Chứng khoán và tiếng cồng của Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Hải Quang

(Tài chính) Năm 2012 đã trôi qua để lại những dấu ấn đặc biệt đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Không ít chuyên gia nhận định năm 2012 sẽ đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán với đầy đủ những cung bậc cảm xúc: Hưng phấn vì sự quyết tâm đổi mới, cải cách đến những biến động bất ngờ ập xuống để rồi trụ vững, ổn định và lấy lại đà tăng trưởng.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đánh cồng khai trương
phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên trong năm Nhâm Thìn sáng ngày 30/1/2012
Bộ trưởng Vương Đình Huệ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên trong năm Nhâm Thìn sáng ngày 30/1/2012
Đúng 8h30 sáng 30/01/2012, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đánh hồi cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm Nhâm Thìn. Ngay sau hồi cồng khai sàn, những tín hiệu lạc quan lập tức đã bao trùm trên các bảng điện tử. Hầu hết các mã cổ phiếu đều tăng điểm với khối lượng mua - bán ấn tượng, trong đó có không ít mã tăng kịch trần. Một năm mới với nhiều kỳ vọng mới vào những quyết sách tái cấu trúc để phát triển thị trường bền vững và ổn định được cộng đồng các NĐT chứng khoán đón nhận với niềm hân hoan, lan tỏa từ tiếng cồng của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tạo nên sức tăng ấn tượng của thị trường - điều mà các NĐT chờ đợi suốt cả năm 2011.

Cũng từ thời điểm đáng nhớ nói trên, một “sóng tăng” kéo dài đã đến với TTCK Việt Nam, phá vỡ hầu hết các ngưỡng cản kỹ thuật, đem lại niềm hân hoan, hứng khởi cho các NĐT vốn chịu quá nhiều sức ép trong suốt một giai đoạn khó khăn trước đó… Sóng tăng lớn đầu tiên của năm 2012 này được “tiếp sức” bởi nhiều chính sách vĩ mô tích cực, như quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng và Nhà nước, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường của Chính phủ và các cấp, ngành, nỗ lực tái cấu trúc TTCK của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… Hầu hết các ngưỡng cản kỹ thuật 430 điểm rồi 450 điểm của VN – Index đều được thị trường chinh phục dễ dàng trong quý I/2012. Sang quý II/2012, mặc dù thị trường điều chỉnh nhưng theo các chuyên gia phân tích, đây là quá trình điều chỉnh hợp lý và tích cực để trở lại “bùng nổ” vào hai quý cuối của năm. Một viễn cảnh lạc quan với TTCK dường như đã mở ra ấn tượng kể từ buổi lễ đánh cồng khai xuân đáng nhớ đó… 

Đối mặt biến động

Vào đúng lúc TTCK được dự báo sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng sau quá trình điều chỉnh và tích lũy thì một sự kiện “đặc biệt” đã xảy ra. Và có lẽ, trong lịch sử 12 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam, đây là một thời điểm “lịch sử”, chứng kiến những thời khắc cam go nhất đe dọa không chỉ tài sản của DN và NĐT mà cả sự còn, mất của thị trường. Sự kiện “lịch sử” đó xảy ra vào ngày 21/08/2012“ngày thứ Ba đen tối” với biến cố ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên thành viên sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu bị bắt. Những thông tin đồn đoán tiêu cực lập tức tác động đến cổ phiếu của tất cả các ngân hàng đang niêm yết trên sàn rồi lan tỏa ra toàn thị trường. Chỉ trong một tiếng giao dịch đầu tiên của ngày 22/8, VN-Index đã “rơi thẳng đứng” và mất hơn 14 điểm, HNX-Index giảm 3 điểm. Sau 3 ngày, TTCK bị "bốc hơi" tổng cộng 5,6 tỷ USD. Chỉ trong vòng 6 ngày sau biến cố, chỉ số giá chứng khoán trên HoSE giảm tới 11,8% và trên sàn Hà Nội giảm tới 15,4%. Đà giảm điểm nối dài trong suốt 2 tháng sau đó kéo TTCK vào thời kỳ đen tối nhất kể từ khi ra đời.

TS. Edmund Malesky, chuyên gia người Mỹ nghiên cứu về TTCK Việt Nam nhìn nhận: ngày 21/8 chính là ngày mà “niềm tin kinh doanh giảm mạnh” và “đây là sự suy giảm TTCK duy nhất lớn hơn khoảng suy giảm các NĐT đã ước tính căn cứ trên xu hướng được quan sát trước đó trong mùa hè. Hay nói cách khác, ngày 21/8 là một cú sốc lớn không được dự báo trước đối với tâm lý NĐT...”.

Một sự kiện cũng rất đáng lưu ý khác là việc  HNX-Index xuất hiện phiên giao dịch có chỉ số xuống mức thấp nhất lịch sử: 50,66 điểm (ngày 06/11). Trong phiên giao dịch này, HNX-Index đóng cửa phiên giao dịch thứ 1.744 tại mức 50,66 điểm, ghi nhận mức điểm thấp nhất trong 7 năm thành lập sau khi giảm 10 phiên liên tiếp kể từ ngày 24/10/2012. Đây cũng là phiên mà sàn Hà Nội có lượng cổ phiếu giao dịch thấp nhất trong vòng hơn 1 năm, với chưa đầy 26.411.371 đơn vị với giá trị 155,16 tỷ đồng. Sàn Hà Nội còn xuất hiện hàng loạt cổ phiếu giá rẻ dưới 5.000 đồng, có mã chưa tới 1.000 đồng... Đây là thời điểm nhạy cảm, gắn liền với sự kiện ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank) bị mời lên làm việc cùng cơ quan điều tra. Thời điểm này, HNX-Index có chỉ số xuống mức thấp nhất lịch sử. VN-Index mất gần 12,7 điểm và chính thức rơi khỏi mốc 400 điểm ngay sau đó. Khoảng 1 tỷ USD cũng tiếp tục bị mất trên thị trường do các cổ phiếu đồng loạt giảm giá. Tâm lý NĐT dè dặt, lo sợ, không khí chờ đợi lan rộng, thanh khoản thị trường xuống rất thấp trong những phiên từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2012.

Chứng khoán và tiếng cồng của Bộ trưởng Vương Đình Huệ - Ảnh 1

Niềm tin đã trở lại với các NĐT chứng khoán

Bản lĩnh và  trách nhiệm

Trong bối cảnh cam go mang tính sống còn với thị trường như vậy, có thể nói Bộ Tài chính và UBCKNN đã thực sự bản lĩnh để đối mặt, vững tay chèo lái đưa “con thuyền” chứng khoán vượt qua sóng gió, cập bến an toàn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì thành công quan trọng nhất của TTCK năm 2012 chính là trong bối cảnh nguy nan nhất, chúng ta đã giữ cho TTCK vận hành an toàn, liên tục, không bị gián đoạn, không bị sụp đổ trong những lúc cam go nhất, để rồi sau đó trở lại đà tăng trưởng ấn tượng. Đây chính là thành công lớn nhất và cũng là dấu ấn đáng ghi nhớ nhất của TTCK Việt Nam năm 2012.

Không nhiều người biết rằng khi sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, TTCK rúng động, đã có không ít ý kiến, kể cả của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị cần tạm ngừng giao dịch chứng khoán cho đến khi cơ quan quản lý có các biện pháp ổn định thị trường. Nhiều NĐT chứng khoán đã ký vào thư khẩn cấp gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đề xuất giải pháp cứu VN-Index hoặc tạm đóng cửa thị trường... Tâm lý hoang mang tràn ngập, lây lan nhanh chóng từ các NĐT cá thể đã sang cả một số công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ... Râm ran những tin đồn TTCK Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ... Trong bối cảnh đó, đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Bộ Tài chính đã bất kể thời gian, giờ giấc họp bàn cùng lãnh đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng của Bộ để tìm tòi, chọn lựa những quyết sách “giải cứu” hữu hiệu nhất.

Không ít ý kiến cho rằng, thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó rất cần sự xuất hiện của đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để đưa ra tuyên bố trấn an NĐT và toàn thể TTCK. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có quyết định rất sáng suốt, thể hiện tầm  nhìn xa, trông rộng đã quyết định cử Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng là người “đăng đàn” phát ngôn khẳng định sự tồn tại của TTCK cũng như chỉ rõ hành vi bán khống trái luật và những tin đồn vô căn cứ gây tâm lý xấu trên TTCK... Quyết định như vậy không phải Bộ trưởng Vương Đình Huệ né tránh vấn đề nhạy cảm mà ông nhìn nhận rất thông tuệ: Sự xuất hiện của người đứng đầu ngành Tài chính vào thời điểm ấy rất có thể khiến tâm lý NĐT thêm hoang mang,  suy diễn thị trường chắc rơi vào tình thế nguy ngập lắm rồi nên Bộ trưởng Bộ Tài chính mới phải lên tiếng, đăng đàn. Việc Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng “đăng đàn” chính là làm “bình thường hóa” những nguy cơ của thị trường khi đó, đồng thời người đứng đầu UBCKNN cũng rất phù hợp  để lên tiếng cảnh báo những vi phạm của một số công ty chứng khoán trong vấn đề “bán khống”, trục lợi, nhằm ổn định tâm lý và lòng tin của NĐT, qua đó thể hiện rõ bản lĩnh và năng lực giám sát, quản lý thị trường. Sau này, các chuyên gia kinh tế đã bình luận rằng đây quả thực là một “nước cờ” cao tay bởi thực tế cho thấy kết quả đem lại là mỹ mãn. Đà lao dốc của thị trường bị chặn lại và chỉ sau vài phiên giao dịch, thị trường đã lấy lại sắc xanh. Thậm chí, một số cổ phiếu vừa bị bán tháo trước đó đã lập tức được gom mua mạnh mẽ khi tâm lý NĐT ổn định…

Bình luận về các biện pháp đối phó với khủng hoảng trên TTCK, giờ đây khi nhìn nhận lại, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ Tài chính, đứng đầu là Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Không ít chuyên gia cho rằng, vào những thời điểm vô cùng nhạy cảm đó, nếu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý TTCK là Bộ Tài chính không có tầm nhìn và bản lĩnh thì thị trường sẽ không thể vượt qua được...và nếu như chúng ta tạm đóng cửa thị trường thì chắc chắn TTCK sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều bất ổn tiêu cực lớn hơn, dài hạn hơn. Hình ảnh nền kinh tế Việt Nam trong con mắt bè bạn và giới đầu tư quốc tế cũng sẽ bị tổn thương và giảm sút…

Kỳ vọng mới từ năm 2013

Khép lại năm 2012, TTCK Việt Nam dẫu trải qua biến cố không thể lường trước nói trên, vẫn có mức tăng 17,7%, nằm trong Top những TTCK tăng mạnh nhất trên thế giới. Những ngày đầu tháng 1/2013, thị trường lại tiếp tục có chuỗi tăng điểm ấn tượng, đón đầu 21 nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2013 mà Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ triển khai ngay từ những ngày đầu của năm 2013 này…

Ngoài thành công quan trọng như trên, TTCK Việt Nam năm 2012 cũng ghi những dấu ấn rất ý nghĩa bằng những đổi mới quyết liệt và tích cực trên nhiều lĩnh vực, như: Năm 2012 được đánh giá là năm thành công nhất trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà công cuộc tái cấu trúc toàn bộ TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng có hàng loạt những cải tiến trong cơ chế giao dịch; Xây dựng nhiều sản phẩm mới tạo hàng hóa cho thị trường; Thành công với huy động vốn qua phát hành trái phiếu; Quyết liệt trong thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm...

Một năm đã trôi qua nhưng rất nhiều NĐT vẫn nhắc về tiếng cồng khai sàn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Tiếng cồng không chỉ báo hiệu phiên giao dịch khởi đầu của một năm mà còn lan tỏa một tinh thần mới - một tinh thần chủ động, quyết liệt và mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và kịp thời ứng phó nhạy bén, thông minh mà Bộ trưởng đã đem đến cho TTCK năm qua.

Kỳ vọng và tin tưởng từ tiếng cồng khai sàn Xuân Nhâm Thìn ấy, TTCK Việt Nam sau năm 2012 “lịch sử” và đáng nhớ sẽ trưởng thành hơn. Qua sóng to, bão lớn càng thể hiện rõ trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của các cơ quan quản lý TTCK. Và minh định cho những trách nhiệm và nỗ lực không ngơi nghỉ ấy chính là lòng tin của cộng đồng các NĐT vào triển vọng và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam…

Năm 2013, với mục tiêu duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK, duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK... Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước đã có những cải thiện nhất định khi lạm phát từng bước được kiềm chế, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá duy trì ổn định…, Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp tích cực để tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện các chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn so với mức tăng trưởng dự kiến năm 2012…Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây sẽ là những điều kiện tốt thúc đẩy TTCK phát triển ổn định.

Tiếng cồng vang lên giòn giã và vang xa báo hiệu mang lại những tín hiệu tích cực cho TTCK Việt Nam. Tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ  ngày càng khởi sắc, ổn định, an toàn, phát huy vai trò là một kênh huy động vốn hiệu quả, ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.