Chuyên gia bật mí về chiến lược đầu tư dài hạn

Theo Huy Lê/ndh.vn

Các chuyên gia dự báo nhóm VN30, nhóm xuất khẩu và chứng khoán là các ngành triển vọng trong các năm tới.

Trong buổi hội thảo “Chọn mã chứng khoán cho nhà đầu tư dài hạn”, Giám đốc chứng khoán KIS Việt Nam ông Trương Hiền Phương và Founder Happy Live ông Phạm Lê Thái đã có những chia sẻ về kinh nghiệm và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn.

Đầu tư dài hạn: chọn doanh nghiệp như thế nào?

Ông Trương Hiền Phương.
Ông Trương Hiền Phương.

Để quyết định đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp, ông Trương Hiền Phương cho rằng điều đầu tiên là phải hiểu rõ về doanh nghiệp, bao gồm xem lại quá khứ hoạt động và diễn biến hiện tại của doanh nghiệp. Cách đơn giản nhất là tập trung nghiên cứu các báo cáo tài chính (BCTC) về tình hình kinh doanh và sự vận động của dòng tiền.

Ông nói tiếp, chỉ khi hiểu được sự vận động tài chính và nội tại của doanh nghiệp thì nhà đầu tư (NĐT) mới nên xem xét đến tiềm năng phát triển của công ty để có thể ra quyết định đầu tư.

Ông Phạm Lê Thái, Sáng lập Happy Live cũng đồng quan điểm khi cho rằng NĐT phải hiểu sâu sắc về công ty và lĩnh vực hoạt động. Và tìm hiểu công ty không nên chỉ nhìn vào quá khứ mà phải hiểu cả về xu hướng ngành nghề của doanh nghiệp trong tương lai.

Hiểu sâu sắc theo ông Thái là phải biết công ty kiếm tiền từ những nguồn nào, tiếp đến là công ty quản trị tài chính dòng tiền ra sao, cuối cùng là khả năng kiếm tiền đó trong tương lai có bị ảnh hưởng hay không? Và khi đã tìm ra doanh nghiệp hoạt động tốt, điều quan trọng là NĐT phải biết nên vào mức giá nào?

Nói về thời điểm đầu tư, ông Phương cho rằng dù có tìm được doanh nghiệp tốt cũng không nên mua bằng mọi giá. NĐT nên quan sát vùng giá hợp lý, xem lại lịch sử giá và có thể kết hợp với phân tích kỹ thuật (PTKT). Ông kết luận, nên dùng phân tích cơ bản (PTCB) trước và rồi sử dụng PTKT để chọn điểm vào.

NĐT nhỏ lẻ nên chọn phương pháp định giá nào?

Ông Phạm Lê Thái.
Ông Phạm Lê Thái.

Founder của Happy Live cho biết có nhiều phương pháp định giá trong đầu tư dài hạn, tuy nhiên các NĐT cá nhân nên sử dụng các phương pháp cơ bản và đơn giản nhất.

Theo đó, ông Phạm Lê Thái đề xuất một vài phương pháp thích hợp với NĐT nhỏ lẻ như định giá Net Working Capital (NWC) để tìm mua các cổ phiếu tốt trong thời kỳ khủng hoảng. Hoặc phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp định giá P/E cũng khá được ưa chuộng. Giám đốc KIS cũng đồng tình rằng NĐT cá nhân nên sử dụng các phương pháp định giá đơn giản. Trong đó, ông Phương nhấn mạnh phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF khá quan trọng, khi doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền về liên tục là doanh nghiệp khá tốt. Còn phương pháp P/E hoặc P/B có thể sử dụng kết hợp để đánh giá mức độ đắt rẻ của cổ phiếu.

Dấu hiệu cổ phiếu tốt

Để tìm kiếm các cổ phiếu tốt, ông Thái cho rằng NĐT phải dựa vào PTCB, bắt đầu từ phân tích vĩ mô có hỗ trợ doanh nghiệp hay không? Tiếp theo là phân tích ngành có cơ hội và triển vọng không?

Bước đến là phân tích doanh nghiệp từ các số liệu BCTC, thông tin hoạt động để tìm hiểu doanh nghiệp có tăng trưởng hay không, người chủ doanh nghiệp có tâm hay không? Dấu hiệu của tăng trưởng là việc so sánh với số liệu cùng kỳ ít nhất 2-3 năm. NĐT cũng nên đọc báo cáo thường niên để xem định hướng phát triển, chiến lược tương lai của doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ dòng tiền, ông Phương nói rằng cổ phiếu “lõm” là cổ phiếu sẽ tạo sóng cao rồi sau đó sẽ buông khi thị trường xấu, biến động đồ thị là chữ V và khó xuất hiện hình “sin”. Trong khi đó, cổ phiếu tốt là cổ phiếu sẽ tăng khi thị trường hồi phục bởi vì các NĐT sẽ đi tìm các cổ phiếu tốt và có thông tin minh bạch, do đó dòng tiền thông minh luôn tìm đến.

Xử lý thông tin trong đầu tư dài hạn?

Đầu tư dài hạn là việc nắm giữ khá lâu và trong quá trình đó việc xử lý thông tin là rất quan trọng. Theo ông Phương, NĐT nên quan tâm những tin tức có liên quan đến chính sách vĩ mô, diễn biến một số sự kiên lớn trên thế giới,… Bởi nền kinh tế có khỏe mạnh thì doanh nghiệp mới hoạt động tốt và đúng định hướng.

Về ngưỡng chịu đựng khi nắm giữ dài hạn với tin tức xấu, ông Phương cho rằng nếu tin tức chỉ dạng “scandal” thì bản chất doanh nghiệp vẫn ổn. NĐT nên đánh giá thêm mức độ thất thoát và khả năng dự phòng của doanh nghiệp. Scandal chỉ là ngắn hạn nhất thời, NĐT dài hạn vẫn nên gồng mình nắm giữ, ông còn cho rằng đây cũng là cơ hội để giải ngân thêm.

Còn đối với thông tin xấu về nội tại của doanh nghiệp như bắt đầu đi “sai hướng” thì nên xem xét dừng đầu tư, cắt lỗ để tìm kiếm cơ hội tốt hơn bởi vì các thông tin này khó đoán định và sẽ mất chi phí cơ hội.

Ông Thái nói về cách xử lý thông tin là mua phương pháp nào, bán phương pháp đó. Đầu tư dài hạn chỉ dừng lại khi doanh nghiệp không còn phép nhiệm màu tăng trưởng hoặc hết lợi thế cạnh tranh. Thông tin mua bán của lãnh đạo và người thân cũng là thông tin đáng lưu tâm.

Ngành nào dẫn dắt thị trường sắp tới?

Nói về thị trường năm 2019 và những năm tới, Founder Happy Live cho rằng sẽ có cơ hội nảy sinh từ biến động chính sách, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá tốt khi dòng tiền nước ngoài vẫn chảy mạnh vào trong nước.

"Động lực của thị trường thời gian tới vẫn là thoái vốn Nhà nước để đáo hạn nợ, dòng vốn từ các nước như Thái Lan, Malaysia vẫn đang chảy đều vào nước ta, do đó khẩu vị của tôi là thiên về nhóm VN30", ông Thái chia sẻ.

Còn Giám đốc KIS cho rằng nhóm VN30 đáng quan tâm nhưng phải có chọn lọc. Bên cạnh đó, khi CPTPP bắt đầu được triển khai thì các nhóm ngành về xuất khẩu như dệt may, thủy sản, logistics sẽ phát triển nhanh.

Ngoài ra, trong 2-3 năm tới, ngành chứng khoán cũng sẽ thu hút sự quan tâm và đầu tư vì Việt Nam đã được đưa vào watchlist để xem xét nâng hạng thị trường. Thêm nữa, dòng vốn nước ngoài đổ vào sẽ là cực lớn với các quỹ đầu tư và các tay chơi thứ thiệt có quy mô hàng tỷ USD.