Chứng khoán vượt mốc 600 điểm nhờ kinh tế phục hồi

Theo tapchithue.com.vn

Nhìn lại quá trình trong 16 năm hoạt động, VN-Index đã có 11 năm tăng điểm, cao gấp hơn 2 lần số năm giảm điểm (5). Trong 16 năm đó, có 2 thời kỳ có 4 năm tăng điểm liên tục (thời kỳ thứ nhất từ năm 2004 đến hết năm 2007; thời kỳ thứ hai từ năm 2012 đến hết năm 2015). Đến ngày 4/5/2016 Vn-index đã vượt qua mốc 600 điểm. Đây là dấu mốc rất quan trọng, lần đầu tiên đạt được trong năm nay. Nếu đến cuối năm 2016 vẫn đà vượt mốc 600 điểm, thì thời kỳ tăng liên tục sẽ đạt 5 năm, vượt qua kỷ lục 4 năm cũ. Đây là dự báo có tính khả thi, do có nhiều thông tin tích cực từ tình hình kinh tế xã hội trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thứ nhất là nhu cầu vốn của nền kinh tế. Muốn tăng trưởng cao hơn thì tỷ lệ vốn đầu tư/GDP phải cao hơn, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP quý I mới đạt 32,2%, không những thấp xa so với những năm trước kia, mà còn thấp hơn năm gần kề (32,6%). Có nhiều phương thức huy động vốn, trong đó chủ yếu huy động thông qua vay dài hạn ngân hàng thương mại và huy động thông qua thị trường chứng khoán (TTCK). Khi các ngân hàng chỉ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn thì để có nguồn vốn trung và dài hạn cho SXKD, DN sẽ phải huy động thông qua TTCK.

Thứ hai, TTCK là “phong vũ biểu” của tăng trưởng kinh tế. Năm 2012, khi tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy thì điểm chứng khoán bắt đầu tăng- báo hiệu tăng trưởng kinh tế sẽ “thoát đáy” trong năm sau, “vượt dốc đi lên” trong những năm sau nữa và tiến tới phục hồi trong năm 2015 (tăng trưởng GDP năm 2012 là 5,25%, năm 2013 là 5,42%, năm 2014 là 5,98%, năm 2015 là 6,68%). Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội là 6,7%, cao hơn tốc độ tăng của năm 2015.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP đã có xu hướng chậm lại từ quý IV/2015 và quý I/2016, tăng trưởng GDP đã thấp tương đối xa so với tốc độ tăng GDP của cùng kỳ năm trước (tăng 5,46% so với tăng 6,12%), đe dọa khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo không điều chỉnh mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với sự tăng lên trong tháng 4 so với tốc độ tăng của quý I của một số ngành, lĩnh vực (như chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông, lâm- thủy sản tăng sẽ là yếu tố ngăn chặn sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản), sự tăng lên của VN-Index sẽ là kết quả của diễn biến kinh tế, đồng thời là “phong vũ biểu” báo hiệu tăng trưởng kinh tế sẽ cao lên trong các quý sau để thực hiện mục tiêu đề ra cho cả năm.

Thứ ba là các giải pháp của Nhà nước đối với TTCK. Theo đó, nhiều giải pháp đã đạt kết quả tích cực như: giảm thời gian thanh toán từ T+3 còn T+2; quy định nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài...

Thứ tư, xuất phát từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. So với năm 2011, VN-Index tăng 65%; thu hút khoảng 1000 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE, HNX, sàn UPCOM. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 35% GDP; quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu khoảng 24% GDP, cộng chung vốn hóa toàn thị trường Việt Nam hiện đạt khoảng 59% GDP. Trong 5 năm qua, TTCK đã huy động trên 1,2 triệu tỷ đồng vốn cho nền kinh tế, gấp 4 lần so với thời kỳ 2006-2010, chiếm 23% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Quy mô vốn ngoại được huy động vào TTCK Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD, gấp 2,4 lần năm 2011.