Chứng khoán khởi sắc nhờ kỳ vọng M&A

Theo Nam Minh/thoibaonganhang.vn

Không giống như quy luật, tháng 5 năm nay lại là thời gian mà thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tin tốt lành...

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết một dòng Twitter trên trang cá nhân, trong đó đề cập đến Việt Nam như một đối thủ tiềm năng thay thế cho Trung Quốc trong thu hút dòng vốn đầu tư thế giới, thì ở trong nước, hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn bất ngờ xuất hiện, tạo sự hưng phấn cho thị trường.

Sôi động những thương vụ tỷ USD

Gây chú ý nhất có lẽ là thương vụ đầu tư hơn 1 tỷ USD của Tập đoàn SK Investment (Hàn Quốc) vào Tập đoàn Vingroup. Theo đó, 154,3 triệu cổ phiếu sẽ được Vingroup phát hành thêm cho đối tác và 51,4 triệu cổ phiếu sẽ được SK Investment mua lại từ các nhà đầu tư thứ cấp. Nhờ thông tin này, nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup như: VIC, VHM, VRE đồng loạt tăng giá trong khoảng 1,2%- 1,4%, đồng thời giúp chỉ số VN-Index tiến lên cột mốc 975 điểm.

Tác động của thương vụ M&A được các chuyên gia đánh giá là khá tích cực. Lý do là bên cạnh bất động sản, Vingroup đang thực hiện một cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu chuyển đổi thành một tập đoàn công nghiệp - công nghệ hàng đầu của đất nước. Trong đó mô hình các Chaebol hùng mạnh của Hàn Quốc là mục tiêu mà Vingroup có thể tham khảo học hỏi.

“Chúng tôi tin rằng với bề dày kinh nghiệm của SK với vai trò là người dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của mình, nền tảng quản trị vững chắc và những thành tựu về công nghệ, SK sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá giúp Vingroup đạt được những tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ”, ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup chia sẻ.

Gây chú ý không kém là thương vụ thâu tóm toàn bộ 100% sứ Thiên Thanh của người khổng lồ đang lao đao Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF). Dự kiến TTF sẽ phát hành thêm 96,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi lượng cổ phiếu hiện hữu của sứ Thiên Thanh theo tỷ lệ 8,21: 1. Sau phát hành, công ty sẽ tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích của việc sáp nhập giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ và tránh nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Dù vậy không nhiều chuyên gia cho rằng thương vụ M&A lần này sẽ là chiếc phao cứu sinh cho TTF. Nguyên do cả hai thực thể này đều không phải là đối tượng đủ mạnh để hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi TTF tiếp tục vật lộn với bài toán tái cấu trúc tài chính, giảm lỗ thì Sứ Thiên Thanh chỉ là một thương hiệu khá khiêm tốn trên thị trường. Lợi nhuận ròng của Sứ Thiên Thanh năm nay dự kiến chỉ tầm khoảng 12,8 tỷ đồng.

Lặng lẽ hơn, bất động sản Phát Đạt công bố thương vụ hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments (Nhật) có giá trị 22,5 triệu USD. Nhưng hiệu quả của thương vụ M&A lần này sẽ cần thời gian để chứng minh, do trong quá khứ, Phát Đạt từng hợp tác với một số đối tác Nhật Bản nhưng kết quả kinh doanh tại một số dự án lớn không như mong muốn như River City. Bản thân Phát Đạt cũng đang trong quá trình làm mới mình, trong đó rao bán khá nhiều tài sản đắt giá. Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I/2019 của Phát Đạt lên tới 7.130 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản.

Dù sao, thay vì bị động chờ đợi, việc gia tăng các công cụ M&A cũng là liều thuốc kích thích, mang lại cảm giác tươi mới cho các DN. Một số trường hợp như TTF sẽ có cơ hội mở rộng hơn nữa ngành hàng kinh doanh, mà từ đó có thể phần nào giải quyết được khó khăn hiện có.

Cơ hội đón nhận dòng vốn mới

Trong bối cảnh những quan ngại đang nổi lên xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến hồi khốc liệt, việc Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược dĩ nhiên là tín hiệu tích cực.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Các công ty Hàn Quốc đang là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất rót vốn vào thị trường này. Các DN Thụy Sĩ nên chú ý đến sự chuyển dịch đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Switzerland Global Enterprise của Thụy Sĩ nhận định.

Cú hích cho thị trường tài chính và cơ hội huy động vốn cho các DN trong nước còn đến từ động thái nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm mới đây của hãng Fitch Ratings. Hãng này đánh giá cao những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đó là thặng dư cán cân vãng lai được duy trì qua nhiều năm đã tăng cường đáng kể các mức đệm đối ngoại, giúp nền kinh tế giảm được tác động không mong muốn của các cú sốc từ môi trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì trong nhiều năm, trong khi đó, lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp hợp lý là một trong những lý do quan trọng giúp Fitch nâng triển vọng cho Việt Nam.

Động thái điều chỉnh của các quỹ đầu tư ETF thế giới đồng thời mang tới cơ hội mới cho thị trường tài chính. Mới đây, MSCI đã chính thức nâng hạng Argentina lên nhóm các thị trường mới nổi (Emerging Markets). Điều này đồng nghĩa, tỷ trọng các DN Việt Nam trong hai rổ chỉ số là MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ được tăng lên để lấp đầy khoảng trống mà Argentina để lại. Theo ước tính của VNDirect, sẽ có khoảng 66 triệu USD sẽ được các quỹ trên phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam một khi Argentina nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Nắm lấy thời cơ dòng vốn đang quay trở lại, trong các tháng tới, nhiều DN đã lên kế hoạch huy động vốn thông qua hai kênh chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu. Đơn cử như TPBank dự kiến sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu cho các đối tác trong và ngoài nước, đồng thời phát hành 200 triệu USD trái phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Singapore.

Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng vốn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, Công ty cổ phần Điện Gia Lai - thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công - đang tổ chức roadshow huy động 300 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu đợt này có kỳ hạn 2 năm, lãi suất lên đến 11,5%/năm và được dùng để tài trợ cho các dự án điện mặt trời.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục với 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng này có được một phần cũng nhờ dòng vốn góp vào mua cổ phần DN đạt tới 7,14 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký.