Chứng khoán Việt gần hơn với nhà đầu tư quốc tế

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đó là khẳng định của ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) sau sự kiện HOSE được kết nạp làm thành viên chính thức của Hiệp hội Các sở giao dịch thế giới.

Chứng khoán Việt gần hơn với nhà đầu tư quốc tế - Ảnh 1
Ông Trần Đắc Sinh
Phóng viên: Xin ông giới thiệu về WFE và quá trình phấn đấu để trở thành thành viên tổ chức này của HOSE?

Ông Trần Đắc Sinh: Hiệp hội Các sở giao dịch thế giới (World Federation of Exchanges - WFE) là một trong các hiệp hội lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, với 62 thành viên chính thức là các sở giao dịch chứng khoán, hợp đồng tương lai và quyền chọn trên thế giới.

WFE thành lập từ năm 1960, với mục đích hoạt động là nâng cao chuẩn mực trên thị trường và cung cấp các số liệu thống kê đáng tin cậy; phối hợp với các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý để phát triển thị trường công bằng, minh bạch và hiệu quả; tạo ra cơ hội trao đổi, giao lưu giữa các thị trường để phát triển thị trường; giúp đỡ các thị trường mới đáp ứng các điều kiện của WFE.

Với vai trò và những ảnh hưởng tích cực mà WFE mang lại cho các sở giao dịch thành viên, HOSE đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành thành viên WFE từ năm 2009.

Trong năm 2009, HOSE đăng ký làm thành viên Correspondent và sang năm 2010, nâng lên làm thành viên Affilliate. Trong quá trình này, Sở đã tham gia các cuộc họp, diễn đàn, các hội nghị mà WFE tổ chức để học hỏi kinh nghiệm của các sở thành viên WFE.

 Để có thể tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động WFE, năm 2013, HOSE gửi hồ sơ xin làm thành viên chính thức. Việc thẩm định được thực hiện tại chỗ qua các chuyến làm việc với Sở, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Ngày 29/10/2013, HOSE đã được kết nạp làm thành viên chính thức của WFE trong kỳ họp Đại hội đồng WFE tại Mexico.

Các doanh nghiệp được hưởng lợi gì sau khi HOSE trở thành thành viên của WFE, theo ông?

WFE là hiệp hội của các sở giao dịch chứng khoán, với tiêu chí hoạt động là nâng cao chuẩn mực trên thị trường, hướng tới thị trường hiệu quả, công bằng và minh bạch.

Hoạt động trong một thị trường với các chuẩn mực cao, các doanh nghiệp trên thị trường sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Lợi ích có thể thấy ngay được đó chính là gia tăng giá trị thương hiệu cho các doanh nghiệp.

Hàng được bán ở các siêu thị và trung tâm thương mại lớn chắc chắn sẽ khác hàng bán ở chợ, do phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau.

Là thành viên WFE, HOSE không chỉ nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn của thị trường Việt Nam, mà còn cố gắng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế mà các thành viên khác trong WFE đang áp dụng.

Việc có được tiếng nói chung, mặt bằng chung so với các thị trường phát triển sẽ thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường, thanh khoản và quy mô của thị trường được mở rộng. Qua đó, các doanh nghiệp thu hút được vốn cho đầu tư phát triển, các tổ chức dịch vụ tài chính có điều kiện mở rộng và triển khai các hoạt động dịch vụ…

Có một kế hoạch cụ thể nào về hoạt động quảng bá Sở, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết trên HOSE thông qua WFE trong thời gian tới không, thưa ông?

WFE là nơi để các sở giao dịch chứng khoán trao đổi việc phát triển thị trường, không phải là nơi thích hợp để quảng bá cho các doanh nghiệp niêm yết. Đối tượng để quảng bá cho các doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán phải là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư có tổ chức trong và ngoài nước. HOSE hàng năm vẫn phối hợp đều đặn với các thành viên thị trường để đưa các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam giới thiệu với các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài.

Các hoạt động liên kết khu vực ASEAN cũng là một kênh để giới thiệu thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp đến với nhà đầu tư khu vực và thế giới. Là thành viên WFE chỉ là hành trang, là đòn bẩy để giúp đưa thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp Việt Nam đến gần hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam hiện được coi là thị trường biên, chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là thị trường mới nổi. Vậy HOSE có đặt ra mục tiêu hay đề xuất giải pháp gì để thị trường Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi, thưa ông?

Để xếp hạng một thị trường, các tổ chức thường đánh giá qua 3 tiêu chí chính: sự phát triển kinh tế; quy mô thị trường, tính thanh khoản; khả năng truy cập thị trường.

Trong mỗi tiêu chí lớn có rất nhiều tiêu chí định lượng nhỏ, ví dụ để đo lường tính thanh khoản và quy mô thị trường, các tổ chức đánh giá thường dựa vào quy mô công ty niêm yết, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và tỷ suất quay vòng chứng khoán.

Hay để đánh giá khả năng truy cập thị trường, họ thường dựa trên tỷ lệ sở hữu nước ngoài, sự thuận tiện trong việc chuyển tiền ra và vào thị trường, các quy trình tác nghiệp và sự ổn định về khung pháp lý…

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xếp hạng thị trường và cần có sự phối hợp đồng bộ các ngành, các cấp. Ở góc độ Sở giao dịch chứng khoán, chúng tôi tập trung vào những yếu tố trong khả năng của Sở, đó chính là vấn đề thanh khoản.

Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được Sở lần lượt đưa ra trong thời gian qua, nhiều sản phẩm mới được Sở nghiên cứu và triển khai để tăng thêm tiện ích cho nhà đầu tư.

Như đã nói ở trên, việc gia nhập WFE cũng là một biện pháp gián tiếp để gia tăng thanh khoản trên thị trường. Sở cũng đã có những kiến nghị liên quan đến sở hữu đầu tư nước ngoài. Còn những vấn đề khác liên quan đến vĩ mô, phải nằm trong tổng thể phát triển kinh tế chung mà Chính phủ cần cân nhắc, xem xét cho phù hợp với mục tiêu phát triển của từng thời kỳ.