Chứng khoán: Đột phá để tăng trưởng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) đang phát đi tín hiệu tăng trưởng tích cực, sôi động hơn so với những lĩnh vực khác. Qua đó thúc đẩy các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nhanh chóng cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước, tạo tiền đề thị trường vốn phát triển mạnh mẽ.

Chứng khoán: Đột phá để tăng trưởng
Thị trường chứng khoán đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc tái trúc các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (QLQ) và hoàn thiện các quy định quản lý về thị trường đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Theo đó, các CTCK đã khắc phục tình trạng mất an toàn tài chính, nâng cao hoạt động cung cấp dịch vụ bảo đảm các điều kiện về hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro…

Thành công bước đầu về tái cấu trúc

Sau thời gian tái cấu trúc, UBCKNN đã có 9 CTCK và 6 công ty QLQ rút lui khỏi thị trường bằng cách sáp nhập, giải thể hay phá sản. Số còn sẽ tiếp tục khuyến khích hợp nhất, quyết liệt tái cấu trúc theo hướng thận trọng, có trật tự và lộ trình phù hợp, theo nguyên tắc thị trường.

Tất cả được UBCKNN giám sát chặt chẽ nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Theo UBCKNN, để thu hút nguồn vốn vào thị trường, cần nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, cổ phần hóa những DN lớn để hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT). Một số điều kiện, tiêu chuẩn đặt ra cho các DN mới niêm yết được nâng cao hơn để sàng lọc DN kém chất lượng lên sàn.

Hiện cơ cấu NĐT đã có nhiều thay đổi, khi các quỹ đóng chuyển đổi thành quỹ mở vẫn duy trì hoạt động đầu tư trên thị trường và hoạt động minh bạch hơn. Đến nay, có 9 quỹ mở được cấp phép thành lập, đưa tổng số quỹ đại chúng chiếm hơn 50% số lượng quỹ đang hoạt động.

Hiện số lượng tài khoản NĐT đạt gần 1,3 triệu, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2012. Tính đến cuối tháng 12, có khoảng hơn 16.711 NĐT nước ngoài tham gia TTCK.

Trong năm 2014, UBCKNN tiếp tục tái cấu trúc, hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2014. Còn Trung tâm Lưu ký (VSD) hoàn chỉnh hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL), đầu tư hệ thống hạ tầng giao dịch chứng chỉ quỹ ETF để dự kiến đưa vào hoạt động, tạo tiền đề phát triển TTCK phái sinh.

TTCK đã có những chuyển biến tích cực với nhiều hoạt động từ tái cơ cấu, cộng hưởng với sự ổn định của nền kinh tế, các DN làm ăn có lãi, tích cực mở rộng, phát triển thị trường. Hiện NĐT có niềm tin hơn vào các chính sách vĩ mô, thị trường, cũng như các giải pháp tái cấu trúc TTCK. Việc thực hiện các biện pháp tái cấu trúc TTCK, góp phần thúc đẩy TTCK minh bạch hơn, để DN dễ dàng huy động vốn tốt, đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư, vượt qua khó khăn trước mắt.

Tại hội thảo về tăng cường giám sát hệ thống tài chính, UBCKNN cho biết tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu TTCK, đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm...

Sau khi tái cơ cấu TTCK ổn định sẽ xây dựng các biện pháp phát triển, thúc đẩy thị trường đi lên. Một khi tái cơ cấu TTCK thành công sẽ tạo nền tảng, động lực tái cơ cấu hệ thống tài chính, bảo hiểm, ngân hàng... để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Trở thành thị trường vốn lớn

UBCKNN kiến nghị cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa DN lớn, nhằm bổ sung hàng hóa chất lượng cao cho TTCK, cũng như tăng quy mô thị trường. Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước, đưa các ngân hàng lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Qua đó, tạo sức hút mới đối và NĐT nước ngoài, mở rộng các loại hình quỹ đầu tư, nhằm tăng tính minh bạch và chính xác về thông tin tài chính cho công chúng đầu tư.

Để thu hút thêm NĐT, cũng như tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về quản trị rủi ro, bảo toàn lợi nhuận cho NĐT, UBCKNN cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh và Đề án Tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh trong năm tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cần tập trung tái cơ cấu TTCK để tạo nền tảng phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ. "Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào thị trường vốn. Vì vậy, việc đẩy mạnh TTCK và đổi mới hoạt động của những ngành nghề có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK, góp phần đưa thị trường này trở thành kênh quan trọng và có ý nghĩa chiến lược trong huy động vốn trung và dài hạn cho DN", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK đang có những bước đột phá mới để trở thành trung tâm của thị trường vốn góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ mới.