyến cáo tới Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: Internet

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4/2018, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%, tương đương với mức cùng kỳ năm 2017. Con số tăng trưởng đang đi đúng mục tiêu điều hành của NHNN. Đặc biệt, mức tăng đều qua các tháng kể từ đầu năm đến nay chứ không tập trung vào một vài tháng cụ thể hay vào dịp cuối năm. 

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã đưa ra con số cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp có sự chuyển biến đáng kể, tăng 22,1% (cuối năm 2017 là 19,7%), trong khi tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,5% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay các ngành nghề khác ổn định. Hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn đang đi đúng mục tiêu của NHNN là tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. 

Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian gần đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã đưa ra khuyến cáo rằng, vẫn cần quan tâm đến chất lượng tín dụng trong thời gian tới, đảm bảo vốn đi vào sản xuất, kinh doanh thực chất hơn. Đặc biệt, đối với các khoản vay tín dụng tiêu dùng, ở nhiều ngân hàng con số cho vay tăng đáng kể mà tập trung lớn vẫn là cho vay mua, sửa chữa nhà ở…, một cách "lách" khác của tăng tín dụng cho bất động sản.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2017 tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tăng cao, khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 12,3%). Trong đó, chủ yếu là cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở, chiếm 52,9% (năm 2016 là 49,5%). Và trên thực tế, con số này trong những tháng đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu suy giảm, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản liên tục có những cơn sốt về giá.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu - cho rằng, điều cần quan tâm nhất là củng cố lại chất lượng tín dụng, đảm bảo dòng vốn đi vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, mang lại giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế.

Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết, giải pháp chính sách tiền tệ trọng tâm từ nay đến cuối năm vẫn sẽ được tập trung theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận xét, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá nhanh trong vòng 5 năm qua với mức bình quân khoảng 16%, trong khi mức tăng vốn chủ sở hữu không tương ứng, chỉ ở mức 9-10%, khiến cho hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại khó đáp ứng được chuẩn Basel II. Đây cũng là khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế đối với câu chuyện tăng trưởng tín dụng cao ở Việt Nam, và kiểm soát chất lượng tín dụng là điều cần thiết. 

TS. Phan Minh Ngọc - chuyên gia kinh tế nhận định - tăng trưởng tiền tệ chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy NHNN đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 16-17%, nhưng để bù lại, tốc độ tăng trưởng tiền tệ cần thận trọng hơn và tập trung vào chất lượng tăng trưởng.