Chuyên nghiệp hóa kinh doanh vàng miếng

Theo Thời Báo Ngân Hàng

“Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo các điểm giao dịch của đơn vị được cấp phép phải mở cửa đúng ngày 10/1/2013 và thực hiện giao dịch ngay. Như vậy, với sự chấn chỉnh này, người dân đến mua bán vàng có thể yên tâm vì đơn vị bán vàng phải xuất hóa đơn, qua đó Nhà nước thu được thuế...", Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN nhấn mạnh.

Chuyên nghiệp hóa kinh doanh vàng miếng
Đa phần các cửa hàng vàng sẽ chỉ được kinh doanh vàng nữ trang

Đã có 2.456 điểm được giao dịch vàng miếng

Với mục đích quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng theo tinh thần của Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cuối tuần qua, NHNN đã đưa ra hai quyết định quan trọng.

NHNN đã cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng cho 17 tổ chức tín dụng (TCTD) và 14 doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ các điều kiện, hồ sơ và thủ tục theo quy định; Và ban hành Thông tư 38/2012/TT-NHNN về trạng thái vàng của các TCTD, trong đó quy định TCTD không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm.

Theo quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN, từ ngày 10/1/2013, các DN, TCTD không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng. Do đó, với 17 TCTD và 14 DN được NHNN cấp phép đợt này người dân có thể đến 2.456 điểm giao dịch của các tổ chức này ở tất cả 63 tỉnh, thành phố để mua, bán vàng miếng.

Ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, theo thống kê, tại thời điểm trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 24, cả nước có khoảng 12.000 điểm kinh doanh vàng gồm đủ các thành phần là hộ kinh doanh cá thể, tư nhân, DN cổ phần. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây nhất của cơ quan chức năng thì cả nước chỉ còn hơn 8.000 điểm kinh doanh vàng.

Như vậy, quan điểm nhất quán của Chính phủ và NHNN là quyết tâm chấn chỉnh hoạt động quản lý kinh doanh vàng đã phát huy hiệu quả thực tế, khi đã “đánh động” các điểm kinh doanh vàng nhỏ, lẻ nên sau khi Nghị định 24 ban hành, các điểm kinh doanh vàng giảm bớt một cách tự nhiên.

Việc các đơn vị “tự nguyện” rút lui khỏi thương trường vàng miếng không phải không có lý do. Thứ nhất, trước đây, khá nhiều cửa hàng kinh doanh vàng miếng, hoặc gắn “mác” kinh doanh vàng miếng nhưng “nghề chính” của họ là mua bán ngoại tệ trái phép. Nhưng với những quyết sách đúng đắn của NHNN đối với thị trường ngoại hối đã khiến việc kinh doanh ngoại tệ trái phép của họ hết đất sống.

Đặc biệt, theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ – CP, những đơn vị vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng bị xử phạt rất nặng (ví dụ, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của NHNN có thể bị phạt tiền từ 300-500 triệu đồng) cũng khiến nhiều người “chùn tay”.

Thứ hai, trong bối cảnh giá vàng biến động khó lường, nên những đơn vị buôn bán vàng miếng năm 2012 cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải có vốn lớn mới trụ lại được. Bên cạnh đó, việc trên thị trường xuất hiện vàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đã khiến người dân kén chọn, tìm đến các đơn vị uy tín… nên đương nhiên các cửa hàng nhỏ, lẻ phải tự nguyện đóng cửa.

Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, việc xét duyệt hồ sơ cấp phép cho các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng được NHNN thực hiện chặt chẽ. Thực tế, số lượng TCTD và DN nộp hồ sơ cao hơn nhiều so với con số được chọn cấp phép.

NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố phải rà soát, để nắm được đầy đủ thông tin, số liệu về các đơn vị được cấp phép. Sau khi cấp phép NHNN có văn bản thông báo tới UBND các tỉnh, thành phố và các bộ ngành liên quan, chỉ đạo các chi nhánh NHNN địa phương phối hợp để quyết liệt kiểm tra, phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh.

Phải mở cửa đúng ngày 10/1/2013

Với mạng lưới kinh doanh vàng miếng vừa được NHNN cấp phép, hoạt động này sẽ thay đổi căn bản. “NHNN đã có chỉ đạo các điểm giao dịch của đơn vị được cấp phép phải mở cửa đúng ngày 10/1/2013 và thực hiện giao dịch ngay.

Như vậy, với sự chấn chỉnh này, người dân đến mua bán vàng có thể yên tâm vì đơn vị bán vàng phải xuất hóa đơn, qua đó Nhà nước thu được thuế. Điều này khác với trước kia là các cửa hàng vàng nhỏ chủ yếu chịu thuế khoán, không có hóa đơn, chứng từ nên nhà nước cũng thất thu khoản thuế không nhỏ ”, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Đại diện của NHNN chia sẻ, NHNN cũng đã lường trước có thể trong những ngày đầu thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn phát sinh. Vì thế NHNN sẽ phối hợp với các DN, TCTD được phép kinh doanh vàng miếng có phương án để xử lý tình huống phát sinh trong những ngày đầu.

Một trong những giải pháp được đưa ra là, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, các TCTD, DN này có thể sao in bản giấy phép của NHNN cấp, trong đó có tên đơn vị mình, hoặc biển hiệu ghi rõ “điểm giao dịch vàng miếng được NHNN cấp phép” nhằm tạo niềm tin cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng Công ty vàng Agribank cũng cho rằng, tất nhiên khi 2.400 điểm giao dịch thay thế cho 12 nghìn điểm trước đây muốn “trọn vẹn” cũng cần phải có thời gian. Khi đơn vị kinh doanh vàng miếng muốn mở thêm một điểm giao dịch còn liên quan tới nhiều vấn đề như: đào tạo cán bộ, tổ chức mạng lưới, trang thiết bị, máy móc.

Tuy nhiên, theo ông Trúc “với hệ thống kinh doanh vàng mới, hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của người dân”.

Ông Trúc cũng cho biết thêm; trước mắt Agrigank triển khai mạng lưới kinh doanh vàng miếng ở 26 tỉnh. “Chúng tôi có thuận lợi là ở nhiều tỉnh trước đây có công ty vàng bạc đá quý cũ của Agribank như Hải Dương, Thái Bình… Khu vực miền Trung chúng tôi có chi nhánh của Tổng công ty ở Nghệ An với nhiều cán bộ có kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh vàng nên việc triển khai khá thuận”, ông Trúc chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN:

Chuyên nghiệp hóa kinh doanh vàng miếng - Ảnh 1
Quy định TCTD không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm là phù hợp. Với ngoại tệ NHNN cho phép trạng thái + 20% vốn tự có, nhưng với vàng thì chỉ có trạng thái dương.

Nghĩa là đơn vị kinh doanh vàng phải mua vào rồi mới được bán để kiểm soát rủi ro, kiểm soát khả năng đầu cơ. Xét cho cùng, hoạt động kinh doanh vàng được đánh giá còn rủi ro hơn mua bán ngoại tệ nên đơn vị kinh doanh phải có quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình điều chuyển quản lý trên hệ thống…



TS. Lê Xuân Nghĩa
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Chuyên nghiệp hóa kinh doanh vàng miếng - Ảnh 2

Mục tiêu chính của NHNN là chống vàng hóa. Mà muốn chống vàng hóa thì đương nhiên phải làm thế nào để vàng không còn là tài sản tiền gửi ở trong bảng cân đối tài sản của các NHTM.

Còn việc kinh doanh thì NHNN yêu cầu phải có điều kiện là hợp lý, mà những điều kiện đó cũng không khắt khe lắm, ngoài chuyện về vốn, an toàn...

Những DN, TCTD được cấp phép lần đầu tiên này là những DN đủ điều kiện và tốt nhất mà NHNN lựa chọn. Trong thời gian tới có thể có những đợt cấp phép sau nữa. Tôi tin rằng trong tương lai, khi lạm phát được kiểm soát tốt, giá trị đồng tiền thật ổn định và nền kinh tế phục hồi trở lại thì chuyện giấy phép kinh doanh vàng cũng sẽ dễ dàng hơn.