Chứng khoán đón vốn ngoại

Theo tuoitre.vn

Mặc dù hơn một tuần trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi mua vào mạnh mẽ trước đó.

 Chứng khoán đón vốn ngoại
Chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến của vốn ngoại. Nguồn: Internet
Thế nhưng các chuyên gia lại cho rằng dù giảm nhiệt nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của vốn ngoại.

Điều này được thể hiện rõ qua động thái mua ròng trong năm tháng đầu năm nay, với tổng số vốn mua ròng trên cả sàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 5.892 tỉ đồng.

Yếu tố bên ngoài

Thực tế diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán trong một số phiên giao dịch gần đây cho thấy nhà đầu tư nước ngoài lại đang bán ròng trên cả hai sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cụ thể ngày 14/6, giá trị bán ròng của khối ngoại khoảng 150 tỉ đồng. Còn trong tuần qua, sàn TP. Hồ Chí Minh bị bán ròng tới 4/5 phiên giao dịch. Riêng phiên giao dịch ngày 11/4, mua ròng của khối ngoại khoảng 400 tỉ đồng, chủ yếu là giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu VIC của Vingroup.

"Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội ở thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó các biện pháp tháo gỡ khó khăn bắt đầu được thực thi, tiền cũng sẽ được bung ra. Lúc này, cơ hội trên thị trường sẽ lớn hơn"

Ông Huỳnh Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SJC)

Ông Lê Chí Phúc, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư SGI, cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong một số phiên vừa qua không phải do những nguyên nhân xuất phát từ thị trường Việt Nam mà từ yếu tố bên ngoài. Đó là dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ. Lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng sẽ hút dòng vốn đầu tư, vì thế tiền vào cổ phiếu sẽ giảm. Không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng mà hầu hết các thị trường mới đều bị tác động. Tuy nhiên, nếu so với các thị trường khác, thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động nhẹ hơn.

Trước đó, trong một số phiên giao dịch đầu tháng 6, động thái bán ra của khối ngoại được các công ty chứng khoán lý giải là do các quỹ đầu tư ETF (đầu tư theo chỉ số) cơ cấu lại danh mục. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJC, động thái bán của các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tháng 6 chỉ là cơ cấu lại danh mục đầu tư. Bởi nếu nhìn xuyên suốt từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến của vốn ngoại. Mới đây, một quỹ đầu tư nước ngoài công bố đã rút vốn khỏi Thái Lan và đầu tư 40 triệu euro vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay.

Cao nhất qua 5 năm

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 5/2013 cơ quan này đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 82 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 28 nhà đầu tư tổ chức. Tính đến hết tháng 5/2013, đã có 16.320 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài được cấp, trong đó có 2.082 nhà đầu tư tổ chức.

Và chỉ riêng trong tháng 5/2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 17,94 triệu cổ phiếu trên sàn TP. Hồ Chí Minh và 3,39 triệu cổ phiếu trên sàn Hà Nội. Tổng giá trị lên tới 1.355 tỉ đồng, còn nếu tính cả năm tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng 233 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn, giá trị lên đến 5.892 tỉ đồng, là mức cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây.

Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt tính toán trong tháng 5/2013, các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất gồm VIC của Vingroup, MSN của Công ty cổ phần tập đoàn Masan, GAS của Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam, HPG của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát, cổ phiếu KDC của Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô...

Cụ thể đến đầu tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 22,11 triệu cổ phiếu HPG, 10,55 triệu cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ (DPM), 5,67 triệu cổ phiếu của Masan Group, 13,45 triệu cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB), 9,27 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVF)...

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, khối ngoại có xu hướng lựa chọn những cổ phiếu lớn thuộc nhóm blue-chips, đứng đầu các ngành hàng như: ngành năng lượng là GAS; hàng tiêu dùng là MSN, KDC; tài chính ngân hàng là MBB, STB; bất động sản là VIC; bảo hiểm là BVH (Tập đoàn Bảo Việt)...

Chờ nới room

Đầu năm nay, trong nhóm tám giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Bộ Tài chính, giải pháp nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được đặt ra. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết đang được Bộ Tài chính soạn thảo kế hoạch và sẽ trình lên Chính phủ xem xét vào thời gian tới.

TS. Lê Anh Tuấn, giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital, cho rằng mặc dù trong các tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút một lượng lớn vốn ngoại nhưng hiện nay nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mang tính dài hạn vẫn đứng ngoài thị trường. Điều này có nguyên nhân do giới hạn về tỉ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Tuấn cho rằng: “Nếu giải pháp nới room ngoại được thực hiện, tôi tin tưởng rằng thị trường sẽ hút thêm được nhiều vốn ngoại hơn. Các quỹ đầu tư dài hạn sẽ thật sự tham gia thị trường Việt Nam, hoặc tăng tỉ lệ sở hữu ở những doanh nghiệp họ đang nắm giữ”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng các nhà đầu tư chiến lược, quỹ đầu tư đều đang chờ đợi Chính phủ nới room. Nhà nước chỉ muốn bán những ngân hàng yếu kém, họ sẽ vẫn mua nhưng mua theo tiêu chí của ngân hàng yếu kém. Cái họ còn kỳ vọng là room ở những ngân hàng khác cũng sẽ được nâng lên, thay vì giới hạn một cổ đông nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 15% như hiện nay.

Nhìn thấy đáy

Ông Lê Chí Phúc, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư SGI, cho biết bên cạnh các yếu tố tiềm năng cơ bản, thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi giá cổ phiếu thời gian qua ở mức thấp. Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thời điểm kinh tế xuống đáy là lúc có nhiều cơ hội để kiếm lời nhất. “Thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi là điểm đến của dòng tiền trong thời gian qua và Việt Nam được hưởng lợi từ xu thế này. Từ đầu năm đến nay, tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Họ đều có nhận định tốt về dài hạn ở Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư đã chuyển dòng vốn từ một số nước khác sang trong khu vực và chuyển vào Việt Nam” - ông Phúc cho biết.