Chứng khoán sáng 4/2: Xu hướng ổn định trở lại

Theo Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Các mã cổ phiếu không còn bị bán mạnh, giảm sàn nữa mà chủ yếu dao động giằng co trong biên độ hẹp.

Chứng khoán sáng 4/2: Xu hướng ổn định trở lại.
Chứng khoán sáng 4/2: Xu hướng ổn định trở lại.

Sau những biến động mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có xu hướng ổn định trở lại. Các mã cổ phiếu không còn bị bán mạnh, giảm sàn nữa mà chủ yếu dao động giằng co trong biên độ hẹp. Dù vậy, tâm lý thận trọng của giới đầu tư cả bên bán và bên mua khiến dòng tiền vào thị trường thấp.

Mở đầu phiên giao dịch sáng 4/2, thị trường chứng khoán tiếp nối đà hồi phục hôm qua và tăng điểm mạnh. Thị trường hồi phục đầu phiên hôm nay đã được các công ty dự báo trước.

Nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV cho rằng, diễn biến hồi phục và thu hẹp đáng kể mức giảm điểm về cuối phiên ngày 3/2 là tín hiệu thể hiện tâm lý nhà đầu tư đã phần nào được cải thiện, đồng thời mang lại cơ hội đảo chiều hồi phục ngắn hạn cho thị trường.

Mặc dù vậy KBSV nhận định, sau một nhịp giảm điểm với độ dốc lớn, cơ hội tạo đáy thành công ngay tại nhịp này chưa thực sự cao và chỉ số sẽ sớm gặp áp lực rung lắc điều chỉnh ở vùng kháng cự 930-940 điểm.

Sáng nay thị trường diễn ra đúng như vậy, sau khoảng 40 phút giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “trùng xuống” và VN - Index đã giảm 2 điểm tính tại thời điểm 9 giờ 40 phút.

Tạm dừng phiên giao dịch sáng ngày 4/2, VN - Index giảm 2,61 điểm xuống 925,53 điểm. Toàn sàn có trên 114 mã giảm giá, 46 mã đứng giá và 198 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 105 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 1.947,9 tỷ đồng.

HNX - Index tăng nhẹ 0,33 điểm lên 101,64 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 57 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 19,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 188,1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng diễn biến giằng co. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 14 mã tăng giá và 15 mã giảm giá.

Các mã tăng giá có thể kể đến là BVH, HPG, FPT, VHM, VJC..., trong khi VNM, VRE, ROS, SAB... là những mã giảm giá.

Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại được sắc xanh. Nhóm này chỉ còn STB, NVB và EIB ở chiều giảm giá. Các mã còn lại đa số đang tăng giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đang diễn biến giằng co. Trong khi GAS, PVC, BSR ở chiều tăng giá thì PLX, POW, PVS, PVD và PVB ở chiều giảm giá.

Trước đó, quan ngại về sự lây lan ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona khiến thị trường chứng khoán châu Á nhuộm rực sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 3/2.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán (TTCK) Thượng Hải trượt dốc tới 7,72% trong phiên này, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.

Ngay khi mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, chỉ số Shanghai Composite đã mất gần 9%, do giới đầu tư phản ứng với đà giảm mạnh của thị trường toàn cầu từ tuần trước.

Theo kế hoạch, các thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại từ ngày 31/1, song do diễn biến phức tạp của virus Corona, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết nguyên đán thêm ba ngày nhằm có thêm thời gian cho cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Vào trưa cùng ngày, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị mất 420 tỷ USD, khi ngày càng nhiều người lo ngại về những tác động tới kinh tế Trung Quốc của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Tới ngày 3/2, số người nhiễm chủng mới của virus Corona tại Trung Quốc đã vượt 17.200 người, trong đó 2.829 ca nhiễm mới trong ngày 2/2, và 361 trường hợp tử vong, cao hơn số người tử vong vì dịch SARS hồi năm 2003.

Tuy nhiên, biên độ giảm của chỉ số Shanghai Composite đã thu hẹp vào cuối phiên, nhờ quyết định bơm 1.200 tỷ NDT (173 tỷ USD) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Theo PBoC, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát sẽ có tác động nhất thời đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng không làm thay đổi nền tảng để kinh tế nước này tăng trưởng về dài hạn và có chất lượng.

Khép lại phiên này, tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, chỉ số Shanghai composite hạ 229,92 điểm (7,72%), xuống 2.746,61 điểm. Đồng NDT cũng giảm khoảng 1,5% so với đồng USD.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm mạnh 233,24 điểm (1,01%), xuống 22.971,94 điểm, thấp nhất trong 3 tháng qua. Không nằm ngoài xu hướng trên, tại thị trường chứng khoán Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng mất 93,9 điểm (1,34%), xuống 6.923,30 điểm, khi sự quan ngại về ảnh hưởng của virus Corona tiếp tục “phủ bóng” lên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc gần như đi ngang khi chỉ tăng nhẹ 0,13 điểm (0,01%), lên 2.118,88 điểm, “lội ngược dòng” từ đà giảm ở đầu phiên và có lúc rơi xuống 2.082,74 điểm.

Tuy nhiên, thị trường Hong Kong lại chốt phiên với sắc xanh, nhờ xu hướng mua vào cổ phiếu giá hời sau khi chứng kiến các mức giảm mạnh hồi tuần trước. Đóng cửa phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 44,35 điểm (0,17%), lên 26.356,98 điểm.