Chuyên gia lưu ý “cơn gió ngược” trên thị trường chứng khoán

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) CEO của quỹ VOF Việt Nam, Andy Ho trong cuộc phỏng vấn với Forbes đã lưu ý các nhà đầu tư đang hào hứng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đừng quên “nhạy cảm với những cơn gió ngược”.

Chuyên gia lưu ý “cơn gió ngược” trên thị trường chứng khoán
Tính đến ngày 20/2 năm nay, VN-Index đã tăng 13,1%. Nguồn: internet

“Chúng tôi lưu ý các nhà đầu tư trong nước và quốc tế rất nhạy cảm với những cơn gió ngược, đặc biệt là khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 13% từ đầu năm, sẽ có nhiều nhà đầu tư chốt lời tại ngưỡng này”, ông Ho nói trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán từ Trung Quốc đến Mỹ đang phải đối đầu với những cơn “gió ngược”, tức sự rút lui của nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam đã là một cầu thủ quốc tế và cũng sẽ phải đối mặt với các cơn gió ngược như thị trường Trung Quốc đã trải qua”, ông Ho nói, “Nếu lãi suất cho vay ở Mỹ tăng thì khả năng người dân sẽ giữ tiền và mua trái phiếu chính phủ Mỹ, lúc đó chắc chắn là các nhà đầu tư sẽ rút tiền từ các thị trường đang nổi như Việt Nam. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trì trệ nên hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ giảm vì Trung Quốc là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam”.

Lý giải về sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày này, ông Ho cho rằng Việt Nam là thị trường phát triển hàng đầu thế giới tính đến thời điểm hiện nay. Đâu là nguyên nhân đẩy chỉ số này? Việt Nam đã cơ bản tỏa sáng trong các thị trường mới nổi khác về sự ổn định kinh tế và chính trị trong thời gian qua và đó là điểm mấu chốt thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam.

Trong tháng 1/2014, chỉ số VN-Index đã tăng 10,3% và nếu tính đến ngày 20/2 thì chỉ số này đã tăng 13,1%, thị trường giao dịch với P/E là 14,2 và hiện chỉ số P/E này cũng bằng chỉ số của khu vực từ 14-14,5. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tăng đáng kể là nguyên nhân chính, mua ròng từ đầu năm đến nay của khối ngoại đạt 108 triệu đô la Mỹ.

Ngoài các yếu tố then chốt này, Việt Nam hấp dẫn bởi kinh tế vĩ mô ổn định như lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và chính trị ổn định, tăng trưởng GDP khá đều và dân số đông… trong khi đó, bất ổn xảy ra nhiều nơi trên thế giới từ Nam Mỹ (Venezuala), đến Đông Âu (Ucraine và Thổ Nhĩ Kỳ) đến Đông Nam Á (Thái Lan). Nhờ sự ổn định này nên Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, dòng vốn FDI “kết dính” vào Việt Nam cũng khiến nền kinh tế thêm chỗ dựa.

Nhưng ông Ho chỉ ra nỗi lo lớn nhất của ông vẫn là nợ xấu. Ngân hàng Việt Nam báo cáo tỉ lệ nợ xấu khoảng 4-5% trong khi đánh giá của Moody’s thì tỉ lệ này có thể đến 15%. Mối lo này xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau: Các cơ chế xử lý nợ xấu chưa thực sự hiệu quả để giảm nợ, cách làm hiện nay chưa thể phân tách nợ xấu thực sự và những gì thực sự không phải là nợ xấu, và đang có rất ít động lực để xóa bỏ nợ xấu.

Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên đến 60% theo ông Ho, là tin tốt trong trung và dài hạn, nhưng thực sự nó không ảnh hưởng nhiều đến các công ty niêm yết. “Ngay cả trong trung hạn thì các nhà đầu tư như chúng tôi cũng chưa rõ sẽ được hưởng lợi gì”.