Chuyện khó tin trên sàn chứng khoán

Sơn Long - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Sau một cú nhảy ngoạn mục, cổ phiếu Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng 5.000 đồng lên mức cao nhất là 117.000 đồng. Theo đó, vốn hóa trên thị trường của cổ phiếu này cũng tăng lên gần 10.000 tỷ đồng trong 1 phiên. Hiện tổng vốn hóa của GAS đã lên đến 221.700 tỷ đồng, tương đương 10,4 tỷ USD, chiếm 21,2% tỷ trọng của rổ chỉ số VN-Index. Cổ phiếu có tỷ trọng lớn thứ 2 là VNM (của Vinamilk) chỉ chiếm chưa đến 11%.

Chứng khoán Việt Nam luôn có những chuyện bất ngờ và khó tin. Nguồn: Internet
Chứng khoán Việt Nam luôn có những chuyện bất ngờ và khó tin. Nguồn: Internet

Cổ phiếu GAS tăng mạnh khi doanh nghiệp này công bố doanh thu đạt 30.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.200 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Một cổ phiếu lớn khác cũng tăng lên mức cao là cổ phiếu Tổng công ty cổ Phần Khoan & DV Khoan Dầu Khí (PVD) đạt 99.000 đồng. Đây là 2 trong số rất nhiều cổ phiếu tăng trưởng mạnh trên sàn chứng khoán. Có những cổ phiếu khác cũng tăng lên chóng mặt, dù mọi thứ chưa có gì là khả quan, chắc chắn trong tương lai.

Mượn cơ hội để tăng

Theo thống kê, những cổ phiếu mượn cơ hội để tăng là từ lợi nhuận, nhưng cũng không đến mức để cổ phiếu tăng khủng đến mức vậy. Cổ phiếu SD1- Sông Đà 1, từng chìm ngập trong thua lỗ, bỗng dưng báo lãi 16,36 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2014 nhờ có khoản lợi nhuận khác 20,12 tỷ đồng quý II/2014. Đây là động lực chính để cổ phiếu SD1 tăng giá trong tháng 7 đạt gần 85%. Tuy mức tăng cao, nhưng cổ phiếu này vẫn nằm dưới mệnh giá và chưa biết bao giờ mới về mặt đất.

Cổ phiếu HAX của Ôtô Hàng Xanh nhờ khoản lợi nhuận khác 6,5 tỷ đồng, công ty thoát lỗ và chính thức báo lãi 4,5 tỷ đồng quý II. Lũy kế 6 tháng, HAX lãi ròng 6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1 tỷ đồng cùng kỳ 2013. Cổ phiếu này đã tăng giá khá mạnh đạt 30% khi chốt giá ở cuối quý II.

Cổ phiếu HHG của Công ty CP Hoàng Hà cũng đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận gấp nhiều lần năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 80,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,44 tỷ đồng, tăng 189% so với cùng kỳ. Cổ phiếu này đã có mức tăng trưởng 15% trong tháng 7.

Đây là những cổ phiếu tăng nóng nhờ lợi nhuận khác. Thị trường còn có rất nhiều cổ phiếu từ thua lỗ đã tăng trưởng vững chắc trở thành cổ phiếu lớn được nhiều NĐT nhắc đến suốt thời gian qua.

Cổ phiếu TCM của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công là một hiện tượng trên sàn chứng khoán, khi những năm trước giảm về loanh quanh ở mức trên dưới 5.000 đồng cổ phiếu, giờ đã trở thành cổ phiếu lớn đạt gần 30.000 đồng/cổ phiếu.

TCM đã nỗ lực thoát lỗ, giảm chi phí đầu tư tài chính, tăng doanh thu, tăng lãi, nên cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư lớn nắm giữ. Lũy kế 6 tháng đạt được 84 tỷ đồng, tăng đến 46%, thực hiện được 51% kế hoạch năm.

Một cổ phiếu khác được NĐT kỳ vọng giống TCM, đó chính là cổ phiếu HT1. Sau khi phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ, cổ phiếu này đã tăng tốc ngoạn mục suốt thời gian dài.

Trước năm 2014, cổ phiếu HT1 của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng khá lèo tèo. Sự chuyển mình thành cổ phiếu lớn từ khi phát hành 120 triệu cổ phiếu cấn trừ công nợ cho Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cuối 2013 với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì công ty đã có được cho mình một khoản chênh lệch đến 576 tỷ đồng.

Sự thần kỳ ở những cổ phiếu

Từ đầu năm 2014 đến nay, cổ phiếu HT1 đã tăng đến 164%, một mức sinh lời "khủng" cho những ai nắm giữ HT1 trước đó. Thanh khoản bình quân gần 1,1 triệu cổ phiếu/phiên. Cổ phiếu này từng bị thua lỗ liên tục và không tạo ra được đồng lợi nhuận nào. Các khoản nợ cao chồng chất luôn là vấn đề nhức nhối của DN này.

Áp lực trả lãi không nhỏ khiến HT1 ngụp lặp suốt nhiều năm. Cuối cùng, tập đoàn VICEM đã đứng ra cứu vớt để HT1 thoát khỏi vũng lầy. Từ đó, nợ vay của HT1 giảm mạnh, vốn chủ sở hữu tăng từ 1.886 tỷ đồng lên 3.197 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2014 thực sự đã là một bước ngoặt lớn của HT1, doanh thu thuần đạt 3.306 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, thực hiện 47% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế là 17 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ và đạt hơn 80% kế hoạch; riêng lãi ròng đạt 13,3 tỷ đồng, cũng gấp 8 lần cùng kỳ. Đây quả là sự chuyển biến thần kỳ cho cổ phiếu lớn trong ngành xi măng lớn nhất khu vực phía Nam.

Theo đó, các chỉ số tài chính đều cho những cải thiện rõ rệt. Việc giảm trừ được 1.200 tỷ đồng công nợ đưa EPS tăng từ mức âm 201 lên 54 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu trên thị trường liên tục tăng, chỉ số P/B tăng từ 0,52 lên 1,32.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đã tăng lên 0,46 và khả năng thanh toán lãi vay được đảm bảo trên 1. Khả năng DN tự chèo lái qua những "cơn giông bão" trong kinh doanh luôn được NĐT đánh giá cao.

Một cổ phiếu có mức tăng trưởng thần kỳ khác là VIX của CTCK IB. Sau khi "bầu" Thụy bán hết hơn 74% vốn tại cổ phiếu này, cứ tưởng công ty sẽ không thoát khỏi khó khăn, nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại.

Theo BCTC của VIX, trong quý II/2014, doanh thu ở mức hơn 23 tỷ đồng, tăng gần 146% so với cùng kỳ và tăng hơn 91% so với quý I/2014. Còn lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ và tăng 19.4% so với quý 1/2014. Trong đó, các hoạt động môi giới và tự doanh tăng 449 triệu đồng và hơn 20,2 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,8 lần và hơn 7,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, giá cổ phiếu VIX đã có bước tăng vọt đáng kể từ thời điểm "bầu" Thụy công bố đã thoái xong vốn. Theo đó, chỉ giao dịch trên dưới 10.800 đồng/cổ phiếu, nay đã tăng lên mức 26.000 đồng/cổ phiếu.

Một mức tăng hơn 140% là vô cùng ấn tượng. Và điều này cũng chỉ có trên sàn chứng khoán Việt Nam khi các chỉ số tài chính của VIX chẳng có gì là sáng sủa. Bởi luỹ kế 6 tháng của VIX chỉ đạt gần 18 tỷ đồng, nhưng chỉ số EPS 6 tháng của VIX vẫn chỉ chưa đầy 600 đồng/cổ phiếu. Hiện giá trị sổ sách của VIX nằm vào khoảng trên dưới 11.000 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán Việt Nam luôn có những chuyện bất ngờ và khó tin mà chẳng NĐT nào lý giải được.