Chứng khoán Việt Nam muốn “thăng hạng” vào MSCI

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Hãng tin Bloomberg cho biết, Việt Nam đang muốn đưa thị trường chứng khoán trong nước từ vị trí thị trường sơ khai (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging) và lọt vào chỉ số MSCI. Mục đích của việc “thăng hạng” này là thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào cổ phiếu Việt.

Chứng khoán Việt Nam muốn “thăng hạng” vào MSCI
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết, cơ quan này đã thành lập một nhóm chuyên trách để nghiên cứu các điều kiện nâng cấp phân loại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty MSCI Inc. có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra nhiều chỉ số chứng khoán khác nhau làm thước đo cho các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, trong đó các chỉ số MSCI Frontier Markets Index, MSCI Emerging Markets Index hay MSCI World Index. Các chỉ số của MSCI đo diễn biến của các thị trường chứng khoán với tổng tài sản khoảng 9,5 nghìn tỷ USD và các chỉ số này luôn được giới đầu tư tín nhiệm.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán trong nước có quy mô 59 tỷ USD, Việt Nam có kế hoạch hợp nhất hai sàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giảm hạn chế đối với sở hữu nước ngoài, và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào MSCI được xem là một phần trong kế hoạch phát triển thị trường này.

Các chỉ số chứng khoán chính của các thị trường chứng khoán Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng ít nhất 38% trong 12 tháng sau khi MSCI tuyên bố vào tháng 6/2013 rằng, các thị trường này sẽ được nâng hạng lên địa vị thị trường mới nổi.

“Sẽ là một cơ hội lớn nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng. Không gian cho chỉ số [VN-Index] sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Michael Kokalari, một nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Quốc tế CIMB tại TP. Hồ Chí Minh, phát biểu.

Theo ông Chin-Ping Chia, Giám đốc MSCI tại Hong Kong cho biết, công ty cung cấp chỉ số này hiện không xem xét phân loại thị trường chứng khoán Việt Nam. Website của MSCI nói, địa vị thị trường mới nổi đòi hỏi độ mở lớn của thị trường đối với sở hữu nước ngoài, các dòng vốn ra vào dễ dàng, cũng như các mức độ tối thiểu về thanh khoán và mức vốn hóa của thị trường.

Các thị trường mới nổi trong các chỉ số của MSCI có mức vốn hóa thị trường trung bình khoảng 564 tỷ USD, so với ngưỡng 30 tỷ USD đối với các thị trường sơ khai. Chỉ số MSCI dành cho các thị trường sơ khai tăng 18% từ đầu năm đến nay, so với mức tăng 21% của chỉ số VN-Index.

Ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital có trụ sở ở Hong Kong, nhận định, MSCI có thể sẽ không xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam trừ phi Việt Nam nới hạn chế về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Mức sở hữu tối đa mà các nhà đầu tư ngoại có được trong các công ty niêm yết lớn nhất của Việt Nam hiện là 49%. Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng kế hoạch nâng “room” cho khối ngoại.

Đối với Qatar và UAE, hai thị trường mới nhất được nâng hạng lên chỉ số các thị trường mới nổi, quy trình rà soát kéo dài 5 năm cho việc nâng hạng đã đem lại kết quả.

Chỉ số ADX General Index của thị trường Abu Dhabi thuộc UAE đã tăng 43% kể từ khi việc nâng hạng được công bố vào tháng 6 năm ngoái, nâng quy mô của thị trường lên 33,5 tỷ USD. Chỉ số DFM General Index của Dubai thuộc UAE tăng hơn gấp đôi trong cùng khoảng thời gian, trong khi chỉ số QE Index của Qatarx tăng hơn 47%. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index chỉ tăng 5,1% trong cùng thời gian.

Từ đầu năm, thị trường chứng khoán Qatar đã thu hút 2,3 tỷ USD vốn nước ngoài. Từ ngày 21/5 đến nay, thị trường Dubai thu hút 1,35 tỷ USD.

Nói về thị trường Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhận xét, lượng vốn ngoại chảy vào vẫn “dưới mức tiềm năng”.

Năm nay đã là năm thứ 9 liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu Việt Nam, nhưng mức mua ròng của khối ngoại từ đầu năm đến ngày 1/10 chỉ đạt 227,5 triệu USD. Con số này khiêm tốn nếu so với mức 4,2 tỷ USD của thị trường Indonesia và 1,3 tỷ USD của thị trường Philippines. Cả hai thị trường này đều đã được MSCI phân loại là thị trường mới nổi.

“Một chìa khóa để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài là cải cách thực sự ngành ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và mở rộng hơn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, ông James Bannan, nhà điều hành quỹ Frontier Markets Fund thuộc công ty Coeli Asset Management của Thụy Điển, nhận xét.