Chứng khoán phái sinh: Không thể nóng vội!

ThS. TRẦN Thị VÂN HUYỀN

(Tài chính) Một nghị định về tổ chức và giao dịch chứng khoán phái sinh đang được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính hoàn tất, để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá phức tạp nên cần những bước đi bài bản, vững chắc.

Chứng khoán phái sinh: Không thể nóng vội!
Dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh là văn bản pháp lý hết sức quan trọng và cần thiết, đánh dấu bước phát triển mới của TTCK Việt Nam. Nguồn: internet

Xây dựng khung pháp lý

Sau hơn 13 năm phát triển, đã đến lúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cần cho ra đời những sản phẩm và công cụ mới, nhằm tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đây là cơ sở để UBCKNN từ vài năm trước đây đã bắt tay nghiên cứu về các sản phẩm phái sinh, nhằm ứng dụng tại thị trường Việt Nam.

Bởi vậy, trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng TTCK phái sinh được đặt ra nghiêm túc từ hành lang pháp lý đến lộ trình triển khai, nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK. Trên cơ sở đó, trong suốt thời gian qua, UBCKNN đã tập trung xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh.

Thực tế, kể từ năm 2009, trên TTCK Việt Nam đã xuất hiện một số sản phẩm chứng khoán phái sinh từ sự hợp tác của vài công ty chứng khoán với một số quỹ đầu tư hay nhà đầu tư lớn. Những sản phẩm như vay, mượn chứng khoán để thực hiện bán (bán khống) hoặc tương tự đã được một số công ty chứng khoán tổ chức giao dịch nhưng nhanh chóng bị cấm do ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chung vì không có quy định pháp lý hướng dẫn.

Xác định đây là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều chủ thể tham gia trên thị trường nên ngày 30/10/2013, UBCKNN đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) đồng tổ chức hội thảo: “Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh chứng khoán phái sinh là một công cụ phòng vệ rủi ro và đầu tư sinh lợi đã phổ biến trên thế giới nhưng còn lạ lẫm tại Việt Nam. Đối với sự phát triển của TTCK trong tương lai, rất cần thiết phải có TTCK phái sinh. Sự ra đời Nghị định về lĩnh vực này là tạo hành lang pháp lý chính thức cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, cá nhân mong muốn được giao dịch các chứng khoán phái sinh.

Theo đại diện Ban soạn thảo Nghị định nói trên của UBCKNN, Việt Nam sẽ chủ trương phát triển TTCK phái sinh tập trung, bỏ qua giai đoạn hình thành thị trường phái sinh phi tập trung (OTC). Trước mắt, Nghị định chỉ điều chỉnh các hoạt động giao dịch, niêm yết, kinh doanh, đầu tư và dịch vụ liên quan đến các công cụ phái sinh trên TTCK như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số cổ phiếu… về dài hạn, sẽ thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa và tiền tệ theo định hướng tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Các chuyên gia tài chính - chứng khoán đều nhận định, Dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh là văn bản pháp lý hết sức quan trọng và cần thiết, đánh dấu bước phát triển mới của TTCK Việt Nam. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế như GIZ (Đức), Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) sẵn sàng hỗ trợ cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam trong công tác đào tạo, tập huấn và tư vấn về xây dựng khung pháp lý cho sự lĩnh vực mới mẻ này.

Những quy định cụ thể…

Dự kiến, sau khi sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán (kế hoạch vào năm 2014), sàn giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ ra đời và là một bộ phận của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sàn này là một bộ phận (hệ thống) thuộc Sở, không có tư cách pháp nhân, vận hành song hành cùng sàn giao dịch cổ phiếu, sàn giao dịch trái phiếu.

Với tính chất quan trọng và bền vững, dự kiến chỉ cho phép các công ty chứng khoán lớn, có tiềm lực về vốn và tỷ lệ an toàn tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ tốt cũng như quản trị vững chắc tham gia chứng khoán phái sinh (tỷ lệ khoảng 15-20% các CTCK hiện có trên thị trường). Các ngân hàng thương mại cũng được phép tham gia làm thành viên giao dịch, thành viên thanh toán trên thị trường chứng khoán phái sinh bên cạnh các công ty chứng khoán được chọn.

Về cơ chế giao dịch và cơ chế thanh toán bù trừ, các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ được xây dựng theo những nguyên tắc cơ bản như quy định trong hợp đồng mẫu, được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch phái sinh sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nhà đầu tư muốn giao dịch các chứng khoán phái sinh phải ký hợp đồng mở tài khoản (hợp đồng môi giới) với các CTCK, ký quỹ ban đầu trước khi giao dịch.

Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh là một bộ phận độc lập được đặt tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) với tên tạm gọi VSD-CCP. Mô hình CCP là yêu cầu đặc thù cho TTCK phái sinh nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống, gây đổ vỡ thị trường.

Việc giám sát trên TTCK phái sinh cũng được dự thảo Nghị định nhấn mạnh vai trò phối giám sát trên thị trường cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu...) để ngăn ngừa thao túng, lũng đoạn trên hai thị trường trên.

Với những bước đi khẩn trương nhưng vững chắc, không nóng vội, có thể khẳng định những yếu tố đảm bảo sự thành công của chứng khoán phái sinh đã được chuẩn bị kỹ. Đây là cơ sở cho sự ra đời các sản phẩm

Việc thiết lập chứng khoán phái sinh gắn liền với tái cấu trúc TTCK thông qua sự hình thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, trên cơ sở sáp nhập 2 sàn HSX và HNX, sẽ được triển khai trong năm 2014.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11 - 2013