Chuyên gia IMF: Chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay là thích hợp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Sau một thời gian bất ổn vĩ mô, việc thiết lập trạng thái ổn định vĩ mô của Việt Nam đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho là “rất đáng khen ngợi”.

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Một nhóm chuyên gia của IMF do ông John Nelmes dẫn đầu đã có chuyến thăm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh từ 28/5 đến 11/6 để tham vấn với Việt Nam về điều 4 của điều lệ Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Các chuyên gia IMF đã gặp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và các quan chức cấp cao khác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và các đối tác phát triển.

Các cuộc thảo luận tập trung vào phát triển kinh tế gần đây, triển vọng kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách tài chính trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước

Theo chuyên gia IMF, thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam rất đáng khen ngợi. Tăng trưởng GDP thực tế dự kiến ​​sẽ tăng 5,5% trong năm 2014 dựa trên nền tảng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng. Lạm phát đã giảm xuống còn một con số và dự kiến ​​sẽ duy trì trong năm 2014.

Tuy nhiên nhóm chuyên gia của IMF cũng cảnh báo về “cơn gió ngược” từ nhu cầu trong nước yếu ớt, tiến độ cải cách doanh nghiệp chậm chạp và những khó khăn ngành ngân hàng.

“Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu, du lịch và kiều hối, thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ được duy trì. Tổng dự trữ ngoại tệ đã tăng đáng kể trong năm 2014 và dự kiến sẽ còn tăng thêm” – chuyên gia IMF đánh giá.

Trong khi triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế khá là thuận lợi, thì theo chuyên gia IMF, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro, bao gồm cả việc lãi suất toàn cầu cao hơn, hoặc căng thẳng địa chính trị gần đây kéo dài. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải linh hoạt trong các chính sách lớn để duy trì sự ổn định cũng như dự trữ ngoại hối.

Theo chuyên gia IMF, rủi ro trong nước có thể thành sự thật nếu khó khăn của khu vực ngân hàng không có một giải pháp cải cách toàn diện, đặc biệt là nguồn lực tài chính, cải cách pháp lý để thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết các khoản nợ xấu.

Các chuyên gia IMF nhất trí rằng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay là thích hợp khi mà áp lực lạm phát vẫn còn “im hơi lặng tiếng”. Trong trung hạn, việc thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu sẽ tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và sẽ giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trước các cú sốc bên ngoài.

Rủi ro cũng có thể xảy ra nếu cải cách doanh nghiệp Nhà nước chậm chạp, trong khi nợ công đã tăng lên đáng kể đến một mức độ cần lưu ý.

Chính sách tài khóa đã được nới lỏng trong những năm gần đây. Năm ngoái, bội chi ngân sách đã tăng lên và dự kiến ​​còn tăng thêm trong năm 2014 do số thu từ thuế tiếp tục xu hướng đi xuống.

Các chuyên gia IMF đã đề nghị áp dụng một kế hoạch trung hạn để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Việt Nam nên tập trung vào mở rộng các nguồn thu, nâng cao chất lượng đầu tư công...

Các cuộc thảo luận của chuyên gia IMF cũng tập trung vào cải cách cơ cấu mà có thể giúp nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, cao hơn trong trung hạn.

Đó là đẩy mạnh cải cách lĩnh vực ngân hàng trên nền tảng Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc giảm rủi ro hệ thống, cải thiện thanh khoản, và xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. Trong đó, bước quan trọng là công nhận con số nợ xấu thực sự, cải cách hệ thống pháp lý có liên quan đến hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam...

Đồng thời, cần cải thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm việc tăng cường công khai tài chính. Bên cạnh đó, đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, mở rộng phạm vi thoái vốn.

Điều này sẽ đặt nền móng cho việc cải thiện hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho sự phát triển khu vực tư nhân.