Chứng khoán phái sinh – Lực đẩy cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển

PV. (TỔNG HỢP)

Tham gia vào sân chơi chứng khoán quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) lên mức "thị trường mới nổi". Một trong số những giải pháp đó là việc ban hành khung pháp lý cho chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chứng khoán phái sinh - Quy chuẩn của thị trường niêm yết

Có thể nói, cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế sau công cuộc đổi mới, thị trường tài chính non trẻ của Việt Nam trải qua những bước khởi đầu, vươn lên mạnh mẽ trong khoảng 15 năm gần đây để chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội. Với vai trò là cầu nối trực tiếp giữa người cần vốn và người có vốn, cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu ngày càng mở rộng về quy mô, thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức phát hành, nhà môi giới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với hệ thống tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Tính đến nay, trên TTCK Việt Nam có 892 mã cổ phiếu niêm yết trên 3 sàn giao dịch với tổng vốn hóa khoảng 32% GDP, giá trị giao dịch hàng ngày trên 2.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ cũng có bước phát triển vượt bậc 3 năm gần đây, với quy mô đạt 22% GDP, thanh khoản thường xuyên lên tới 2.000 tỷ đồng/phiên với sự tham gia của 25 thành viên đấu thầu và 54 thành viên giao dịch là các định chế tài chính hàng đầu trong nước.

Nhằm mục tiêu phát triển TTCK ngày càng hiệu quả và toàn diện hơn, ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là một thị trường tài chính bậc cao, nhiều nước trên thế giới đã vận hành từ rất lâu, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh phát triển chính là đòn bẩy thúc đẩy thị trường chứng khoán mở rộng về quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu nhà đầu tư đề phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định: TTCK phái sinh có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế; bao gồm: Là giải pháp hiệu quả thay thế các giao dịch thị trường tiền mặt và góp phần phân bổ nguồn lực, nguồn vốn; Là công cụ quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro vỡ nợ tín dụng, rủi ro giá chứng khoán…; Góp phần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường tài chính; và Các tập đoàn, định chế tài chính và chính phủ đều có lợi ích từ thị trường phái sinh khi mà nguồn huy động vốn có chi phí thấp và đa dạng.

Còn TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, phát triển TTCK phái sinh là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 của Chính phủ. Hơn nữa, TTCK hiện mới chỉ có các chứng khoán cơ sở (Cổ phiếu, Trái phiếu, Chứng chỉ quỹ), thiếu các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro và đòn bẩy lợi nhuận là chứng khoán phái sinh, một số chứng khoán phái sin đã tự phát ra đời cũng cần được quản lý. Do đó, sự ra đời TTCK phái sinh là quá trình phát triển tất yếu của TTCK, nhưng hiện tại thiếu các quy định pháp lý. Đó cũng là lý do mà Chính phủ đã ban hành Quyết định 366/TTg về Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh. Tại thời điểm này, UBCKNN đang tích cực hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về TTCK phái sinh.

Trong thị trường phái sinh, các định chế tài chính đóng vai trò là trung gian, thành viên giao dịch, cung cấp công cụ quản lý rủi ro, kết nối nhu cầu của người mua - bán các hợp đồng phái sinh, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Các định chế tài chính cũng là thành viên sử dụng trực tiếp các sản phẩm phái sinh với mục đích tương tự các nhà đầu tư như: phòng ngừa rủi ro, đầu cơ, kinh doanh chênh lệch giá…. Đồng thời, các sản phẩm chứng khoán phái sinh đem lại một số lợi ích riêng biệt nổi bật đối với các định chế tài chính như: tăng thu dịch vụ; đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng bằng sản phẩm chuyên biệt, thiết kế theo nhu cầu khách hàng; đa dạng hóa khách hàng; tăng năng lực cạnh tranh; khẳng định vị thế của ngân hàng hiện đại hướng đến sản phẩm tiên tiến, theo thông lệ quốc tế.

Việc đưa các loại chứng khoán phái sinh thành hàng hóa quy chuẩn của thị trường niêm yết là bước rất cần thiết nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, tạo ra công cụ đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Mặt khác, nhà đầu tư trong nước đều biết rằng 30 công ty lớn nhất trên sàn, chiếm 1/4 tổng vốn hóa thị trường, đang được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ở mức gần hoặc đã tới mức giới hạn theo quy định sở hữu cũ.

Ngay sau khi Nghị định số 42/2015/NĐ-CP có hiệu lực, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phản ứng tích cực từ đầu tháng 7 đến nay khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt mua vào với hy vọng bắt kịp sóng đầu tư quốc tế. Chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 10% kể từ khi tuyên bố trên của Chính phủ được đưa ra.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với những cơ chế chính sách mới ban hành kịp thời, nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng bị thu hút vào thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 233 triệu USD giá trị cổ phiếu trên thị trường, cao hơn mức 128 triệu USD của cả năm 2014.

Giải pháp tạo sự đột phá từ thị trường chứng khoán phái sinh

Do chứng khoán phái sinh là sản phẩm phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, nên cần có những giải pháp mang tính an toàn nhưng cần tạo sự đột phá từ thị trường mới mẻ này.

Để TTCK phái sinh Việt Nam vận hành hiệu quả, TS. Cấn Văn Lực gợi ý một số giải pháp cơ bản như: Tạo hàng hóa chuẩn và phát triển TTCK phái sinh có lộ trình từ thấp đến cao; Xây dựng hành lanh pháp lý đồng bộ; Xây dựng hạ tầng tài chính hiện đại; Chú trọng tạo lập đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; Khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư, đối tác nước ngoài nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ, quản lý, tính chuyên nghiệp và minh bạch, và tăng cường giáo dục tài chính để các nhà đầu tư có được kiến thức, trình độ nhất định về lĩnh vực phức tạp này.

Hiện nay, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) là những “đầu tàu” trực tiếp triển khai các giải pháp công nghệ, hệ thống quy trình giao dịch, thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh. Khi các “đầu tàu” này sớm phát đi những tín hiệu cụ thể sẽ là cơ sở quan trọng để các thành viên tham chiếu, sớm lên phương án đầu tư cho hệ thống công nghệ; đội ngũ nhân sự; nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ…

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC), để đảm bảo năng lực tham gia TTCK phái sinh khi thị trường này mở cửa, HSC đang bắt tay triển khai các bước chuẩn bị về hệ thống giao dịch, quy trình nghiệp vụ, đội ngũ nhân sự…

“Để việc chuẩn bị trên diễn ra hiệu quả, chúng tôi cần có các hướng dẫn chi tiết từ HNX và VSD về hệ thống tài khoản của NĐT và CTCK cũng như cách thức quản lý tài khoản; các quy trình chuyển lệnh, xác nhận kết quả giao dịch, bù trừ và thanh toán; quy định chi tiết về cơ chế vận hành của Đối tác thanh toán trung tâm (CCP); các hướng dẫn chi tiết về đặc tả kỹ thuật để kết nối giữa hệ thống của Sở GDCK và hệ thống của CTCK”, ông Giang nói.

Do chứng khoán phái sinh là sản phẩm phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro và đặc biệt là còn rất mới ở Việt Nam, nên ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đề xuất, ngoài sự nỗ lực của bản thân các công ty quản lý quỹ, rất cần sự hỗ trợ của nhà quản lý, nhằm giúp các tổ chức này có năng lực chuyên sâu về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm, hệ thống quản lý rủi ro bài bản... Đây là các điều kiện quan trọng để đảm bảo cho các công ty quản lý quỹ có thể triển khai và áp dụng an toàn, có hiệu quả các sản phẩm, nghiệp vụ chứng khoán phái sinh.

UBCKNN đã đưa ra một số định hướng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới tới, cụ thể:

Một là, chủ động tích cực, tích hợp các chính sách phát triển TTCK vào quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. TTCK được chú tâm phát triển để cùng gánh vác vai trò trung chuyển vốn, phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường trong nền kinh tế. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho công tác cải cách và tái cấu trúc DNNN, hệ thống tài chính-ngân hàng.

Hai là, tranh thủ và tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trình cải cách thể chế trong nước để xây dựng và phát triển TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu xuyên suốt là khơi thông triệt để dòng lưu chuyển vốn trong nước và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Ba là, kiên định và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển TTCK. Theo đó, về cung hàng hóa: Đa dạng hóa nguồn cung, gắn với nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao chất lượng thông tin tài chính. Về cầu hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, làm lực lượng dẫn dắt định hướng đầu tư, kết hợp khuyến khích nhà đầu tư cá nhân để tạo thanh khoản. Về định chế trung gian, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro dựa trên nguyên tắc thị trường và đề cao giá trị cạnh tranh và năng lực sáng tạo.