“Cơ cấu tín dụng sẽ dịch chuyển”

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Bản báo cáo “Kết quả khảo sát ngân hàng tại các thị trường mới nổi năm 2013, xu thế toàn cầu và vấn đề của ngân hàng Việt Nam” do hãng kiểm toán EY (tên cũ là Ernst & Young) công bố chiều 25/9 cho thấy những nhận định rất đáng chú ý về lĩnh vực ngân hàng.

“Cơ cấu tín dụng sẽ dịch chuyển”
Các áp lực về cạnh tranh, khách hàng cho thấy ngân hàng đang tìm mọi cách để duy trì lợi nhuận. Nguồn: internet
Các chuyên gia lan Baggs và Steven Lewis, tác giả của báo cáo, cho biết nhóm nghiên cứu của EY đã tiến hành khảo sát và phỏng vấn các lãnh đạo ngân hàng cấp cao tại 10 thị trường chính có tốc độ tăng trưởng nhanh ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Báo cáo cho rằng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở mức cao, song hầu hết các phản hồi nhận được đều dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới.

Đáng chú ý là các lãnh đạo ngân hàng Việt Nam có cái nhìn lạc quan nhất về nền kinh tế trong số các nước được khảo sát.

Ông Ian Baggs cũng lưu ý rằng, các ngân hàng đang đối mặt với những thay đổi về pháp lý, đòi hỏi họ phải tăng cường vốn, khả năng thanh khoản… Các ngân hàng cần chứng tỏ với thị trường là mình đang phát triển bền vững.

Về xu hướng sắp tới, các ngân hàng cũng được dự đoán là sẽ tăng trưởng thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng cường bán chéo sản phẩm cũng như phát triển các kênh bán hàng mới để có thể tiếp cận khách hàng.

Các áp lực về cạnh tranh, khách hàng cho thấy ngân hàng đang tìm mọi cách để duy trì lợi nhuận. Trong khi đó, nguy cơ hợp nhất trong ngành ngân hàng cũng đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao công tác quản trị rủi ro nói chung.

Các ngân hàng cũng đang nỗ lực tái cấu trúc cơ cấu cho vay, theo đó cho vay bất động sản sẽ giảm, nhưng cho vay khối doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ sẽ tăng.

Một điểm đáng chú ý là các ngân hàng đều có cái nhìn lạc quan về năm 2014 khi cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện trong năm tới.

Sự lạc quan này được giải thích là xuất phát từ quan điểm nợ xấu đang giảm dần và hy vọng rằng các sáng kiến mới nhất của Chính phủ để xử lý các khó khăn trong ngành ngân hàng, sẽ phát huy tác dụng, từ đó giúp cho các ngân hàng có thể hỗ trợ lại nền kinh tế một cách hiệu quả. Mặt khác, sự lạc quan này cũng được hỗ trợ bởi niềm tin vào sự cải thiện trong triển vọng kinh tế.

Cụ thể hơn, các ngân hàng lạc quan nhất về triển vọng dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ cho DN nhỏ và vừa. Chẳng hạn, các ngân hàng rất lạc quan về triển vọng trong lĩnh vực huy động tiền gửi cá nhân và huy động tiền gửi và cho vay đối với DN nhỏ và vừa.

Lấy ví dụ, tỷ lệ huy động tiền gửi trong dân cư mới chỉ đạt khoảng 20% và với GDP bình quân đầu người dự kiến sẽ vượt mức 2.000 USD/người vào năm 2017, tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính là rất lớn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các ngân hàng Việt Nam kém lạc quan hơn trong mảng ngân hàng đầu tư. Chẳng hạn, thị trường vốn còn rất non trẻ và hoạt động phát hành trái phiếu hiện nay vẫn chủ yếu là trái phiếu Chính phủ.