Chuyển đổi mô hình tăng trưởng tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề hiện nay với các ngân hàng vẫn là tiếp tục thận trọng hơn vấn đề cho vay, thắt chặt hơn những điều kiện để khi cho vay có cơ sở xác định được dòng tiền tương lai, tài sản đảm bảo được định giá đúng đắn; cùng với đó tiền cho vay ra đúng địa chỉ, đúng mục đích. Những nhiệm vụ đó còn quan trọng hơn nhiều so với việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD).

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng tín dụng
Vốn tín dụng đã tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho nông nghiệp, nông thôn

Hướng vào lĩnh vực ưu tiên

Mặc dù lạm phát đang được kiểm soát: đến tháng 9/2013, chỉ số CPI tăng 4,63% so với tháng 12/2012. Song theo nhiều chuyên gia kinh tế, rủi ro lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn, trong khi tăng trưởng kinh tế (GDP) đã chậm lại... do vậy, công tác điều hành chính sách cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ khi chọn mục tiêu. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ vẫn ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên chất lượng tín dụng vẫn cần phải chú trọng.

Đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh lựa chọn một trong hai mục tiêu chính sách: đẩy TTTD bằng mọi giá để đạt được tốc độ tăng GDP hay chú trọng vào nâng cao chất lượng tín dụng?

Thực tế ở Việt Nam là do các thị trường vốn khác chưa phát triển, nguồn lực tăng trưởng kinh tế vẫn dựa khá nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Chính vì vậy, sức ép lên chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước (NHNN) luôn bị “kẹp” giữa tăng trưởng cao hơn bình quân các quốc gia trong khu vực nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát mục tiêu ở mức thấp.

Theo số liệu thống kê từ NHNN, sau thời kỳ từ năm 2007 đến năm 2010 duy trì tốc độ TTTD nóng (bình quân 35,9%/năm), thì từ năm 2011 đến nay, NHNN đã sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để giảm tốc TTTD so với giai đoạn trước đây nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Cụ thể: năm 2011 tăng 14,4%, năm 2012 tăng 8,85%, đến 20/9/2013 TTTD chỉ mới là 6,05% so với cuối năm 2012.

Đáng chú ý là trong khi lượng vốn tín dụng cho nền kinh tế giảm nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức phù hợp: năm 2011 là 6,24% và năm 2012 là 5,25%. Điều này cho thấy điều hành CSTT, tín dụng đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).

Khi cơ cấu tín dụng của hệ thống các NHTM hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, dòng vốn tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tập trung đáp ứng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Đơn cử, với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trước khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt trên 292.919 tỷ đồng, thì đến hết quý II/2013 con số này đã tăng gấp gần 2,2 lần khi đạt mức là 621.584 tỷ đồng. Trong vài năm trở lại đây, tín dụng cho khu vực này liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân trong 5 năm đạt khoảng 18%. Riêng trong 3 năm từ 2010 - 2012 tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn bình quân đạt gần 25%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cần số lượng, nhưng chất lượng phải đảm bảo

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề hiện nay với các ngân hàng vẫn là tiếp tục thận trọng hơn vấn đề cho vay, thắt chặt hơn những điều kiện để khi cho vay có cơ sở xác định được dòng tiền tương lai, tài sản đảm bảo được định giá đúng đắn; cùng với đó tiền cho vay ra đúng địa chỉ, đúng mục đích. Những nhiệm vụ đó còn quan trọng hơn nhiều so với việc theo đuổi mục tiêu TTTD.

“Dĩ nhiên là nền kinh tế của chúng ta dựa nhiều vào tín dụng, song không phải tín dụng tăng càng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn. Nếu đẩy tín dụng ra không có chất lượng thì nền kinh tế sẽ phải trả giá” – TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý. Còn TS. Vũ Đình Ánh thì cho rằng, do có thời kỳ chúng ta TTTD rất nóng với tỷ lệ bình quân tới trên 30%/năm, nên theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2012 bằng 172,36% GDP và vốn tín dụng trong nền kinh tế bằng 102,97% GDP.

Bàn về mức độ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích qua so sánh tỷ lệ giữa TTTD với tốc độ tăng GDP hàng năm: những năm trước, trong khi tín dụng tăng 30% nhưng GDP cũng chỉ tăng trung bình 7%, có nghĩa là TTTD tăng gấp 3-4 lần GDP. Còn năm nay, theo dự báo GDP có thể tăng 5,2%, nhưng TTTD thực khoảng 8-10%, tức là chỉ gấp 1,5 - 2 lần GDP và đây là tỷ lệ hợp lý.

“Nếu năm nay TTTD đạt 8-10% nhưng chất lượng bảo đảm, điều đó tốt hơn nhiều so với đạt mục tiêu 12%, nhưng tương lai phải trả giá cho vấn đề phát sinh nợ xấu”, TS. Hiếu nêu quan điểm của mình.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, TTTD cũng phải đặt trong bối cảnh ngành Ngân hàng đồng thời đang trong tiến trình cơ cấu lại các TCTD về chất lượng. Do đó, tốc độ TTTD xét trên khía cạnh phải phù hợp với mức độ quản lý rủi ro, khả năng thanh khoản, quản lý hợp đồng tín dụng khác nhau của mỗi ngân hàng nên mỗi chính sách ban hành cũng phải tính toán thận trọng, không gây tác động tiêu cực đến toàn hệ thống.

“Cho dù năm 2013 đạt mục tiêu TTTD 12% nhưng cùng với đó phải đạt hiệu quả sử dụng vốn tín dụng. Nếu không, số tăng trưởng thêm cũng dễ nảy sinh ra thêm nợ xấu trong hệ thống NHTM. Trong lúc vấn đề này (nợ xấu – PV), chúng ta đang phải tập trung cao độ để xử lý”, TS. Vũ Đình Ánh cho biết và lưu ý: nếu cứ chạy theo TTTD có thể dẫn tới việc NHTM nới lỏng điều kiện cho vay, chủ quan hơn trong việc ký các hợp đồng tín dụng, như vậy e rằng lại đặt ra cho nền kinh tế, cho ngân hàng và khách hàng là đi xử lý nợ xấu trong tương lai.