Chuyện nội bộ giữ giá cổ phiếu

Theo Phan Long/thoibaonganhang.vn

Một số doanh nghiệp tạo cho cán bộ công nhân viên thói quen nắm giữ cổ phiếu như một loại tài sản và chỉ bán khi có nhu cầu tài chính.

Một số doanh nghiệp tạo cho cán bộ công nhân viên thói quen nắm giữ cổ phiếu như một loại tài sản và chỉ bán khi có nhu cầu tài chính. Nguồn: Internet
Một số doanh nghiệp tạo cho cán bộ công nhân viên thói quen nắm giữ cổ phiếu như một loại tài sản và chỉ bán khi có nhu cầu tài chính. Nguồn: Internet

Trong ngắn hạn, việc CBCNV sở hữu lượng lớn cổ phiếu và có khả năng bán ra cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện rủi ro giảm giá. Đó cũng là lúc lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến chuyện giữ giá cổ phiếu.

Có 2 thời điểm mà doanh nghiệp thường phải tính đến chuyện giữ giá cổ phiếu, đó là khi mới lên sàn và khi lượng cổ phiếu ESOP (phát hành cho CBCNV với giá ưu đãi) được phép giao dịch. Việc được mua cổ phiếu với giá ưu đãi khi doanh nghiệp cổ phần hóa, IPO là những quyền lợi mà CBCNV được hưởng, còn ESOP là phần thưởng, một giải pháp mà doanh nghiệp giữ chân người tài hay nhân sự quan trọng. Có 2 điểm chung của loại cổ phiếu này:

Đầu tiên là giá rẻ. So với thị giá, thì các cổ phiếu này thường chỉ bằng phân nửa, thậm chí 1/3, như thời điểm các năm 2006-2007, có khi chỉ bằng 1/5 hay 1/10. Giá rẻ thì tất nhiên người mua sẽ có xu hướng chốt lãi, trừ trường hợp giá khi lên sàn còn tăng mạnh hoặc thị trường quá thuận lợi. Trong trường hợp ngược lại, nếu giá thấp hơn giá thị trường, áp lực bán vẫn có vì khi đó người mua tính đến chuyện cắt lỗ.

Một chi tiết đáng nói ở đây là xét về khối lượng cho mỗi cá nhân thì có thể không lớn, nhưng vì số lượng CBCNV rất lớn nên tổng khối lượng bán ra lại là không hề nhỏ. Đơn cử như trường hợp một tập đoàn nhà nước sau khi cổ phần hóa thì tại công ty chứng khoán tư vấn có thêm đến 5.000 tài khoản mở mới đến từ CBCNV. Và nếu ước tính chỉ cần mỗi tài khoản này nắm giữ 1.000 cổ phiếu thì tổng số cổ phần mà CBCNV nắm giữ đã lên đến 5 triệu cổ phiếu-một khối lượng lớn!

Thứ hai chính là thời gian sở hữu dài, chẳng hạn sau năm đầu tiên, có đơn vị đưa ra kế hoạch sẽ cho 60% lượng ESOP vào giao dịch. Trước đây có những doanh nghiệp cổ phần hóa, IPO thành công nhưng lại chậm lên sàn khiến cho CBCNV rất khó bán cổ phiếu dưới sàn, và việc bị ngâm nhiều năm liền khiến cho đến khi lên sàn áp lực bán ra cũng càng lớn. Chưa kể với việc, nhiều CBCNV có thể chưa quen với việc “cổ phần, cổ phiếu” nhưng trên tinh thần mua ESOP thì cũng tham gia nên có cơ hội lại chuyển hóa thành tiền ngay lập tức.

Vậy các doanh nghiệp thường làm gì để giữ giá cổ phiếu? Còn nhớ khoảng một thập kỷ trước, khi một doanh nghiệp có số lượng cổ phiếu lưu hành lớn tiến hành niêm yết, dân chứng khoán có bàn đến một thông báo “nội bộ” rằng CBCNV không được bán ra trong những ngày đầu tiên niêm yết. Không rõ thông tin này xác thực đến đâu, nhưng khi đó không ai thấy được thông báo này trên văn bản. Kể từ đó về sau, thông tin kiểu “nội bộ hẹn nhau không bán” vẫn là những chuyện ngoài lề được bán ra thị trường khi lên sàn. Vả lại, trong trường hợp có “thông báo nội bộ” này, cũng cần những lãnh đạo doanh nghiệp phải thật sự cứng rắn, mạnh mẽ, mới có thể yêu cầu nhân viên tuân thủ, nên mức độ thành công cũng tùy trường hợp.

Một giải pháp thứ hai, vốn đã được một số doanh nghiệp thường xuyên phát hành ESOP áp dụng, đó là tạo cho CBCNV thói quen nắm giữ cổ phiếu như một loại tài sản và chỉ bán khi có nhu cầu tài chính. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp vừa phải có những chia sẻ về tiềm năng tăng trưởng, cơ hội phát triển trong dài hạn cho CBCNV hiểu rõ, qua đó tin rằng giá cổ phiếu sẽ còn tăng, áp lực bán sẽ giảm.

Mặt khác, việc phát hành ESOP tuy có liều lượng nhất định, nhưng cũng phải thực hiện có tính chất định kỳ để CBCNV quen với việc này. Khi đã hiểu và tin tưởng, việc nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn của CBCNV sẽ trở nên đơn giản, lúc đó doanh nghiệp sẽ không lo áp lực nguồn cung ngắn hạn, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.