Cơ chế nhận diện và phòng tránh rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh

Theo Tạp chí Chứng khoán

Theo Thông tư 11/2016/TT-BTC và Thông tư 23/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Bộ Tài chính, sản phẩm sẽ ra mắt trong thời gian đầu của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) là hợp đồng tương lai (HĐTL) trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, chỉ số chứng khoán và trái phiếu chính phủ (TPCP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã xây dựng mẫu HĐTL trên chỉ số cổ phiếu và HĐTL trên TPCP, cụ thể hóa các nội dung tại cấp Thông tư, hướng dẫn cho nghiệp vụ giao dịch và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh (CKPS).

Tuy được coi là một sản phẩm tài chính bậc cao phức tạp, nhưng CKPS, mà cụ thể là HĐTL, các phương thức giao dịch, bù trừ thanh toán đã được tiêu chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên mua bán trên thị trường tập trung.

Khi nắm bắt đầy đủ thông tin, quy định trong cơ chế giao dịch CKPS, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nhận diện và phòng tránh rủi ro, tận dụng nhiều cơ hội đầu tư hơn khi tham gia thị trường mới.

Cơ chế giao dịch chứng khoán phái sinh

Mở tài khoản giao dịch:

Để giao dịch các sản phẩm CKPS, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên giao dịch CKPS của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tương ứng với tài khoản giao dịch này, nhà đầu tư sẽ được mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ (TVBT). Với những nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư cần thỏa thuận với CTCK về việc sử dụng tài khoản sẵn có để giao dịch CKPS. Về chi tiết, nhà đầu tư cần thực hiện như sau:

- Nhà đầu tư phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch CKPS với thành viên giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo quy định tại Thông tư số 123/2015/TT-BTC ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính về hoạt động ĐTNN trên thị trường chứng khoán (TTCK) trước khi mở tài khoản giao dịch CKPS.

- Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch CKPS theo nguyên tắc: tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở một (01) tài khoản giao dịch, ứng với mỗi tài khoản giao dịch, nhà đầu tư được mở tài khoản ký quỹ tại TVBT được chỉ định.

Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường mở tại CTCK đồng thời là thành viên giao dịch CKPS, nhà đầu tư được sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán nêu trên để thực hiện giao dịch CKPS sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định.

TVBT mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư đứng tên TVBT theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 26 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP và có trách nhiệm quản lý tách biệt tiền gửi ký quỹ tới từng nhà đầu tư. Tiền gửi ký quỹ này thuộc sở hữu của nhà đầu tư, không thuộc sở hữu của thành viên bù trừ.

Ký quỹ:

Trước khi thực hiện đặt lệnh mua/bán, nhà đầu tư cần ký quỹ theo đúng quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), theo đó VSD yêu cầu các CTCK nộp ký quỹ theo tỷ lệ ký quỹ ban đầu do VSD quy định, và định kỳ xác định lại vào ngày mùng 01, 10 và ngày 20 hàng tháng.

VSD sẽ công bố 02 ngày làm việc trước khi áp dụng mức ký quỹ mới. CTCK có thể yêu cầu nhà đầu tư đặt hơn mức ký quỹ này để đảm bảo an toàn. Giá trị ký quỹ nhà đầu tư cần ký gửi sẽ được tính trên cơ sở:

Giá trị ký quỹ ban đầu = tỷ lệ ký quỹ ban đầu (%) * số hợp đồng * giá giao dịch * hệ số nhân hợp đồng

Trong quá trình nắm giữ danh mục đầu tư, trường hợp giá trị của CKPS giảm xuống mức ký quỹ yêu cầu, nhà đầu tư cần chú ý giá trị ký quỹ biến đổi và nộp ký quỹ duy trì yêu cầu nhằm duy trì vị thế hiện có. Hoặc nhà đầu tư có thể lựa chọn đóng vị thế hiện có để giảm mức ký quỹ yêu cầu.

VSD chấp thuận tài sản thế chấp là các chứng khoán với tỷ lệ chiết khấu (haircut) như sau:

- TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành, ngoại trừ tín phiếu kho bạc, áp dụng tỷ lệ chiết khấu 5%.

- Chứng khoán niêm yết tại SGDCK (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư ngoại trừ chứng chỉ quỹ ETF), tỷ lệ chiết khấu 30%.

Tuy nhiên nhà đầu tư chỉ được sử dụng ký quỹ chứng khoán tối đa tới 20% tổng giá trị ký quỹ.

Danh sách chứng khoán đủ điều kiện ký quỹ (bao gồm cả tỷ lệ chiết khấu) sẽ được VSD công bố trên trang thông tin điện tử của VSD.

 Lịch giao dịch:

Lịch giao dịch các sản phẩm sẽ được HNX công bố trên website: www.hnx.vn.

Thời gian giao dịch:

Thời gian giao dịch cho TTCKPS sẽ mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút và đóng cửa cùng giờ với thị trường cơ sở, mục đích của quy định này là tạo cơ hội cho nhà đầu tư tham chiếu TTCKPS cho các giao dịch trên thị trường cơ sở.

Kết cấu phiên giao dịch bao gồm phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa - khớp lệnh liên tục - khớp lệnh định kỳ đóng cửa. Giao dịch thỏa thuận được thực hiện trong toàn thời gian thị trường giao dịch. Việc nắm giữ CKPS vào ngày giao dịch cuối cùng cần lưu ý, do sản phẩm CKPS có thời gian đáo hạn tùy vào từng hợp đồng theo tháng.

Trường hợp nhà đầu tư nắm giữ vị thế tới hết ngày giao dịch cuối cùng, VSD sẽ thực hiện tất toán lãi lỗ trên hợp đồng nắm giữ và thực hiện bù trừ thanh toán. Sau ngày giao dịch cuối cùng, sản phẩm đáo hạn sẽ không còn giao dịch.

Các loại lệnh giao dịch:

Sau khi điền các thông số về số lượng và giá trị muốn mua/bán, nhà đầu tư tiến hành các thao tác đặt lệnh và xác nhận đặt lệnh vào hệ thống. Trước mắt HNX dự kiến sẽ áp dụng các lệnh giới hạn (LO), Lệnh thị trường kèm điều kiện (MTL, MOK, MAK), Lệnh trong phiên giao dịch định kỳ mở cửa và đóng cửa (ATO, ATC).

Khi nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch, số lượng ký quỹ ban đầu phải tương ứng với lệnh đặt, đồng thời phải đảm bảo nếu lệnh được khớp thì tổng số vị thế nắm giữ của nhà đầu tư sẽ không vượt quá giới hạn vị thế. Lệnh bao gồm thông tin:

• Mua hay bán loại hợp đồng nào

• Tháng đáo hạn của hợp đồng đó

• Giá muốn mua/bán của nhà đầu tư

• Số lượng HĐTL muốn giao dịch

Hệ thống giao dịch của HNX chỉ nhận lệnh từ thành viên giao dịch (TVGD). TVGD có trách nhiệm kiểm soát lệnh đặt của mình và của khách hàng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định. HNX sẽ từ chối lệnh đặt:

+ Nếu tài khoản đặt lệnh không nằm trong danh sách tài khoản của VSD gửi;

+ Theo yêu cầu phong tỏa tài khoản của VSD.

Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải bảo đảm mức ký quỹ duy trì theo yêu cầu của TVBT. Nhà đầu tư phải bảo đảm vị thế trên tài khoản giao dịch trong giới hạn vị thế theo quy chế của VSD.

Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung ký quỹ (nếu cần thiết) trong thời hạn theo quy chế của VSD.

Nhà đầu tư phải bảo đảm vị thế trên tài khoản giao dịch trong giới hạn vị thế theo quy chế của VSD. Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư có trách nhiệm phối hợp cùng TVBT để đóng vị thế của nhà đầu tư.

Phương thức giao dịch, nguyên tắc khớp lệnh và sửa, hủy lệnh:

Phương thức giao dịch gồm phương thức khớp lệnh và phương thức thỏa thuận. Trong đó:

* Phương thức khớp lệnh bao gồm: Khớp lệnh liên tục và khớp lệnh định kỳ.

- Phương thức khớp lệnh liên tục là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán HĐTL ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch;

- Phương thức khớp lệnh định kỳ là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán HĐTL tại một thời điểm xác định.

Nguyên tắc khớp lệnh

Hệ thống giao dịch thực hiện so khớp các lệnh mua và lệnh bán HĐTL theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên về giá và thời gian, cụ thể như sau:

(i) Ưu tiên về giá:

- Lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước;

- Lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.

(ii) Ưu tiên về thời gian: Trường hợp các lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Việc sửa lệnh, hủy lệnh giao dịch khớp lệnh chỉ có hiệu lực đối với lệnh chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện.

- Lệnh giới hạn được phép sửa giá, khối lượng và hủy lệnh trong thời gian giao dịch. Thứ tự ưu tiên của lệnh sau khi sửa được xác định như sau:

• Thứ tự ưu tiên của lệnh không đổi nếu chỉ sửa giảm khối lượng;

• Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch đối với các trường hợp sửa tăng khối lượng và/hoặc sửa giá.

- Các loại lệnh không được phép sửa, hủy trong toàn bộ phiên khớp lệnh định kỳ.

* Phương thức thỏa thuận: là phương thức giao dịch trong đó các điều kiện giao dịch được các bên tham gia thỏa thuận với nhau và xác nhận thông qua hệ thống giao dịch.

Giao dịch thỏa thuận được thực hiện theo nguyên tắc có sự tham gia xác nhận của hai bên giao dịch về các nội dung giao dịch thỏa thuận.

Sửa lệnh giao dịch thỏa thuận

- Giao dịch thỏa thuận đã được xác lập trên hệ thống giao dịch (có sự tham gia xác nhận của hai bên giao dịch) không được phép sửa hoặc hủy bỏ.

- Trong thời gian giao dịch, trường hợp đại diện giao dịch nhập sai lệnh giao dịch thỏa thuận của nhà đầu tư, đại diện giao dịch được phép sửa giao dịch thỏa thuận khi lệnh chưa được bên đối tác xác nhận.

 Các thông tin cần lưu ý khi đặt lệnh

* Cấu trúc mã hợp đồng (xem Bảng 3):

Giá tham chiếu

Đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu, giá tham chiếu là giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết (đối với hợp đồng mới niêm yết).

Giới hạn dao động giá

(i) Giới hạn dao động giá đối với HĐTL được xác định như sau:

Giá trần = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu × Biên độ dao động giá)

Giá sàn = Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu × Biên độ dao động giá)

Trong đó:

Biên độ dao động giá của HĐTL chỉ số VN30: 7%

(ii) Trường hợp sau khi tính toán, giá trần và giá sàn bằng giá tham chiếu, giới hạn dao động giá được xác định lại như sau:

Giá trần điều chỉnh = Giá tham chiếu + 01 đơn vị yết giá

Giá sàn điều chỉnh = Giá tham chiếu – 01 đơn vị yết giá

(iii) Trường hợp giá tham chiếu bằng  01 đơn vị yết giá, giới hạn dao động giá được xác định lại như sau:

Giá trần điều chỉnh = Giá tham chiếu + 01 đơn vị yết giá

Giá sàn điều chỉnh = Giá tham chiếu

 Bù trừ và thanh toán:

Lệnh giao dịch thành công của nhà đầu tư sẽ được chuyển qua VSD liên tục trong phiên theo thời gian thực (real-time) để thực hiện thanh toán. Việc thanh toán được thực hiện trên tài khoản tiền gửi ký quỹ, tài khoản chứng khoán ký quỹ của nhà đầu tư.

Hoạt động thanh toán được VSD, TVBT phối hợp thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư 11/2016/TT-BTC và khoản 5, Điều 1 Thông tư 23/2017/TT-BTC.

Trường hợp thanh toán lãi lỗ vị thế:

- Tại ngày giao dịch trước ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định hàng ngày trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch).

- Tại ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch cuối cùng).

Trường hợp thanh toán khi thực hiện hợp đồng:

- Đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức bằng tiền: việc thanh toán hợp đồng được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi lỗ vị thế của ngày giao dịch cuối cùng.

- Đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở: nhà đầu tư bên bán phải chuyển giao tài sản cơ sở và nhà đầu tư bên mua phải thực hiện thanh toán tiền theo các điều khoản tại hợp đồng và Quy chế của VSD.

Như vậy, về cơ chế giao dịch, giao dịch CKPS có khá nhiều điểm tương đồng với việc giao dịch cổ phiếu, các khác biệt chủ yếu là do cách tính giá trị ký quỹ cũng như chu kỳ tính lãi, lỗ và thanh toán ngắn hơn so với thị trường cơ sở. Tuy nhiên, đây cũng là một thuận lợi cho thị trường khi nhà đầu tư có thể tham gia vị thế bán và vị thế mua trong cùng ngày giao dịch.

Cơ chế quản lý rủi ro của HNX và VSD

Do TTCKPS có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các tổ chức vận hành thị trường là HNX và VSD sẽ có các biện pháp quản lý và phòng ngừa rủi ro cho toàn thị trường.

Tại HNX, việc quy định về biên độ dao động giá đối với HĐTL giúp giá của sản phẩm không biến động vượt quá khả năng kiểm soát rủi ro của đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Đồng thời, HNX cũng có quy định về giới hạn lệnh, theo đó, khối lượng của mỗi lệnh đặt không vượt quá mức quy định của HNX, để hạn chế ảnh hưởng trong trường hợp bị lỗi giao dịch.

Ngoài ra, việc kết nối hệ thống giao dịch của HNX với hệ thống của VSD trực tuyến, cho phép hệ thống giao dịch của HNX ngừng nhận lệnh giao dịch từ các tài khoản không hợp lệ (không có trong danh sách của VSD) hoặc đã chạm ngưỡng giới hạn quy định của VSD cũng giúp giảm thiểu rủi ro.

Với vai trò là CCP, VSD sẽ có các quy định để quản lý rủi ro như sau:

- Giá thanh toán hàng ngày, giá thanh toán cuối cùng, phương thức thanh toán, ngày thanh toán cuối cùng, quy định ký quỹ: VSD quy định các phương thức tính giá cuối ngày và cuối cùng, các mức giới hạn vị thế và mức ký quỹ áp dụng cho từng sản phẩm dựa trên phương thức tính độ biến động của tài sản cơ sở, phương pháp định lượng rủi ro VaR (Value at Risk), là phương pháp tân tiến nhất hiện nay, hỗ trợ quản lý rủi ro đa dạng hơn phương pháp truyền thống theo hệ thống SPAN của CME, khắc phục hạn chế của SPAN chỉ tính toán dựa trên 16 tình huống biến động giá.

- Quy định về Quỹ bù trừ và xử lý khi xảy ra trường hợp mất khả năng thanh toán: Theo quy định của Nghị định 42/2015/NĐ-CP, TVBT có nghĩa vụ đóng góp quỹ bù trừ để sử dụng trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Khi xảy ra trường hợp mất khả năng thanh toán, VSD sẽ thực hiện các biện pháp sau để hỗ trợ thanh toán (xem Biểu đồ 1).

Với vai trò đối tác trung tâm, VSD sẽ là người mua của mọi người bán và là người bán của mọi người mua nên nếu xảy ra trường hợp một bên tham gia giao dịch mất khả năng thanh toán thì bên còn lại vẫn được thanh toán.

Nhận biết và quản lý rủi ro của nhà đầu tư

Nhận biết rủi ro

Cũng như các sản phẩm tài chính khác, nhà đầu tư khi tham gia thị trường phái sinh đều phải đối mặt với các rủi ro mà tổng quan gồm: (i) rủi ro hệ thống (systematic risk); và (ii) rủi ro cá biệt (non-systematic risk).

Rủi ro hệ thống thuộc về rủi ro biến động giá do các tác động vĩ mô từ nền kinh tế, các rủi ro mang tính thị trường. Rủi ro cá biệt do cung cầu của sản phẩm, rủi ro do hành vi đầu tư thực hiện thông qua việc ký quỹ, rủi ro thanh khoản của sản phẩm.

Tuy nhiên, do chứng khoán phái sinh về bản chất là một công cụ đáp ứng phòng ngừa rủi ro, nên các rủi ro cá biệt hoàn toàn có thể loại trừ nhờ vào khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư, áp dụng CKPS phòng hộ rủi ro cho các khoản đầu tư trên thị trường cơ sở.

Ngoài ra, nhờ khả năng cho phép mua/bán trên cùng một sản phẩm trong ngày, nhà đầu tư dễ dàng triệt tiêu rủi ro vì nắm giữ vị thế dài hạn.

Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của CKPS với chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch HĐTL, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia (giá trị hợp đồng).

Lợi thế đòn bẩy có thể được coi là con dao hai lưỡi với nhà đầu tư. Khi giá của HĐTL biến động theo chiều hướng có lợi (ví dụ: giá hợp đồng tăng đối với nhà đầu tư nắm vị thế mua, giá hợp đồng giảm đối với nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán), thì nhà đầu tư có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu.

Nhưng ngược lại, khi giá hợp đồng biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên khoản ký quỹ trong thời gian rất ngắn.

Khi giá trị ký quỹ của nhà đầu tư xuống thấp hơn mức cho phép (mức Ký quỹ Duy trì), nhà đầu tư phải nhanh chóng bổ sung ký quỹ. Nếu không bổ sung ký quỹ kịp thời, nhà đầu tư buộc phải đóng một phần/toàn bộ vị thế đang nắm giữ bằng việc đặt lệnh đối ứng trên thị trường.

Khi giá hợp đồng tiếp tục biến động bất lợi trong khi vẫn chưa đóng được vị thế, khoản ký quỹ của nhà đầu tư vẫn sẽ phải hứng chịu các khoản lỗ có thể lớn hơn giá trị ký quỹ.

Khi đóng được vị thế, nhà đầu tư vẫn phải thanh toán các thiệt hại cho Trung tâm thanh toán bù trừ và CTCK nếu như giá trị ký quỹ của nhà đầu tư không đủ để chi trả.

Hoạt động thanh toán bù trừ thực hiện qua VSD đóng vai trò là một đối tác thanh toán trung tâm, cũng đảm bảo cho nhà đầu tư vào ngày đáo hạn có thể rời khỏi thị trường khi các vị thế được thực hiện tất toán.

Trường hợp bên mua/bán đối ứng vị thế với nhà đầu tư không đủ khả năng chi trả, gây rủi ro thanh toán, VSD nhận trách nhiệm là bên đối ứng cho vị thế đáo hạn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do đặc thù giao dịch trên thị trường phái sinh là nhà đầu tư ký quỹ khi giao dịch, thường tỷ lệ ký quỹ giao dịch thấp, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một lượng tiền rất nhỏ để mua/bán hợp đồng có quy mô lớn. Do đó nhà đầu tư cần thường xuyên quản lý giá trị ký quỹ theo ngày để đảm bảo kịp thời đáp ứng ký quỹ duy trì yêu cầu và tất toán vị thế nếu cần.

Cơ chế quản lý rủi ro

Để phòng ngừa được rủi ro khi tham gia giao dịch, việc đầu tiên nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy định, cách thức giao dịch, đặc biệt là cách thức ký quỹ, để tránh những tổn thất đáng tiếc.

Thứ hai, nhà đầu tư khi tham gia thị trường này cần xây dựng riêng cho mình một chiến lược giao dịch phù hợp với năng lực tài chính, kinh nghiệm, kiến thức của bản thân và tuân thủ đúng các yêu cầu của pháp luật khi tham gia thị trường phái sinh.

Thứ ba, do các sản phái sinh thường có mối tương quan chặt chẽ với tài sản cơ sở hoặc tài sản khác cùng dựa trên một tài sản cơ sở, ví dụ để quản trị rủi ro nhà đầu tư có thể mua bán HĐTL chỉ số VN30 và ETF trên chỉ số VN30. Theo thống kê, cặp giao dịch ETF và HĐTL trên chỉ số S&P500 chiếm phần lớn khối lượng giao dịch chênh lệnh giá trên TTCK Mỹ.

“Rủi ro cao lợi nhuận cao”, câu châm ngôn này luôn đúng trên thị trường tài chính, tuy nhiên, việc kiểm soát rủi ro tốt sẽ mang lại sự thịnh vượng cho nhà đầu tư.

Như vậy, để tham gia thị trường phái sinh, người đầu tư cần tìm hiểu rõ các quy định và tự trang bị các kiến thức cần thiết cho mình để phòng ngừa các rủi ro liên quan.