Cổ phiếu sản xuất “lên ngôi”


Những ngày cuối năm 2012, chỉ số VN - Index vẫn loanh quanh dưới mốc 400 điểm, thanh khoản thị trường khá thấp, thể hiện xu hướng thận trọng của giới đầu tư. Đa số các nhà đầu tư (NĐT) đều có tâm lý chờ đợi những thông tin vĩ mô dự kiến sẽ “sáng” hơn khi sang năm 2013. Tuy nhiên, có những cổ phiếu hễ bên sở hữu “đánh tiếng” muốn bán là lập tức thu hút sự xếp hàng tranh mua của không ít tổ chức nội, ngoại. Đơn giản bởi không chỉ doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn làm ăn rất tốt, triển vọng phát triển khả quan mà “room” sở hữu của các tổ chức từ lâu đã kín, nhất là với các NĐT nước ngoài. Tại những cổ phiếu này, lượng trôi nổi bên ngoài còn rất ít, trong khi tiềm năng sinh lời được dự báo vẫn lớn, bất chấp các biến động bất lợi ngắn hạn của thị trường.

Tiêu biểu nhất trong số các cổ phiếu được mệnh danh “vàng ròng” hay “hàng hiệu” là VNM - cổ phiếu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Theo một công bố của Tập đoàn VinaCapital gần đây, khi Quỹ VOF - thành viên của VinaCapital thực hiện “chốt lãi” 500.000 cổ phiếu VNM để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ngay lập tức một tổ chức đầu tư khác đăng ký mua với mức giá 155.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn 24% so với thị giá của VNM đang giao dịch cùng thời điểm trên thị trường. Bởi vậy, trong một báo cáo của VinaCapital, quỹ này đã đưa ra nhận định: "Dù lượng bán ra chỉ đại diện khá nhỏ cho số lượng cổ phiếu VNM mà VinaCapital đang nắm giữ, nhưng cho thấy các nhà đầu tư đang rất mong muốn nắm giữ các cổ phiếu chất lượng cao".  

Được biết, so với mức giá VNM thực hiện IPO năm 2003 hay bán thêm cổ phần cho các  NĐT năm 2005, thời điểm này nếu bán ra chốt lời cổ phiếu, VNM vẫn có lời gấp gần 6 lần. Với mức giá hiện tại so với giá đáy đầu năm 2009, khi thị trường chứng khoán Việt Nam xuống tới mốc 235 điểm, VNM vẫn tăng gấp 7 lần. Thậm chí thị giá của VNM hiện tại còn cao hơn gấp đôi so với thời điểm VN - Index đạt đỉnh trên 1.100 điểm, cho thấy đây là cổ phiếu không bị đám đông chi phối mà tăng trưởng dựa trên những giá trị nội tại bền vững. Nếu như 2003, VNM có lợi nhuận trước thuế là 822 tỷ đồng thì cuối năm 2011, con số này đã tăng gấp 6 lần, đạt gần 5.000 tỷ đồng và doanh thu cũng đã cán mốc 1 tỷ USD, sớm hơn kế hoạch tự đề ra 1 năm. 9 tháng đầu năm 2012, EPS mỗi cổ phiếu VNM đạt 7.500 đồng và năm 2012, lợi nhuận sau thuế dự kiến có thể đạt tương đương vốn điều lệ.

Thực tế cho thấy một số cổ phiếu tốt khác vẫn cho lợi nhuận khá nếu lựa chọn đầu tư dài hạn và thoái vốn vào thời điểm này. Phần lớn các tổ chức, cá nhân gửi vốn vào cổ phiếu của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Đầu tư cơ sở hạ tầng (CII), Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) - những cổ phiếu của các DN có thế mạnh về sản xuất vẫn có lãi khá. Hay trên sàn Hà Nội, cổ phiếu NTP của Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong vẫn có thị giá cao gấp 3 lần thời điểm “đáy” năm 2009… Như vậy, trong lúc cổ phiếu không ít những ngành “nóng”, từng được giới đầu cơ ưa chuộng, bị giảm sâu bởi cạn dòng tiền và chịu sự tác động của kết quả kinh doanh yếu kém như ngành bất động sản, ngân hàng, tài chính thì những cổ phiếu sản xuất vẫn lên ngôi. Hệ quả trên cho thấy nếu chọn đúng các loại cổ phiếu hàng đầu của những ngành sản xuất đang niêm yết trên sàn, NĐT vẫn có thể thu lời, bất chấp thị trường khó khăn.

“Bước chân” vào doanh nghiệp

Thực tế cho thấy sự thành công vang dội tại những cổ phiếu tăng trưởng nói trên hầu hết thuộc về các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Bởi không nói tới NĐT nhỏ lẻ, những tổ chức đầu tư không chuyên cũng rất khó chờ đợi khi tâm lý “lướt sóng” ngắn hạn vẫn “ám” trong đầu không ít NĐT Việt Nam.

Sự thành công của những NĐT nước ngoài tại VNM, FPT, MSN, DHG, REE đều là một quá trình bền bỉ tham gia từ vai trò cổ đông lớn đến việc tiến sâu vào bộ máy điều hành DN, góp phần nâng chất quản trị DN hoặc ít nhất cũng tăng vai trò giám sát. Đây là chiến lược đầu tư cốt lõi được các quỹ gọi là “bước chân” vào DN, vốn không dành cho những “tay mơ”.

Tại những DN niêm yết nói trên, các các quỹ thành viên của VinaCapital hay Dragon Capital những năm qua đã thực sự mang một luồng sinh khí mới vào hoạt động điều hành, quản trị. Dragon Capital được coi là quỹ nước ngoài tiên phong đồng hành với DN niêm yết bằng cách này khi bỏ vốn lớn vào REE từ cách đây cả chục năm. Sau giai đoạn đồng hành gian khó cùng đối tác  với tư cách thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), có sự góp sức của các quỹ ngoại chuyên nghiệp, REE từ DN khiêm tốn đã liên tục vợt khó, khẳng định tầm vóc mới. Hiện nay REE đã mang dáng dấp một mô hình "holding" với 3 chân kiềng chiến lược: cơ điện - bất động sản - đầu tư chiến lược vào hạ tầng điện, nước.

Tại VNM, FPT, REE, MSN… trước đây và hiện nay các NĐT nước ngoài đều có chân trong hội đồng quản trị HĐQT), tham gia sâu vào tư vấn quản lý, điều hành, góp ý quyết liệt cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Mới đây, tại FPT, các Quỹ Red River và Orchild đều cử đại diện tham gia HĐQT, nhằm bước một chân vào DN để có tiếng nói. Thực tế cho thấy không phải thương vụ nào, cách tiếp cận đầu tư truyền thống và chắc chắn này cũng thành công, tuy nhiên giá trị của những thương vụ vượt thời gian đều đã khẳng định đây là con đường đúng đắn.

Hiện nay, trên TTCK Việt Nam, một loạt công ty đầu ngành có giới hạn sở hữu nước ngoài luôn ở mức tối đa. Nếu có nhà đầu tư khác bán ra thì ngay lập tức có nhà đầu tư nước ngoài khác mua vào lấp kín "room". Với tiềm lực tài chính to lớn, khối ngoại vẫn đang cần mẫn mua gom khi cổ phiếu tốt bị NĐT nhỏ lẻ bán "sale off". Và để tái cơ cấu danh mục đầu tư, không ít NĐT vẫn chọn thời điểm này để chốt lãi. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư dài hạn đang thắng thế và dù “chứng” khó, nếu chọn đúng cổ phiếu, vẫn có thể hái “vàng ròng”.

Theo Tài chính & Đầu tư số 11-2012

“Chứng” khó, vẫn có… “vàng ròng!”

Hải Vân

(Tài chính) Dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn từ ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, nhưng một số khoản đầu tư dài hạn trên sàn vẫn đem lại lợi nhuận khả quan. Điều này cho thấy nếu chọn đúng “hàng hiệu”, vẫn có thể chiến thắng.

Xem thêm

Video nổi bật